N'trang lơng là ai

Cập nhật: 25/07/2012 | 15:51

Tây Nguyên là một vùng cao nguyên lớn nằm ở phía Tây miền Nam Trung Bộ, với diện tích khoảng 8 vạn cây số vuông, bằng 1/4 diện tích toàn quốc. Tây Nguyên có các cao nguyên chính là cao nguyên Pleiku, Đắk Lắk, M’nông, Langbiang và Di Linh...

Phần 1. BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN BÙNG NỔ CUỘC KHỞI NGHĨA.

I. VÀI NÉT VỀ TÂY NGUYÊN TRƯỚC KHI THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC.

Tây Nguyên là một vùng cao nguyên lớn nằm ở phía Tây miền Nam Trung Bộ, với diện tích khoảng 8 vạn cây số vuông, bằng 1/4 diện tích toàn quốc. Tây Nguyên có các cao nguyên chính là cao nguyên Pleiku, Đắk Lắk, M’nông, Langbiang và Di Linh. Riêng hai cao nguyên Pleiku và Đắk Lắk là nơi có nhiều vùng đất đai rộng và bằng phẳng rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, vì thế, đây là nơi tập trung nhiều đồn điền chè, cà phê, cao su của thực dân Pháp. Tây Nguyên là vùng kinh tế giàu về tài nguyên, đất đai, nhân lực, có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, có mối liên hệ chặt chẽ, thuận lợi với các tỉnh ven biển miền Trung, Đông Nam bộ và mở rộng ra các nước khu vực Đông Nam Á, trước hết là Lào và Campuchia.

Sau khi chiếm được vùng đồng bằng Nam Trung Bộ, thực dân Pháp đưa quân tiến sâu vào vùng Tây Nguyên để đàn áp, cai trị các dân tộc thiểu số. Lúc này, xã hội Tây Nguyên nói chung vẫn đang ở trong giai đoạn tan rã của chế độ thị tộc bộ lạc. Nhưng trong những vùng nhất định, tuỳ theo điều kiện lịch sử và kinh tế, sự phát triển xã hội trong các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng hoàn toàn không giống nhau. Cho đến đầu thế kỷ XIX, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, các bộ lạc Tây Nguyên ở các vùng trên vẫn tồn tại một cách độc lập. Đại bộ phận các bộ lạc đều sống tự do, bình đẳng với những quan hệ dân chủ trong các công xã nguyên thủy và những tù trưởng địa phương của mình. Nhà nước phong kiến Việt Nam trải qua nhiều thời kỳ cũng không đủ sức đặt được sự kiểm soát của mình ở các vùng Tây Nguyên. Từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, với chính sách “ràng buộc”, các vua chúa phong kiến đã dần dần đặt được mối quan hệ giữa triều đình với một số tù trưởng các dân tộc Ê đê, Ba Na… Các tù trưởng trên, hàng năm đều chịu triều cống triều đình Việt Nam và được triều đình thừa nhận quyền thống trị địa phương để họ trấn yên biên cảnh, giữ vững miền trung châu. Giai đoạn này, giai cấp phong kiến ở Thái Lan và Lào đã nhiều lần âm mưu thôn tính các dân tộc Tây Nguyên và bành trướng thế lực đến các vùng giáp trung châu. Để bảo vệ cuộc sống độc lập của mình, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cùng với các tù trưởng của họ đã đánh bại những hành động xâm lược của ngoại xâm.

II. THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC VIỆT NAM VÀ ÂM MƯU CỦA CHÚNG ĐỐI VỚI TÂY NGUYÊN.

1. Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và Tây Nguyên.

Thực dân Pháp chiếm Việt Nam và các nước Đông Dương vào nửa sau thế kỷ XIX, khi chế độ phong kiến trong vùng đã trở nên suy yếu. Triều đình phong kiến nhà Nguyễn từ chống trả yếu ớt đến nhượng bộ đầu hàng, thừa nhận nền bảo hộ của Pháp.

Giữa năm 1889, tình hình ở miền đồng bằng Nam Trung bộ đã tương đối ổn định, việc chiếm đóng miền Bắc Tây Nguyên cũng đã hoàn thành, thực dân Pháp liền quay mũi súng xuống đánh chiếm các vùng Nam Tây Nguyên. Giặc Pháp chia ra làm nhiều cánh quân từ đồng bằng Nam Trung bộ thọc sâu vào cao nguyên Đắk Lắk, Lâm Đồng, đồng thời nhiều cánh quân khác xuất phát từ miền Bắc Tây Nguyên đánh thốc xuống chiếm đóng Nam Tây Nguyên. Cuối năm 1889 đầu năm 1890, thực dân Pháp sau khi chiếm được những địa điểm quan trọng ở Nam Tây Nguyên, chúng liền tăng cường bắt xâu thuế, mở rộng căn cứ và củng cố lực lượng ở vùng này, đồng thời nhanh chóng thực hiện các chính sách bóc lột và cai trị đối với đồng bào Tây Nguyên.

Về kinh tế, việc đầu tiên của chúng là phát triển những đồn điền trồng cà phê, chè, cao su… và mở mang đường sá nối liền giữa các vùng với mục đích phục vụ cho quân sự. Bên cạnh việc cướp đất lập đồn điền, bắt xâu phục dịch, xâu thuế không ngừng tăng và thực dân Pháp còn đặt ra nhiều loại thuế khóa như thuế voi, thuế đất, thuế súc vật, thậm chí cả thuế thân, thuế nóc nhà và bắt đồng bào phải nộp, ngày càng trở thành xiềng xích cột chặt người dân miền rừng núi này vào các đồn điền và các công trường làm đường sá, đồn bốt của bọn thực dân, đẩy các dân tộc đến cảnh nghèo đói, bệnh tật.

Về quân sự, âm mưu của Toàn quyền Đông Dương - Đume là thành lập những lực lượng vũ trang người bản địa làm công cụ đàn áp cách mạng và làm bia đỡ đạn cho chúng khi chiến tranh xảy ra. Chính sách bắt lính và chế độ xâu thuế của Đume, đã cướp đi số lao động khỏe nhất của các dân tộc miền sơn nguyên Nam Đông Dương, là nguyên nhân chủ yếu đẩy các dân tộc vào cảnh “bị nhổ bật ra khỏi nương rẫy, đi đến cảnh bần cùng, nhiều khi là nạn đói và nguy cơ của một nạn diệt vong dân tộc”.

Về chính trị, năm 1899, viên quan cai trị Bourgeois đã thành lập khu vực Ban Don với mục đích làm thí điểm trong công cuộc bình định Cao nguyên Trung phần. Chủ trương, chính sách cai trị của Pháp tại Cao nguyên nhằm ngăn cấm đến mức tối đa sự tiếp xúc liên lạc giữa người sơn cước Việt Nam và người đồng bằng; nắm độc quyền khai thác Cao nguyên bằng cách tập trung mọi nỗ lực vào trong tay những vị đại diện  chính thức của Pháp; tách Cao nguyên ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Về văn hóa, giáo dục - y tế, thực dân Pháp thực hiện chính sách “ngu dân” để hòng dễ cai trị vùng Tây Nguyên. Dưới chiêu bài “bảo vệ và phát triển các chủng tộc Thượng”, hoặc “không đụng chạm đến văn hóa bản địa”, thực dân Pháp đã tạo điều kiện duy trì và khuyến khích phục hồi những hủ tục, mê tín dị đoan trong nhân dân. Về y tế, việc điều trị chỉ được tiến hành nhỏ giọt ở thị xã, thị trấn. Như ở tỉnh Kon Tum, đến năm 1928, bệnh viện chỉ có 1 y sĩ, 1 hộ sinh và 47 giường bệnh, không thể giải quyết cho 36.357 lượt người đến khám chữa bệnh.

Cùng với những chính sách cai trị dã man, chế độ sưu cao, thuế nặng, áp bức bóc lột tàn nhẫn, thực dân Pháp đã biến những người dân chất phác, hiền lành thành nô lệ, phục vụ cho công cuộc khai thác Tây Nguyên của tư sản Pháp.

Chính sách của Pháp đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của các dân tộc trên toàn miền sơn nguyên, các dân tộc miền sơn nguyên Nam Đông Dương đã nổi dậy lẻ tẻ, hoặc liên minh phối hợp với nhau vùng lên chống lại bọn xâm lược, đánh vào các đồn bốt và các cuộc hành quân của giặc; chống thuế, chống xâu, hay lánh cư, bất hợp tác, không phục tùng.

2. Những cuộc đấu tranh đầu tiên của đồng bào dân tộc Tây Nguyên chống Pháp đầu thế kỷ XX.

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên phải chịu chung ách thống trị, bóc lột của thực dân Pháp như mọi dân tộc, tầng lớp nhân dân Việt Nam. Ngoài ra, đồng bào nơi đây còn chịu nhiều áp bức bóc lột nặng nề khác. Vì vậy, cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập tự do của nhân dân Tây Nguyên đã bùng lên mạnh mẽ.

Ở Trung Trường Sơn - Tây Nguyên, năm 1900, đồng bào Ba Na và Chăm Hroi huyện Đồng Xuân tham gia đông đảo cùng nghĩa quân Võ Trứ đánh vào Sông Cầu, sau đó tham gia đội nghĩa quân của Đế Nam, người kế tục Võ Trứ. Năm 1902 - 1903, ở An Khê, cuộc nổi dậy của Thăng Mơ bao trùm nhiều làng Ba Na trong khu vực. Từ năm 1889 đến năm 1905, dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh Ama Wal, Ama Khơl, Ama Jhao, N’Trang Gưh, P’tao Pui, Ol Mai, Đi Phai... hai dân tộc Ê đê và Gia rai liên tục nổi dậy chống thuế, chống xâu, chống bắt phu, cướp đất làm đường. Cuộc nổi dậy của N’Trang Gưh, người Bih chống tên công sứ Buốcgioa (Bourgedis) là một cuộc đấu tranh vũ trang lớn (1900-1914). Cuộc nổi dậy của P’tao Pui, người Giarai, năm 1904, giết tên quan cai trị Ođăngđan (Odend’hal) đã gây một chấn động lớn trong chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương. Công sứ Bacđanh (Bardin) ở Đắk Lắk và tên giám binh Vanhxilioni (Vincilion) đã huy động hơn 500 tên lính khố xanh và dân vệ đến để đàn áp. Henri Maitre cho biết đến năm 1912, diễn ra cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng, người Êđê vẫn chưa nộp cho Pháp một xu thuế. Ở miền núi Đông Nam Kỳ, người S’tiêng vẫn chống lại những cuộc xâm nhập của Pháp.

Tổng kết tình hình miền sơn nguyên Nam Đông Dương từ cuối thế kỷ XIX, khi tên Toàn quyền Đông Dương - Đume ra lệnh chính thức tiến quân xâm lược đến năm 1911, khi Henri Maitre, tên quan cai trị đã được giao nhiệm vụ chính thức xâm nhập cao nguyên M’nông, đã buộc phải thốt lên rằng: “Nhiều đồn bốt mọc lên, nhiều tỉnh được thành lập, nhưng rồi nhiều cái đã tan biến...”. “Có những người Pháp dũng cảm vẫn dấn thân đi vào đó (miền sơn nguyên Nam Đông Dương), nhưng đã được đón tiếp bằng những trận mưa tên”.

III. N’TRANG LƠNG VÀ BƯỚC ĐẦU HÌNH THÀNH CUỘC KHỞI NGHĨA CHỐNG PHÁP TRÊN CAO NGUYÊN M’NÔNG.

1. Vài nét về đồng bào M’nông, S’tiêng trên cao nguyên M’nông Đắk Lắk.

Từ lâu đời, cao nguyên M’nông đã là quê hương của hai dân tộc M’nông và S’tiêng. Một dân tộc chia thành nhiều nhóm khác nhau, mỗi nhóm có một địa vực cư trú riêng. Người S’tiêng chia thành hai nhóm Bu Lơ và Bu Đeh, phân bổ từ miền lưng chừng sườn phía Nam cao nguyên (Bu Lơ) đến miền đất cao kế cận thuộc Đông Nam Kỳ (Bu Đeh). Người M’nông phân bố trên phần còn lại của cao nguyên, gồm các nhóm Biêt, Bu Nor, một bộ phận nhóm Rơhong phân bổ trên đất Campuchia, các nhóm Nông, Prông, Preh và một bộ phận nhóm Rơhong phân bổ trên đất Việt Nam. Người M’nông cư trú chủ yếu trên một vùng đất khá bằng phẳng của cao nguyên Đắk Lắk và Đắk Nông ngày nay, địa hình khá bằng phẳng, hơi lượn sóng, xen kẽ với các thung lũng, nhiều sông suối, hồ đầm, chung quanh bao bọc bởi núi cao… Địa bàn cư trú của người M’nông là những cánh rừng tự nhiên mênh mông, nơi cung cấp lương thực, thực phẩm dồi dào cho nhu cầu hàng ngày của đồng bào như: măng, nấm, rau rừng, tôm cá trong các khe suối, các loài chim, thú đa dạng. Đặc biệt, từ xa xưa, người M’nông đã có nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, biến chúng thành voi nhà, một phương tiện vận chuyển thuận lợi của đồng bào. Không chỉ có mối quan hệ vật chất với rừng, người M’nông từ xa xưa đã tự nhiên hình thành mối quan hệ tinh thần, mối quan hệ văn hóa với rừng; rừng là mái nhà che chở, bao bọc người M’nông, là nơi ở của các vị thần linh mà người M’nông có thể khẩn cầu sự giúp đỡ mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Có thể nói, tuy dân số không nhiều, song người M’nông đã khẳng định một vị trí khá đặc biệt của mình bởi một nền văn hóa phong phú, đa dạng, truyền thống lịch sử đấu tranh kiên cường, bền bỉ với những phong trào đấu tranh chống xâm lược, giành và giữ nền độc lập cho dân tộc.

Người M’nông và người S’Tiêng là hai dân tộc láng giềng gần gũi từ lâu đời, là hai dân tộc anh em có quan hệ nguồn gốc lịch sử nói chung, đến thời kỳ Pháp thuộc vẫn cùng một giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội. Ngôn ngữ M’nông và ngôn ngữ S’tiêng đều thuộc ngữ hệ Môn - Khơ Me, cùng tộc hệ ngôn ngữ với các dân tộc như Mạ, Cơ Ho, Ba Na, Xơ-đăng v.v... Đối với đồng bào M’nông, trong quá trình lịch sử và cuộc sống hằng ngày, họ đã sáng tạo ra được một số loại nhạc cụ độc đáo: bộ gõ có đàn chiêng (cĩng), trống (Ding Gơr), đàn môi (guốc). Truyền thống văn hóa đồng bào dân tộc M’nông hết sức đặc sắc, gắn với hệ thống nghi lễ - lễ hội, liên quan chặt chẽ đến hệ thống thần linh và tín ngưỡng đa thần. Đặc biệt, đồng bào M’nông và S’tiêng luôn giữ được truyền thống bình đẳng, dân chủ, tương thân, tương trợ, tính cố kết cộng đồng.

2. Phái bộ Henri Maitre, âm mưu và tội ác đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Thực hiện kế hoạch đặt ách cai trị lên vùng đất phía Nam Tây Nguyên, thực dân Pháp tiếp tục đem quân tiến vào cao nguyên M’nông. Cuối năm 1908, “Phái bộ khảo sát - hành chính Đông Cao Miên” được thành lập. Henri Maitre được chỉ định cầm đầu phái bộ này. Nhiệm vụ của Henri Maitre là trong hai năm 1909-1910 phải hoàn thành điều tra khảo sát toàn bộ cao nguyên M’nông và đặt được ở đây một nền móng ban đầu cho chính quyền thực dân Pháp. Ban đầu, Henri Maitre chỉ có trong tay một lực lượng bảo an và khố xanh nhỏ gồm 9 tên, nhưng con số đã nhanh chóng tăng lên đến một trung đội rút từ Buôn Ma Thuột và Xrây Ktum. Để thành công trong chính sách nô dịch và bóc lột các dân tộc, hắn chủ trương thực hiện một phương sách hành động kết hợp mị dân với bạo lực, lấy bạo lực làm chủ yếu. Khi Henri Maitre kéo quân vào cao nguyên M’nông, cao nguyên này đã nằm lọt trong một vành đai đồn bốt dựng lên từ trước. Chính với những lực lượng vòng trong vòng ngoài này, trong hai năm 1909-1910, Henri Maitre đã tung hoành khắp cao nguyên M’nông thu thập tài liệu và tìm cách nắm dân. Tháng 6-1910, Henri Maitre tuyên bố hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sự thành lập hạt đại lý Pu Sra tháng 9-1910 và việc Henri Maitre được cử làm đại lý hạt hành chính này được bọn cầm quyền chóp bu ở Đông Dương coi là một thắng lợi to lớn của cuộc tiến quân vào cao nguyên M’nông. Nhưng đối với người dân trên cao nguyên M’nông thì đó là kết quả của trăm nghìn hành động tàn bạo của Henri Maitre đối với đồng bào, là nguyên nhân buộc hắn phải đền tội năm 1914.

Sáu năm Henri Maitre có mặt trên cao nguyên M’nông (1909-1914) là những năm hắn gây ra những tội ác chồng chất, khủng bố giết chóc những người chống lại hắn, đàn áp buôn làng họ; vơ vét, cướp bóc lương thực, xâu thuế nặng nề, hà hiếp dân của bọn tay chân của hắn. Căm phẫn trước những tội ác chồng chất đó, nên khi N’Trang Lơng lãnh đạo phong trào nhân dân nổi dậy đánh đồn Pu Sra đã có mấy chục làng M’nông Biêt và Bu Nor tham gia hưởng ứng. Sau đó, một phong trào chống Pháp dấy lên rầm rộ khắp cao nguyên, lan xuống đến vùng S’tiêng; vai trò là ngọn cờ chống Pháp trên cao nguyên đã được hai dân tộc M’nông và S’tiêng trao cho người anh hùng N’Trang Lơng.                         

3. N’Trang Lơng và cuộc chiến đấu giải phóng quê hương.

N’Trang Lơng sinh khoảng năm 1870, mất ngày 23 tháng 5 năm 1935, gốc là người M’nông Biêt. Vợ ông, bà Lal, cũng là người M’nông Biêt, theo tập tục dân tộc M’nông, ông đến ở rể tại quê bà, một làng M’nông Biêt - làng Bu Par, dưới chân núi Đrônh, ăn nước Đắk Đưr chảy xuống sông Prêk Tê, cách Pu Sra khoảng hai ngày đường về phía Tây - Bắc.

N’Trang Lơng và bà Lal có với nhau bốn người con, người con gái đầu lòng tên là Trang, sau Trang là hai con gái: Hplang, Phiang và một trai Rkang. Ông bà là người làm ăn cần cù, giỏi giang nên kinh tế khá giả, đời sống gia đình vui vẻ, hạnh phúc. Nhưng rồi tai họa đã ập đến tổ ấm gia đình ông bà từ đồn Pu Sra, mùa khô 1910-1911, vợ ông và Trang bị lính của Henri Maitre hãm hiếp. Để trả thù nhà, N’Trang Lơng bắt bọn chúng phải đền tội thì Henri Maitre tấn công vào làng của ông, bắt và tra tấn dã man bà Lal và Trang rồi bỏ chết đói. Giữa mùa khô sau đó, vào đầu năm 1912, ông nổi dậy trả thù nhà, tiêu diệt đồn Pu Sra thì Henri Maitre lại mở chiến dịch đàn áp khốc liệt cuối mùa khô 1912-1913, đốt sạch, phá sạch tài sản gia đình ông, dồn ông vào cảnh vong gia bại sản. Từ đó, ba người con còn lại của ông cũng bị đẩy vào cảnh phiêu bạt rồi mất tích. Đời vợ sau của ông là bà Pang, một bà góa có một con, gốc R’Hong, quê ở Bu Rơlâm, một làng R’Hong trước kia ở trên đầu nguồn sông Prêk Chlong, nhưng sau nhiều lần du canh du cư đã đến cắm tại hữu ngạn trung lưu sông Đắk Huich. Đầu năm 1913, khi bị Henri Maitre truy lùng ráo riết nhằm trả thù trận ông đánh sập đồn Pu Sra của hắn, N’Trang Lơng cùng một số nghĩa quân đã chuyển vùng đến nguồn Đắk Huich để lánh giặc, đồng thời gây dựng cơ sở mới, bắt nối lại phong trào ở vùng này. Ông đã gặp bà Pang và làm bạn với bà trong khoảng thời gian này. Từ khi quê hương được giải phóng, ông về ở hẳn với bà ở Bu Rơlâm và làm đầu làng của làng này. Đến khi ông cầm súng lên đường đi đánh Pháp xâm lược trở lại cao nguyên, bà đã đi theo ông, trở thành người bạn chiến đấu của ông. Đến khi ông ngã xuống trước họng súng của quân thù tại Bu Par, bà đã hy sinh bên cạnh ông.

Vị đầu làng Bu Par N’Trang Lơng bước vào lịch sử giữa mùa khô 1911-1912, năm ông khoảng 40 tuổi. Từ đó, ông hiến dâng tất cả những năm tháng của đời mình cho cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp. Ngay cả trong những năm dài quê hương được giải phóng, tuy trở lại với cuộc sống bình thường của một người đầu làng nơi quê hương vợ, nhưng từng lúc, từng nơi, khi tình hình cuộc chống Pháp lấn chiếm cao nguyên trở lại đòi hỏi, ông vẫn có mặt ở vị trí cần thiết, làm nhiệm vụ của người thủ lĩnh phong trào. Như vậy, N’Trang Lơng là một tấm gương tiêu biểu nhất về tinh thần thiết tha yêu quê hương, về chí căm thù giặc Pháp xâm lược sâu sắc, về lòng dũng cảm và ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ cuộc sống độc lập và tự do của quê hương trong lịch sử chống Pháp ở miền sơn nguyên Nam Đông Dương. Dân tộc M’nông rất tự hào về người thủ lĩnh của mình. Từ năm 1912 khi ông mới đứng lên cho đến khi ông phải dừng chiến đấu vào tháng 5/1935, lớp lớp người đầu làng M’nông, S’tiêng đã kế tiếp nhau đứng lên chiến đấu dũng cảm, ngoan cường.


Phần 2. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA CUỘC KHỞI NGHĨA N’TRANG LƠNG (1912 - 1936).

I. GIAI ĐOẠN KHỞI PHÁT CỦA CUỘC KHỞI NGHĨA N’TRANG LƠNG (1912-1913).

Bước vào những năm cuối thập kỷ 1910, khi tiếng súng của phong trào Cần Vương đã không còn, hầu hết các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam đã lần lượt thất bại. Trong khi đó, điểm nóng nhất của các phong trào chống đối cùng thời nhưng nằm ngoài phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo cũng đang trải qua những đêm cuối cùng (cuộc khởi nghĩa chấm dứt vào tháng 2/1913, khi Hoàng Hoa Thám hy sinh). Lúc này, ở vùng Cao nguyên M’nông, dưới sự lãnh đạo của N’Trang Lơng, cuộc khởi nghĩa của đồng bào M’nông, S’tiêng bước vào giai đoạn khởi phát với trận mở đầu đánh vào đồn Pu Sra của Pháp.

N’Trang Lơng cùng các thủ lĩnh tiến hành xây dựng căn cứ địa kháng chiến tại thung lũng rừng già Bu Siết (tức Bu Jeng Kiet hay Bu Jang Chet) giáp ranh với Bu N’Drung ở thượng nguồn suối Buk Xô thuộc núi Nâm Nung. Đây là cơ quan đầu não của nghĩa quân, với lực lượng từ 150 – 170 tay súng thoát ly buôn làng. Phần lớn nghĩa quân là người M’nông Biêt và M’nông Nông do N’Trang Lơng trực tiếp chỉ huy. Họ xây dựng lán trại, kho lương, nhà chứa vũ khí, đào hầm, cắm chông gài bẫy xung quanh căn cứ. Bên cạnh căn cứ là những nương rẫy trồng lúa, bắp, khoai của nghĩa quân. Bên cạnh N’Trang Lơng - vị thủ lĩnh tài ba, trong hàng ngũ nghĩa quân, còn có những thủ lĩnh khác như B’Heng Reng, R’Đing, R’Ong Leng, N’Xinh. Họ là những thủ lĩnh yêu nước, là những cánh tay đắc lực của N’Trang Lơng.   

Trong quá trình chiến đấu chống thực dân Pháp, hầu hết người M’nông, S’tiêng tích cực tham gia cuộc chiến chống kẻ thù chung dưới sự lãnh đạo của N’Trang Lơng. Nếu tính trung bình mỗi buôn có khoảng 10 người tham gia nghĩa quân thì có thể ước tính lực lượng trực tiếp chiến đấu của N’Trang Lơng khoảng gần 5.000 người. N’Trang Lơng đã phiên chế lực lượng này thành hai loại: lực lượng trong buôn và lực lượng ra rừng; ngoài ra còn có một lực lượng đặc biệt làm công tác tuyên truyền và thám báo. Về vũ khí, ngoài cung, tên, giáo, mác, rìu, xà gạc, thuẫn, dao găm, nghĩa quân chủ lực còn có súng kíp, súng mút cơ tông lấy được của Pháp. Xung quanh căn cứ và trên những con đường địch hay di chuyển, nghĩa quân bố trí các loại bẫy, chông lợi hại nhằm tiêu hao sinh lực của chúng. Ngoài nghĩa quân chủ lực, các thủ lĩnh khu vực thường điều động nghĩa quân địa phương của các buôn đi chiến đấu. Họ được trang bị vũ khí tự có và được N’Trang Lơng phân phát thêm súng tịch thu của giặc Pháp.


1. Trận Pu Sra.

Sau quá trình N’Trang Lơng vận động, tập hợp lực lượng hình thành nghĩa quân, tích trữ lương thảo và xây dựng các căn cứ chiến đấu, đến đầu năm 1912, N’Trang Lơng quyết định mở cuộc tấn công đồn Pu Sra - Sở chỉ huy của Pháp.

Trận Pu Sra được các tài liệu chính thức của Pháp thời bấy giờ miêu tả là một trận đánh tiêu biểu hoàn toàn thắng lợi của nghĩa quân. Số làng liên minh với N’Trang Lơng trong trận đánh này khoảng vài chục làng, phần lớn là người M’nông Biêt và Bu Nor ở các vùng nguồn Prêk Tê, Đắk Rpa và Đắk Plai. Diễn biến trận đánh đồn Pu Sra, trong đêm tối, dưới sự chỉ huy trực tiếp của N’Trang Lơng và các thủ lĩnh, khoảng 150 đến 170 nghĩa quân cùng tiến sát đồn, diệt tên lính gác rồi ào ạt xung phong, dùng hỏa công thiêu rụi đồn Pu Sra, diệt được 13 tên địch. Trong đó, có tên Balat Mau, quyền trưởng đồn, người Cao Miên, khét tiếng gian ác cùng tên Nđjrak Ot, đầu làng làng Pu Sra, nổi tiếng là tay chân đắc lực của Henri Maitre cũng bị nghĩa quân trừng trị đích đáng.

Số thủ lĩnh đầu làng và già làng tham gia chỉ huy trận đánh bên cạnh N’Trang Lơng rất đông. Chiến thắng Pu Sra làm nức lòng dân chúng và làm tên tuổi N’Trang Lơng vang dội khắp Tây Nguyên, Ông trở thành con người vĩ đại của dân tộc M’nông bất khuất.

Chiến thắng Pu Sra như một luồng gió mạnh thổi lên khắp cao nguyên M’nông, mở đầu một phong trào vũ trang nổi dậy chống Pháp mạnh mẽ. Đối với Pháp, Pu Sra thất thủ là một thất bại nặng nề. Việc cắm được đồn Pu Sra và việc thành lập được đại lý Pu Sra được chúng coi là một thành công lớn của phái bộ khảo sát - hành chính Đông Cao Miên, tức là của Henri Maitre, thì nay toàn bộ “sự nghiệp” đó đã bị nghĩa quân N’Trang Lơng xóa sạch.

2. Cuộc chống càn thắng lợi của nghĩa quân N’Trang Lơng mùa khô 1912-1913

Cuối năm 1912, Henri Maitre trở lại cao nguyên M’nông với nhiệm vụ “trả đũa” N’Trang Lơng vì nghĩa quân của ông đã xóa sổ đồn Pu Sra. Trong mấy tháng mùa khô năm 1913, hắn liên tục hành quân lùng sục khắp vùng Biêt - Bu Nor, thi hành chính sách đốt sạch nhằm dồn nghĩa quân vào cảnh đói cực và chết chóc trong núi rừng. Chính trong cuộc càn quét trả đũa này, Henri Maitre đã cho N’Trang Lơng, (theo lời của hắn) “một bài học nên thân”, triệt phá nốt số ít gia sản còn lại của ông, đẩy ba người con còn lại của ông vào cảnh phiêu bạt rồi mất tích.

Bị Henri Maitre truy lùng ráo riết, N’Trang Lơng đã tạm lánh vào vùng nguồn Đắk Huich và tiếp tục hoạt động ở đây. Nguồn Đắk Huich là một vùng có phong trào chống Pháp sôi sục, nhất là từ khi Henri Maitre mở những cuộc hành quân càn quét N’Trang Lơng ở phía Bắc. Người Rơhong ở đây có khoảng 25 hoặc 30 khẩu súng mua của những thương lái từ phía sông Mê Kông đem tới. Vị đầu làng có uy tín nhất trong vùng là Bu Luk Amprah, ông cùng với N’Trang Lơng bí mật tuyên truyền, vận động và tổ chức đồng bào M’nông trong vùng đứng lên chống Pháp. Đầu năm 1913, Bu Luk Amprah nhiều lần đem quân đánh, quấy rối đồn Xrây Ktum. Ông cũng vượt qua cao nguyên Đồi Cỏ, lên phía Bắc đánh vào đồn Pu La mới thành lập. Henri Maitre đã tỏ ý e sợ và không ngừng trông chừng người thủ lĩnh đầu làng quan trọng này. Thực tế cho thấy, vị thủ lĩnh Bu Luk Amprah đã đóng góp quan trọng vào các chiến công đánh Pháp của nghĩa quân N’Trang Lơng.  

II. NGHĨA QUÂN N’TRANG LƠNG LIÊN TỤC TẤN CÔNG, GIÀNH LẠI QUYỀN LÀM CHỦ TÂY NGUYÊN (1913 – 1915).

Bước sang năm 1913, trên cao nguyên M’nông, phong trào khởi nghĩa do N’Trang Lơng lãnh đạo đang bước những bước tiến mới, chuẩn bị thế và lực liên tiếp mở những trận tấn công tiêu diệt địch.

1. Trận liên hoàn Bu Nor - Bu Mêra - Bu Bông.

Tình hình cao nguyên M’nông trong mùa khô 1913-1914 rất căng thẳng. Trên phần cao nguyên thuộc Cao Miên do bị Henri Maitre tàn phá trong chiến dịch trả đũa mùa khô trước nên nhiều diện tích rẫy không làm được. Vụ thu hoạch cuối năm 1913 bị giảm sút nghiêm trọng, kéo theo là một nạn đói trầm trọng trong cả mùa khô 1913-1914. Trong khi đó, năm 1913, thuế thân tăng lên đến 7 đồng bạc Đông Dương một người. Đời sống của người M’nông Biêt, Bu Nor và R’Hong vì vậy rất khổ cực. Khắp phần cao nguyên này lại nổ ra những trận chiến đấu chống thực dân Pháp, phong trào xây dựng làng chiến đấu chuẩn bị chống giặc diễn ra rầm rộ, đặc biệt ở nguồn sông Đắk Huich.

Đối với thực dân Pháp, lúc này việc lập một lỵ sở cho hạt đại lý đã trở thành một việc cấp bách. Do đó, cuối tháng 2/1914, Galchiê và Henri Maitre đến Bu Mêra, một làng M’nông Nông trong lưu vực Đắk R’tíh để xây dựng đồn đại lý. Bu Mêra là một làng đông dân và khá giả, nằm trên bờ Búk Xô có vị trí chiến lược cơ động nhất trong lưu vực Đắk R’tíh và đối với toàn phần cao nguyên M’nông. Bao quanh có nhiều làng khác như Bu Jâng Chet (cũng gọi là Bu Xiêt), Bu Ya, Bu Pu (U) Min và Bu Nđrung. Hành động của chúng bị nhân dân trong khu vực phản đối gay gắt.

 Giữa tháng 6/1914, đồn Mêra bước vào thời kỳ sắp hoàn thành. Lực lượng vũ trang của Henri Maitre đã tăng lên đến 25 lính khố xanh Trung Kỳ và bảo an Cao Miên; ngoài ra có 4 tên phiên dịch, cai culi và bồi bếp, do một số tên đội khố xanh chỉ huy. Để bảo đảm hậu cần cho số quân đồn trú và bọn nhân viên phục vụ, khoảng giữa tháng 6/1914, Henri Maitre đi Giring lấy tiếp tế, hẹn sau 1 tháng sẽ trở về. N’Trang Lơng và hội đồng thủ lĩnh M’nông Nông quyết định nắm lấy thời cơ này để khởi sự.

Quyết định của hội đồng thủ lĩnh dưới sự lãnh đạo và chỉ huy của N’Trang Lơng là: ngày Henri Maitre vừa về đến Mêra, bất ngờ dụ hắn đi Bu Nor ngay, lấy cớ N’Trang Lơng đang uy hiếp mạnh các làng M’nông Nông đang chứa chấp hắn, hắn cần đến hợp lực với các làng đánh N’Trang Lơng. Mục tiêu trận Bu Nor là tiêu diệt Henri Maitre và một bộ phận quan trọng lực lượng vũ trang của hắn. Mục tiêu thứ hai phải đánh liền sau đó là đồn Mêra, tiêu diệt nốt số lính còn lại, cướp đoạt vũ khí và lương thực dự trữ.

Vị đầu làng Bu Jâng Chet là R’Đing vốn được Henri Maitre coi là một “đồng minh”, nên là người có danh nghĩa nhất đứng ra kêu gọi Henri Maitre liên minh với người M’nông Nông đi đánh N’Trang Lơng, và là người chủ trì lễ “kết minh”.

R’Ong Leng và Bơ Rơi Njưng là chỗ Henri Maitre đã qua lại nhiều lần, được hắn coi là chỗ quen thân, được giao nhiệm vụ thay R’Đing đến gặp Henri Maitre kêu cứu, dụ hắn đến Bu Nor để làm lễ “kết minh” trước khi xuất quân đi đánh N’Trang Lơng. Với tư cách là người đầu làng Bu Nor, R’Ong Leng sẽ phụ trách tổ chức lễ “kết minh” và tiếp đãi Henri Maitre. Việc bảo vệ từ xa, đón đánh viện quân địch có thể từ Ban Mê Thuột hay Krôchiê đến được giao cho người đầu làng làng Bu Bông. Khi trận Bu Nor đã kết thúc, R’Ong Leng có nhiệm vụ thu dọn chiến trường, còn N’Trang Lơng, R’Đing, Xning và Njưng hành quân cấp tốc đánh đồn Mêra vào ngày hôm sau.

Đúng hẹn và với một thái độ lạc quan, hoàn toàn yên tâm về người M’nông Nông “tuy còn độc lập nhưng đã chịu khuất phục” ngày 24/7/1914, Henri Maitre từ Giring lên đường trở về Mêra, đến tối ngày 28 thì hắn về đến đồn. Thời điểm nghĩa quân mong đợi đã đến, khi Henri Maitre vừa xuống ngựa thì R’Ong Leng và Bơ Rơi Njưng đã chờ sẵn ở đồn, khẩn cấp kêu cứu, yêu cầu hắn xuất quân ngay phối hợp với các làng M’nông Nông đi đánh N’Trang Lơng.

Cuộc gặp chóng đi tới thỏa thuận lập một liên minh Pháp với người M’nông Nông chống N’Trang Lơng, Henri Maitre quyết định xuất quân ngay sáng hôm sau. Bu Nor được chọn làm điểm hội quân và một lễ “kết minh” sẽ được tổ chức trước khi hai bên cùng ra quân. Bu Nor, như đã biết, là một làng của R’Ong Leng, và đây lại là làng cửa ngõ đi lên phía Bắc và phía Tây vào các vùng M’nông: Biêt, Bu Nor và R’Hong.

Sáng 29/7, Henri Maitre lên đường đi Bu Nor với một lực lượng 15 lính khố xanh, cả bọn phiên dịch, cai culi và bồi bếp tháp tùng. Ba voi vừa mới từ Giring về, trong đó có voi của Nchuh, đều bị Henri Maitre điều đi luôn để chở đạn, gạo và hành lý. R’Ong Leng đề nghị Henri Maitre không cần đem nhiều lính và Pactiđăng. Ông hứa sẽ cung cấp Pactiđăng cho hắn. Henri Maitre để lại giữa đồn Mêra chỉ một tên đội khố xanh và 7 lính với những thùng vũ khí mới đem ở Giring về.

Henri Maitre đến Bu Nor ngay chiều ngày 29/7, hắn được R’Ong Leng tiếp đãi theo đúng phong tục mến khách của người M’nông. Lễ “kết minh” tổ chức ngay hôm sau, vào khoảng 8 giờ ngày 30/7/1914, tổ chức tại nhà R’Ong Leng. Lễ chính thức là cúng giàng, làm một lễ hiến sinh lấy nước phép rưới cầu may cho vũ khí. Vũ khí của cả đôi bên được chất thành đống, kể cả khẩu súng lục của Henri Maitre. Khi Lễ chính thức bắt đầu, hắn vừa được đưa cần rượu cho uống trước thì N’Trang Lơng bước đến bên cạnh, ông hỏi y một câu có tính chất thách thức, và bằng một động tác chính xác, N’Trang Lơng rút dao ngắn đâm Henri Maitre một nhát trúng tim. Những nhát dao ngắn đâm tiếp theo là của các vị thủ lĩnh theo thứ tự quan trọng của mỗi người: Bơ Xing Rđing, R’Ong Leng, Bơ Ning Xning, Bơ Rơi Njưng. Đồng thời reo lên khắp nhà tiếng hô “Lơh! Lơh!” (Giết! Giết!). Nghĩa quân, cả đàn bà, nhảy xô vào bọn lính và tay chân của Henri Maitre, diệt kỳ hết, trừ người nài voi Nchuh đi thả voi mới về, ngồi xa đàn lễ, nghĩa quân không thấy nên thoát chết và được giữ lại làm tù binh.

Trận đánh đồn Mêra diễn ra ngay sau trận Bu Nor, trưa ngày 31/7/1914. N’Trang Lơng đích thân chỉ huy trận đánh với sự tham gia của Bơ Xing Rđing và Bơ Ning Xning. Vào lúc đứng bóng, đồn Mêra bị dân hai làng Bu Mêra và Bu Jâng Chet tràn vào, không chỉ đàn ông mà cả đàn bà. Nghĩa quân hóa trang thành lính khố xanh với trang phục lột được ở Bu Nor, trà trộn trong dân vệ để lọt vào đồn. Trận đánh đã tiêu diệt số ít lính và chỉ huy còn lại trong đồn diễn ra một cách nhanh chóng. Đây cũng là một trận thắng trọn vẹn nữa của nghĩa quân theo đúng kế hoạch đã định.

Trận Bu Bông, trận thứ ba trong thế đánh liên hoàn, là một trận đánh nhỏ, diễn ra như một ngẫu nhiên của lịch sử. Đây là một bằng chứng nữa nói lên sự đúng đắn của phương án tác chiến đã vạch ra, lòng trung thành vô hạn của nghĩa quân Bu Bông đối với N’Trang Lơng, ý thức chấp hành nghiêm túc quân lệnh của vị thủ lĩnh ở Bu Bông. Kết quả trận đánh, nghĩa quân đã tiêu diệt được một toán lính khố xanh của đại lý Buôn Ma Thuột áp giải tù đi Mêra.

Ngoài trận liên hoàn Bu Nor - Bu Mêra - Bu Bông, nghĩa quân N’Trang Lơng đã lần lượt tiêu diệt hai đồn Pu Klia và Pu Thông ở thượng lưu hai sông Prêk Tê và Prêk Chlong, giáng một đòn mạnh mẽ vào hệ thống đồn bốt của thực dân Pháp.


2. Trận Bu Tiên.

Bước vào mùa khô 1914-1915, thực dân Pháp chủ trương mở một cuộc hành quân càn quét xuyên suốt cao nguyên M’nông từ tây xuống đông, một mặt để tìm diệt N’Trang Lơng và nghĩa quân; mặt khác cũng thăm dò khả năng đặt lại sự có mặt của chính quyền Pháp một mức nào đó trên cao nguyên.

Nhiệm vụ cuộc hành quân được giao cho tên công sứ Truphô (Trouffot) tỉnh Krochê với một tên quan một khố xanh Macgăng (Margand) làm phụ tá quân sự và tên đồn trưởng kiểm lâm Cuôcsăng (Coursante) làm người dẫn đường, xuất phát từ Xrây Chis đầu tháng 1/1915, nhằm hướng sông Đắk Ghbar (Tioba, gọi theo tiếng Khơme). Nghĩa quân do N’Trang Lơng trực tiếp chỉ huy bí mật theo dõi, bám sát địch và nhiều lần đã đánh quấy rối chúng dọc đường. Đến chiều 14/1/1915, Truphô dừng chân trú quân trong một khe núi thuộc làng Bu Tiên, ở phía Đông Bắc Xrây Chis, cách Krochiê khoảng 60km về phía Đông. Sau một đêm không trăng bao vây và phục kích toàn khu vực trú quân của địch, sáng sớm ngày 15/1/1915, nghĩa quân từ các phía trườn theo sườn núi đổ xuống đánh ập vào lều giết Truphô và Macgăng, tiêu diệt bọn lính không sót một tên, thu toàn bộ vũ khí, quân trang quân dụng, thu được bốn voi.

Trận Bu Tiên, là một trận tiêu diệt hoàn toàn thắng lợi nữa của N’Trang Lơng và nghĩa quân của ông, góp phần khẳng định ý chí, khả năng chiến đấu tiêu diệt địch, đồng thời, bẻ gãy ý chí xâm lược của thực dân Pháp trong một thời gian dài.

III. CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN THẮNG LỢI, MỞ RỘNG ĐỊA BÀN KHỞI NGHĨA (1916 - 1927).

Từ khi cao nguyên M’nông sạch bóng giặc Pháp, cuộc sống nơi đây dần trở lại nếp sống cổ truyền, nhưng đã phải trải qua những khó khăn chưa từng thấy. Những hậu quả phá hoại kinh tế do Henri Maitre gây ra trong chiến dịch trả đũa đàn áp mùa khô 1912-1913 vẫn chưa khắc phục được thì nay giặc Pháp lại triệt đường tiếp tế muối, gây nên nạn lạt muối nghiêm trọng. Một số thủ lĩnh của phong trào nảy sinh dao động, nộp cho giặc một số súng mà nghĩa quân đã cướp được. Để giữ vững phong trào, dưới sự lãnh đạo của N’Trang Lơng (lúc này đã trở về với gia đình ở Bu Rlâm và đứng đầu làng này), nghĩa quân đã tiến hành một đợt thanh trừng bọn phản bội và bọn tay chân cũ của Pháp.

Do ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp trên vùng cao nguyên Nam Đông Dương đã lan rộng ra nhiều khu vực, đặc biệt nổi lên là phong trào chống Pháp của người S’tiêng ở Bà Rá. Đầu năm 1925, vùng Bà Rá vẫn còn nằm ngoài tầm với của thực dân Pháp ở đại lý Phú Riềng. Trước tình hình không chịu khuất phục của nhân dân S’tiêng, thực dân Pháp chuyển sang dùng quân sự đánh chiếm vùng S’tiêng Bà Rá. Cuộc xâm lược này được giao cho tên quan tư Cariê (Carrier) tiến hành với sự tài trợ của các công ty đồn điền cao su ở Nam Kỳ, với sự phối hợp và yểm trợ của các tên đại lý đồn trưởng các đồn Bu Đốp và Chlong Phlas cả về quân sự và chính trị. Trong hai mùa khô 1925-1926 và 1926-1927, Cariê liên tiếp càn quét vùng S’tiêng Tây Bà Rá, rồi vùng S’tiêng Đông Bà Rá; càn quét đến đâu, y cho làm đường đến đó. Mạng lưới đường y làm thọc sâu dần về phía Bắc vào vùng M’nông – S’tiêng. Do các cuộc càn quét ác liệt của Cariê, phong trào chống Pháp của đồng bào S’tiêng khu vực Bà Rá tạm thời lắng xuống.

Đến đây, kết thúc giai đoạn (1916-1927) của cuộc kháng chiến chống Pháp lấn chiếm cao nguyên trở lại của hai dân tộc M’nông và S’tiêng. Với truyền thống chống xâm lược từ lâu đời, tấm gương chiến đấu và các chiến công oanh liệt của N’Trang Lơng đã động viên và cổ vũ đồng bào M’nông và S’tiêng tiến hành một cuộc chiến đấu anh dũng, giữ vững được phần lớn nhất đất đai, bảo vệ tự do trên quê hương, góp phần cổ vũ sức chiến đấu chống thực dân Pháp của đồng bào các dân tộc nhiều vùng trên Tây Nguyên, Nam Kỳ. Song, trước mắt đồng bào là một kẻ thù tàn bạo, ngày càng mạnh và càng quyết tâm chinh phục trở lại cao nguyên.

IV. ĐẤU TRANH QUYẾT LIỆT CHỐNG LẠI NHỮNG THỦ ĐOẠN TÀN BẠO, NHAM HIỂM CỦA KẺ THÙ (1928-1936).

Năm 1928, thực dân Pháp lộ rõ âm mưu chính thức xâm chiếm trở lại cao nguyên M’nông. Cho đến lúc này, sức ép của việc khai thác đồn điền và xây dựng căn cứ quân sự chiến lược Tây Nguyên đã rất cấp bách, mặt khác, chúng còn phải đối phó với sự nổi dậy đấu tranh mãnh liệt của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Chúng đã nhận ra “kẻ thù đáng gờm nhất” trên các bước đường đánh chiếm miền cao nguyên đất đỏ là N’Trang Lơng, “từ sau vụ giết Henri Maitre (năm 1914), ông đã có một ảnh hưởng cực kỳ to lớn đối với các nhóm cư dân còn chưa chịu khuất phục trên miền cao nguyên”, chỉ khi diệt được ông thì “mới gây được ấn tượng mạnh mẽ, có lợi cho cuộc xâm lấn...”. Vì vậy, đồng thời với tăng cường đàn áp đánh phá miền Bắc Tây Nguyên, chúng tập trung ra sức tìm diệt N’Trang Lơng. Quá trình thực dân Pháp xâm lược trở lại cao nguyên M’nông là một cuộc đối đầu ngày càng quyết liệt, một mất một còn giữa N’Trang Lơng và chúng.


Cuộc kháng chiến của nghĩa quân N’Trang Lơng từ năm 1928 đến năm 1936, có thể chia giai đoạn này làm ba thời kỳ:

1. Thời kỳ từ 1928 đến giữa mùa khô 1930-1931.

Thời kỳ này, thực dân Pháp mở đầu lấn chiếm cao nguyên M’nông bằng phương pháp hòa bình, âm mưu đó của thực dân Pháp đã bị N’Trang Lơng kết thúc bằng trận đánh tiêu diệt tên đại lý Xnul vào tháng 1/1931.

Mở đầu thời kỳ thực dân Pháp âm mưu lấn chiếm “hòa bình” cao nguyên M’nông, chúng quyết định làm đoạn đường chiến lược 14 qua phần cao nguyên này thuộc đất Cao Miên để hoàn thành việc nối liền ba xứ và dùng làm đường hành quân bình định phong trào chống lại chúng; mặt khác, chúng quyết định thành lập tiểu đoàn pháo thủ sơn cước Nam Trung Kỳ, dùng làm công cụ đàn áp các phong trào chống lại chúng trên vùng núi và cao nguyên chúng đã kiểm soát được, chỉ huy sở đóng tại Buôn Ma Thuột, một lực lượng lớn đóng tại Buôn Ma Thuột trấn giữ cao nguyên M’nông, bộ phận còn lại đóng tại Kon Tum trấn giữ vùng Bắc Tây Nguyên.

Tuyến đường 14 trên đất Cao Miên chạy qua một vùng M’nông cho đến năm 1928 vẫn còn là một vùng tự do hay vùng ly khai với Pháp. Để yểm trợ cho công trường làm đường, thực dân Pháp ở đồn đại lý Xnul (Cao Miên) thường xuyên cho một lực lượng bảo an mạnh tuần tiễu dọc tuyến đường. Đồng thời, sự yểm trợ từ xa cũng được giao cho hai đồn đại lý Chlong Phlas (Cao Miên) và Bu Đốp (Nam Kỳ). Trong tháng 2/1928 và những tháng tiếp theo, hai đồn này đã liên tục mở những cuộc hành quân phối hợp càn quét từ phía Nam lên theo lưu vực Đắk Glun (đầu nguồn sông Bé) và các chi lưu của con sông này. Trước sức ép nhiều phía của quân Pháp, người R’hong và người M’nông trong khu vực tạm thời nằm yên hoặc lánh sâu vào rừng ly khai với giặc.

Trong tình hình đó, khi con đường 14 vừa lên tới đỉnh dốc đường phân thủy để đi vào cao nguyên Đồi Cỏ thì nghĩa quân N’Trang Lơng tổ chức phục kích ngày 26/1/1931, tại La Pam, km 70 (kể từ biên giới Nam kỳ - Cao Miên), nghĩa quân đã đánh và tiêu diệt tên đại lý đồn trưởng Xnul kiêm chỉ huy công trường đường Gati (Gatille). Tin N’Trang Lơng và nghĩa quân diệt được Gati đã có tác động như một hiệu lệnh làm dấy lên trên toàn cao nguyên một phong trào chống Pháp sôi sục, bùng lên khắp nơi một phong trào dấp rừng, lập làng chiến đấu, chuẩn bị chống giặc, khí thế bừng bừng như thời kỳ đầu của cuộc khởi nghĩa. Các công trình làm đường, các đồn điền của Pháp liền bị dìm vào cảnh thiếu công nhân và hoàn toàn tê liệt. Tình hình trên cao nguyên đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng, làm kinh động cả bọn cầm quyền chóp bu ở Đông Dương. Từ đây diễn ra một cuộc đối đầu thật sự giữa một bên là nghĩa quân N’Trang Lơng và đồng bào M’nông và S’tiêng, một bên là tên toàn quyền Đông Dương Pie Paxkiê và tên tướng Biôt (Billote), tổng chỉ huy quân đội thuộc địa Pháp ở Đông Dương với lực lượng quân sự và phương tiện chiến tranh to lớn của chúng, một cuộc đối đầu kéo dài hơn 3 năm và đã kết thúc bằng thắng lợi của nghĩa quân N’Trang Lơng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

2. Thời kỳ từ giữa mùa khô 1931-1932 đến giữa mùa khô 1933-1934.

Thời kỳ bọn thực dân Pháp chóp bu ở Đông Dương ra tay trực tiếp cầm quân, ba xứ Nam Kỳ, Trung Kỳ, Cao Miên phối hợp ra quân liên tục càn đi quét lại cao nguyên M’nông, nhưng cuối cùng đã thất bại; đánh dấu sự thất bại này là hai trận đánh phối hợp của nghĩa quân N’Trang Lơng và nghĩa quân S’tiêng hai ngày đầu tháng 1/1934.

Mở màn của thời kỳ đối đầu này là những cuộc họp từ tháng 2 đến tháng 8/1931 của P.Paxkiê và Biôt bàn về chủ trương và kế hoạch đưa lực lượng quân đội thuộc địa của chúng vào đánh dẹp cuộc nổi dậy của người M’nông và người S’tiêng dưới sự lãnh đạo của N’Trang Lơng. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của P.Paxkiê và của Biôt, đến tháng 10/1931, kế hoạch bình định cao nguyên M’nông của Pháp đã vạch xong. Mục tiêu của kế hoạch này là càn quét tiêu diệt N’Trang Lơng và nghĩa quân của ông kết hợp với việc đẩy mạnh làm đoạn đường 14 từ Xrây Ktum (Cao Miên) đi Buôn Ma Thuột. Lực lượng để dập tắt phong trào N’Trang Lơng là một tiểu đoàn quân đội thuộc địa làm chủ lực, một phân đội không quân làm nhiệm vụ thám thính và oanh kích. Ngoài ra, các chi đội khố xanh Buôn Ma Thuột, bảo an của Bu Đốp và của Chlong Phlas dùng làm lực lượng phối hợp hay hỗ trợ tác chiến. Chúng sẽ tiến hành những cuộc càn quét ngang dọc theo nhiều hướng khác nhau trên toàn bộ khu vực trong đường tròn khép kín từ Buôn Ma Thuột qua Kinda, Girinh, Võ Đắt (Trung Kỳ), Bà Rá, Bù Đốp (Nam Kỳ), Xrây Ktum, Chlong Phlas (Cao Miên).


Giữa mùa khô 1931-1932, vào tháng 12/1931, Biôt ra lệnh xuất quân. Ngay từ đầu, kế hoạch xuất quân đã phải điều chỉnh. Thay vì 6 cánh quân đã dự kiến cùng một lúc tung ra càn ngang quét dọc trên toàn địa bàn cao nguyên M’nông, Biôt chỉ tổ chức được ba mũi tiến công: hai mũi theo hướng chính, tức theo trục con đường 14 tương lai, trong đó một mũi xuất phát từ Xrây Ktum (Cao Miên) và một mũi xuất phát từ Buôn Ma Thuột (Trung Kỳ), điểm tụ quân của hai mũi chính là ngã ba biên giới. Còn mũi thứ ba xuất phát từ Bu Đốp (Nam Kỳ) là mũi theo hướng phụ, mục tiêu của mũi này là vùng trung lưu sông Đồng Nai - lưu vực Đắk R’tíh.

Cánh quân Buôn Ma Thuột do quan ba Maya (Maillard) chỉ huy, lực lượng gồm một đại đội của tiểu đoàn pháo thủ sơn cước Nam Trung Kỳ và một chi đội khố xanh của Buôn Ma Thuột. Cuộc hành quân của Maya từ bên kia bờ sông Sêrêpốk bị đồng bào Preh liên tục đánh quấy rối. Xuất phát từ Ea Tul đầu tháng 1/1932, sau hơn một tháng lội rừng, cho đến ngày 12/2/1932, quân của Maya mới tới được Bu Jâng Đrâm, một làng M’nông trên hữu ngạn Đắk Đăm, cách Ea Tul chỉ khoảng 70 km. Tại Bu Jâng Đrâm, Maya đã cắm đồn đặt ngay đại lý Đắk Đăm, hòng khống chế vùng này và mở rộng kiểm soát vào vùng M’nông Nông tại Đắk R’tíh.

Cánh quân Xrây Ktum cũng xuất phát trong tháng 1/1932, nhưng muộn hơn cánh quân Buôn Ma Thuột, lực lượng gồm một đại đội quân thuộc địa, điều từ Phnôm Pênh tới và nhiều lính bảo an địa phương, tất cả do quan ba Ghiô (Guillot) chỉ huy. Cánh quân này được giao nhiệm vụ càn quét trên một đoạn độc đạo của con đường 14. Trên đường đi, chúng bị nghĩa quân liên tục đánh phá, phải mất gần 9 tháng mới tiến được 75 cây số, 40 lính chết, 200 bị trọng thương.

Còn cánh quân Bu Đốp gồm một trung đội lính bảo an Nam Kỳ do Giecbe (Gerbar) đồn trưởng kiêm đại lý chỉ huy cũng xuất phát vào giữa tháng 1/1932 và hành quân theo thượng lưu sông Bé để đi vào vùng Nâm Nung - Đắk R’tíh- trung lưu sông Đồng Nai. Cánh quân này đã bị đánh bật trở lại khi chúng vừa đặt chân lên vùng đất của người M’nông Nông.

Cuộc phản kích đầu tiên của nghĩa quân N’Trang Lơng nổ ra giữa mùa khô 1932-1933 với lực lượng hơn 200 người (tương ứng với hơn 20 làng liên minh) đánh vào đồn Gati, cứ điểm vệ tinh lớn của đồn đại lý Lơ Rôlăng, cắm tại cây số 65 đoạn đường 14 trên đất Cao Miên. Trận đánh xảy ra ngày 6/1/1933, bằng tên nỏ và súng trường, một cánh quân dưới sự chỉ huy trực tiếp của N’Trang Lơng đánh vào mặt đồn Gati. Đồng thời, một cánh nghi binh khác được bố trí để đánh diệt viện ở xa về phía Tây Nam, tại km 50. Cuộc tập kết của nghĩa quân bị lộ nên tên quan ba Bruynê (Brunet) chỉ huy tập đoàn cứ điểm Lơ Rôlăng đã kịp thời điều quân tăng cường các đồn bốt dọc đường 14. Cuộc tấn công của nghĩa quân không vì vậy mà kém phần quyết liệt. Lực lượng Pháp ở Gati gồm có 60 lính khố đỏ, dưới sự chỉ huy của đồn trưởng Caxtel (Castel), bắn liên thanh ra rất dữ dội. Nghĩa quân rút vào các công sự đã đào sẵn, nổi lửa đốt cỏ tranh quanh đồn đánh hỏa công. Trong khi chờ viện binh, quân Pháp rút xuống hầm cố thủ, phản kích bằng lựu đạn phóng bằng súng. Quân cứu viện của Pháp do tên đội Lơcôngtơ (Lecote) chỉ huy, gồm 30 tên rút từ đồn cây số 55. Khi chúng vừa tới cây số 58 thì bị nghĩa quân đón đánh, bắn hỏng chiếc ôtô chở chúng, buộc chúng phải hành quân lội bộ qua rừng. Đến cây số 62, Lơcôngtơ trúng chông bị loại ra ngoài vòng chiến đấu, phải khiêng đến đồn cây số 63 để cấp cứu. Từ đó Pháp phải dời đồn Gati lên đóng ở một điểm cao và xây dựng kiên cố hơn, có hầm hào và hàng rào dây thép gai vây quanh.

Sau trận đánh đó, những người M’nông Biêt và R’Hong đi theo N’Trang Lơng rất đông. Về phía thực dân Pháp, chúng phản ứng quyết liệt, cho máy bay ném bom khủng bố hai làng Bu Than và Bu Ju, gần Gati mà chúng nghi là nơi để nghĩa quân dùng làm chỗ tập kết trước trận đánh. Hai tháng sau, chúng mở một chiến dịch lớn nhằm càn quét nghĩa quân, chặn đứng phong trào chạy theo liên minh với N’Trang Lơng. Địa bàn càn quét của chiến dịch lớn này là toàn bộ vùng R’Hong và vùng M’nông Nông. Lực lượng Pháp đưa vào các mũi hành quân càn quét gồm có 60 lính khố đỏ đồn Bu Jâng Đrâm do Huya chỉ huy, 60 lính bảo an đồn Bu Đốp do Giecbe chỉ huy và 60 lính khố đỏ đồn Lơ Rôlăng do Bruynê chỉ huy, hình thành 3 mũi giáp công mở vào ngày 15/3 nhằm vùng trung tâm của khu vực đang có phong trào đấu tranh mạnh mẽ. Cũng trong chiến dịch này, Pháp dựng thêm hai đồn mới: đồn Bu Koh ở vùng M’nông – S’tiêng đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của đồn đại lý Bu Đốp, và đồn Met vẫn quen gọi là Bốt Met (Poste Maitre) gần ngã ba biên giới, tại giao điểm của bốn nhóm M’nông: Biêt, Bu Nor, R’Hong và Nông, dùng làm lỵ sở mới cho đại lý Đắk Đăm, thay đồn Bu Jâng Đrâm, để trực tiếp khống chế phong trào của bốn nhóm này.

Đầu tháng 1/1934, hai trận đánh nổ ra liền nhau như hưởng ứng lẫn nhau: trận ngày 1/1 đánh vào đồn Lơ Rôlăng do chính N’Trang Lơng chỉ huy, và trận ngày 2/1 đánh vào đồn Bu Koh của nghĩa quân M’nông – S’tiêng vùng khuỷu sông Đồng Nai. Tham gia trận đánh đồn Lơ Rôlăng có tới 400 hoặc 500 nghĩa quân của khoảng 50 làng thuộc nhóm M’nông: Biêt, R’Hong, Bu Nor và Nông liên minh với N’Trang Lơng trong mùa mưa. Một bộ phận nghĩa quân khi kéo đến địa điểm tập kết ở Bu Krak đã bị địch phát hiện. Vì vậy địch ở Lơ Rôlăng, một mặt đã kịp thời tăng viện bố phòng kiên cố, mặt khác mở một cuộc hành quân đánh đón đường. Một bộ phận của nghĩa quân đã lọt được vào đồn và xung phong mãnh liệt, nhưng rốt cuộc bị hỏa lực của địch quét mạnh nên nửa chừng phải bỏ dở cuộc tấn công.


3. Thời kỳ thứ ba cũng là thời kỳ cuối cùng từ giữa mùa khô 1934-1935 đến giữa mùa khô 1935-1936.

Thực dân Pháp tăng cường lực lượng, thống nhất chỉ huy ba xứ, liên tục vây quét khu vực đầu não của phong trào kháng chiến; cũng là thời kỳ N’Trang Lơng và các bạn chiến đấu của ông liên tục tiến công địch “quyết tâm bằng mọi giá đánh đuổi Pháp một lần nữa ra khỏi cao nguyên”.

Bước vào mùa khô 1934-1935, khắp cao nguyên, nhân dân M’nông và S’tiêng lại nổi lên rào làng, dấp rừng chống Pháp. Cuộc đối đầu ngày càng quyết liệt giữa nghĩa quân N’Trang Lơng và giặc Pháp.

Nổi dậy sớm nhất, ngay từ đầu mùa khô, là các làng M’nông Biêt phía Bắc đồn Lơ Rôlăng. Đây là những làng đã tham gia đánh đồn này hồi đầu năm “mưu giết tên đại lý Chlong Phlas”. Xa hơn về phía Bắc, cuộc nổi dậy của người M’nông Biêt càng sôi sục. Giặc Pháp ở Chlong Phlas đã buộc phải mở một cuộc hành quân càn quét về hướng đó cho đến bờ sông Sêrêpốk. Ngày 4/3/1935, một đồn Pháp - đồn Đêhay (Deshsyes), đã được dựng lên ở vùng M’nông Biêt xa xôi, hẻo lánh cách Lơ Rôlăng 82 cây số. Nhưng đồn này vừa dựng lên hôm trước thì ngày hôm sau đã nổ ra trận đánh lớn thứ hai của N’Trang Lơng vào đầu Lơ Rôlăng, trận đánh đã kinh động một lần nữa bọn cầm quyền chóp bu buộc chúng sau đó phải thay tướng, tăng quân.

Một phong trào chống Pháp lại bùng lên trên gần 80 cây số từ tây đến đông và 50 cây số từ nam tới bắc. Giặc Pháp truy lùng nghĩa quân ráo riết buộc nghĩa quân phải không ngừng di chuyển, nhưng khi giáp mặt với quân thù, nghĩa quân vẫn chiến đấu rất anh dũng. Chính viên quan tư Nyô, kẻ đang đối mặt với N’Trang Lơng cũng buộc phải nhìn nhận rằng: “Thủ lĩnh N’Trang Lơng hồi này đã chừng 50 tuổi nhưng vẫn rất khỏe mạnh... và hàng chục vị thủ lĩnh kiên cường, dũng cảm khác, tất cả đều quyết tâm bằng mọi giá đánh đuổi ta (Pháp) ra khỏi cao nguyên Trung Tâm (cao nguyên M’nông) một lần nữa”.

4. N’Trang Lơng anh dũng hy sinh - phong trào khởi nghĩa đi vào thoái trào và kết thúc.

Sau trận N’Trang Lơng đánh đồn Gati ngày 29/4/1935, thực dân Pháp thấy rõ bị uy hiếp mạnh, nên từ đầu tháng 5/1935 trở đi, chúng tung quân ra sức truy lùng nghĩa quân, bất chấp các cơn mưa đầu mùa xối xả, núi cao, rừng sâu. Trong hoàn cảnh đó, N’Trang Lơng tạm lánh về quê cũ, ẩn náu trong một vùng rừng gần Bu Par. Sự có mặt của ông ở đây đã bị tên phản bội Bơ Mpông Phê, chỉ điểm của Pháp phát hiện. Bơ Mpông Phê vốn là đầu làng làng Bu Rtung và là một thủ lĩnh nghĩa quân thời kỳ đầu cuộc khởi nghĩa. Thời kỳ sau năm 1915, thời kỳ khó khăn trên cao nguyên, hắn đã giao động chạy theo giặc, nộp cho giặc một số súng mà nghĩa quân đã cướp được, nên bị nghĩa quân trừng phạt nghiêm khắc. Vào lúc N’Trang Lơng bị hắn phát hiện thì một cánh quân của Nyô do tên quan hai Lơ Bel (Le Belle) chỉ huy với sự hiệp lực của tên Bêxret (Besrest), quan một bảo an ở Chlong Phlas, đang ráo riết săn lùng ông, cách nơi ông ẩn náu khoảng một ngày đường, Bơ Mpông Phê đã tìm Pháp, đưa chúng đến bao vây ông. Tại đây, diễn ra trận chiến đấu cuối cùng, bất ngờ và không cân sức, buộc ông phải chấp nhận. N’Trang Lơng mất sáng ngày 23/5/1935 tại Bu Par, ít ngày sau khi ông bị Pháp bắn trọng thương trong trận chiến đấu cuối cùng tại làng này. Ông ngã xuống trong tay vẫn còn cầm khẩu súng theo ông chiến đấu đã hơn hai mươi năm; và lúc này vẫn còn nóng bỏng những viên đạn cuối cùng mà người anh hùng chống Pháp bắn vào đầu giặc.

N’Trang Lơng hy sinh, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp trên cao nguyên M’nông lắng xuống, đi vào thoái trào nhưng ảnh hưởng của phong trào đã không ngừng vươn cao, vươn xa. Chỉ sau đó không lâu, phong trào đấu tranh của đồng bào các dân tộc Đắk Nông nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Nam Bộ nói chung lại bùng lên và lan rộng hơn trước, trong đó phong trào “Nước Xu” do Săm Brăm lãnh đạo là một điển hình.


Phần 3. Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA CUỘC KHỞI NGHĨA N’TRANG LƠNG (1912 - 1936) VÀ TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG BẤT KHUẤT CỦA CÁC DÂN TỘC TÂY NGUYÊN.

I. Ý NGHĨA LỊCH SỬ.

 Hơn 24 năm (1912 - 1936) đấu tranh kiên cường chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên và Đắk Nông cùng với đồng bào M’nông, S’tiêng dưới sự lãnh đạo của anh hùng dân tộc N’Trang Lơng đã ghi những chiến công oanh liệt, buộc quân địch phải rút khỏi cao nguyên trong một thời gian dài (1915-1928). Nghĩa quân đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, trong đó có những tên thực dân sừng sỏ như Henri Maitre, Truffot, Gatille, Margand... hàng ngàn súng ống, đạn dược và nhiều kho tàng phục vụ chiến tranh của địch bị tịch thu hay phá hủy. Các giai đoạn của cuộc khởi nghĩa kết thành một quá trình liên tục, diễn ra trên toàn địa bàn cao nguyên M’nông. Lực lượng chủ yếu của phong trào là các nhóm M’nông: Biêt, R’hong, Nông và Prâng. Người S’tiêng hưởng ứng phong trào này từ đầu về sau trở thành một lực lượng đồng minh của nghĩa quân.

Có thể nói, đây là một phong trào chống Pháp có quy mô lớn, địa bàn rộng, cuộc đấu tranh diễn ra hết sức quyết liệt, liên tục và bền bỉ. Dưới sự lãnh đạo của N’Trang Lơng, phong trào chống Pháp đã nổ ra hơn một phần tư thế kỷ. Trong thời gian đó, do ảnh hưởng của N’Trang Lơng, toàn miền sơn nguyên Nam Đông Dương liên tục mở ra nhiều phong trào chống Pháp khác, gây cho Pháp nhiều tổn thất nặng nề. Tính cho đến giữa năm 1930, sau gần 80 năm xâm lược Việt Nam (1858), thực dân Pháp cơ bản chưa khuất phục được hết các dân tộc trên miền sơn nguyên quan trọng này. Đó là một thất bại lớn của chúng, đồng thời là một thắng lợi lớn của phong trào N’Trang Lơng, một đóng góp vẻ vang vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia. Đóng góp vẻ vang đó đã được chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở hải ngoại đánh giá cao: “Dân chúng người Lào, người Cao Miên, người Thượng, người Thổ... đang hăng hái chung vai sát cánh với anh em giai cấp người Việt Nam mà chống đế quốc phong kiến..., ai ai cũng nhớ rằng từ năm 1933 đến nay, dân tộc Thượng ở Đồng Nai Thượng (Trung Kỳ) không chịu đầu hàng đế quốc Pháp”.

Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng, đã thể hiện rõ tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của N’Trang Lơng và nghĩa quân của ông. Thật vậy, trong suốt gần 25 năm cuộc đấu tranh, bất kể hoàn cảnh chiến đấu khó khăn nguy hiểm như thế nào, ông và nghĩa quân luôn nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, ý chí sắt đá không sợ hy sinh gian khổ, không đầu hàng thỏa hiệp dù lực lượng của kẻ thù hùng hậu đến mức nào. Vì chính sách tàn bạo của kẻ thù, N’Trang Lơng và nghĩa quân đã cầm vũ khí đứng lên chiến đấu. Kẻ thù càng hung hãn, tàn bạo, cuộc chiến đấu của ông và nghĩa quân càng kiên quyết, mãnh liệt. Khi ngã xuống, ông vẫn trong tư thế chiến đấu mặt đối mặt với quân thù. Chính kẻ thù cũng buộc phải thừa nhận tinh thần sắt đá và lòng tự tôn không gì lay chuyển nổi của ông. Như vậy, chúng ta khẳng định, chính tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của N’Trang Lơng là nhân tố hàng đầu đã làm nên các chiến công oanh liệt của phong trào chống Pháp do ông lãnh đạo; đưa phong trào đó lên vị trí là ngọn cờ chống Pháp chung của dân tộc ông cũng như của các dân tộc khác trên miền sơn nguyên Nam Đông Dương.         


II. TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG BẤT KHUẤT CỦA CÁC DÂN TỘC TÂY NGUYÊN.

1. Tinh thần chiến đấu dũng cảm và dẻo dai.

Tinh thần dũng cảm của đồng bào M’nông rất cao và phổ biến trong nhân dân. Cuộc sống ở rừng núi đòi hỏi họ - kể cả phụ nữ và trẻ con – luôn luôn phải được vũ trang và ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Mặt khác, từ ngày xưa, do được rèn luyện trong các cuộc chiến đấu với các thị tộc bộ lạc khác, được giáo dục trong cuộc sống tập thể của công xã, nên sẵn sàng hy sinh cá nhân vì cộng đồng. Chính từ thái độ lạc quan không sợ chết đã dẫn đến tinh thần chiến đấu dẻo dai. Khi thực dân Pháp – kẻ thù của nhân dân Việt Nam nói chung cũng như đồng bào dân tộc M’nông nói riêng - được vũ trang bằng những vũ khí lợi hại nhất của thời đại văn minh, còn họ thì vẫn cung nỏ, giáo mác (tương quan lực lượng chênh lệch rất lớn) nhưng họ vẫn sẵn sàng lạc quan chiến đấu, vẫn không chịu cúi mình đầu hàng.

Lịch sử đã từng chứng kiến bao nhiêu sự kiện anh hùng trong gần 100 năm chống Pháp xâm lược của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Tinh thần chiến đấu dũng cảm và bền bỉ đó càng được nâng lên mạnh mẽ. Sức chiến đấu anh dũng, bền bỉ còn xuất phát từ tinh thần chịu đựng gian khổ trong cuộc sống. Từ xưa, những tai nạn đói gạo, đói muối, bệnh dịch, chiến tranh đã xảy ra liên miên trên quê hương của họ. Bấy nhiêu thử thách ấy đã rèn luyện cho họ nghị lực để có thể sinh tồn. Còn trong thời kỳ Pháp thuộc, N’Trang Lơng và nghĩa quân của ông đã kiên nhẫn vượt khỏi nhiều hành động trả thù kinh khủng của đối phương (giết người thân thích, đốt phá buôn rẫy, thiêu hủy lương thực, bắn giết trâu bò, cấm vận chuyển muối…) để kéo dài cuộc kháng cự anh dũng ngót 1/4 thế kỷ, làm cho thực dân Pháp bao phen khốn đốn, khiếp sợ.

2. Tinh thần bất hợp tác với kẻ thù.

Đây là một nét khá nổi bật về truyền thống bất khuất của đồng bào Tây Nguyên nói chung và đồng bào M’nông, S’Tiêng nói riêng. Tinh thần đó không những được thể hiện khi chạm trán với kẻ thù mà còn được thể hiện ở nhiều mặt trong sinh hoạt sau mỗi lần chống đối bị thất bại. Hoặc họ di cư đi một chỗ khác làm ăn và để tổ chức phục thù, hoặc ở lại nhưng không chịu nộp thuế, đi phu cho giặc; hay thấp hơn, chịu nộp thuế, đi phu cho giặc nhưng nhất định không chịu làm việc, không đi lính, không giao thiệp với chúng, không tiếp thu văn hóa của chúng.

Cuộc sống của đồng bào dân tộc trên cao nguyên M’nông, với lối sống tự do phóng khoáng, họ nhất định không để cho mình, công xã mình, bộ lạc mình bị nhục, họ sẽ chiến đấu dũng cảm và bền bỉ đến mức bất chấp cả tương quan lực lượng quá chênh lệch… Vì thế, họ kiên quyết bất hợp tác với kẻ thù. Điều đó đã được lịch sử trong mọi thời kỳ chứng minh.

Tinh thần bất hợp tác với kẻ thù của đồng bào Tây Nguyên càng được bồi dưỡng và uốn nắn một khi ý thức dân tộc phát triển, khi họ rút được nhiều kinh nghiệm hơn trong quá trình chiến đấu với kẻ thù. Trong quá trình đó, đồng bào càng sử dụng một cách linh hoạt nhất thứ vũ khí vốn dồi dào của họ đối với kẻ thù mới - đế quốc Mỹ và tay sai - và ở một diện rộng rãi nhất. Tinh thần bất hợp tác lúc này không thể hiện ở chỗ tránh mặt kẻ thù mà là đương đầu với chúng, quyết phen sống mái với chúng; không phải rời làng như đối với thực dân Pháp ngày xưa mỗi lần họ bị thất bại mà là kiên quyết giữ làng, từ chối không chịu để cho kẻ thù dỡ làng, bắt sống tập trung trong những “trại dinh điền”, “khu trù mật” hay “ấp chiến lược”… Nói chung, từ trước đến nay, tinh thần bất hợp tác của đồng bào Tây Nguyên thể hiện ở mặt làm thất bại kế hoạch bình định bằng quân sự hoặc chính trị của kẻ thù. Tinh thần bất hợp tác còn thể hiện ở mặt phá tan âm mưu nô dịch kinh tế và văn hóa của chúng: đấu tranh không làm việc, không đi lính, không nộp thuế cho Mỹ và tay sai, không tiếp thu văn hóa đồi trụy của giặc; hoặc cao hơn, là rào làng kháng chiến, là phá “ấp chiến lược”, biến nó thành làng kháng chiến.

3. Đoàn kết với các dân tộc khác trong công cuộc chống kẻ thù chung.

Đoàn kết dân tộc là hiện tượng phổ biến, được hình thành từ lâu, có những yếu tố tích cực xuất hiện từ thời xa xưa và ngày một phát triển. Thực tế lịch sử cho thấy, đối với dân tộc Việt cũng như các dân tộc khác như Chăm, Khơ-me…, đồng bào Tây Nguyên vẫn tiếp tục những quan hệ bình thường vốn đã có truyền thống; hoặc để cho các lái buôn lui tới công xã, trao đổi sản vật với nhau, hoặc kết nghĩa cá nhân với cá nhân và tham gia những cuộc bạo động, khởi nghĩa của nông dân người Việt, người Lào…, hay che giấu những người thuộc dân tộc khác trốn tránh lên cao nguyên. Cho đến thời cận hiện đại, không những chủ nghĩa tư bản đã phá vỡ hàng rào dân tộc mà chỉ riêng chế độ thuộc địa cũng đã làm cho những dân tộc ở Đông Dương tuy khác về văn hóa, tiếng nói, nhưng lại cùng có một mối thù chung. Không phải ngẫu nhiên mà những cuộc nổi dậy chống Pháp của đồng bào Tây Nguyên thường liên quan đến các dân tộc khác như Khơ-me (Pucômbô), Lào (Phumybum)… Do đó, thực dân Pháp đã có ý ngăn trở không cho các dân tộc khác đi lại với vùng Tây Nguyên và ngược lại.

Đối với đồng bào Việt, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không những chỉ có quan hệ láng giềng; trong ngôn ngữ và phong tục của người Việt có những nét chứng tỏ rằng hai bên nếu không phải cùng chung tổ tiên thì ít ra cũng có sự giao lưu văn hóa mật thiết từ thời cổ đại. Và tình đoàn kết giữa hai dân tộc cùng chiến đấu chống kẻ thù áp bức được nảy sinh từ thời trung đại. Khi phong trào đấu tranh bùng nổ ở miền xuôi thì phong trào đó lại thường ảnh hưởng đến miền ngược, và dân tộc thiểu số ở miền ngược đến lượt mình hoặc vùng dậy hưởng ứng, hoặc có bộ phận tham gia vào khởi nghĩa miền xuôi, đồng bào Tây Nguyên đã có mặt trong cuộc khởi nghĩa của nông dân Tây Sơn năm 1771. Trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ít khi thiếu trong tổ chức kháng chiến chống Pháp do người Việt ở miền Nam Trung bộ hay Nam bộ lãnh đạo, chẳng hạn như cuộc khởi nghĩa của Trương Quyền phối hợp với nhà sư Khơ-me năm 1864, hay phong trào Cần Vương do Mai Xuân Thưởng đứng đầu…Sự đoàn kết của dân tộc Tây Nguyên với dân tộc chủ thể cũng như với các dân tộc thiểu số khác để chiến đấu chống kẻ thù chung càng có quy mô rộng hơn và mật thiết hơn nhiều từ lúc giai cấp công nhân nắm quyền lãnh đạo cách mạng ở Việt Nam. Đồng bào dân tộc Tây Nguyên ngày càng nhận thấy chỉ có quây quần dưới một đảng mác xít, sát cánh với đồng bào Việt mới thực sự giải phóng mình khỏi mọi ách áp bức, đem lại cuộc sống tự do, bình đẳng, dân chủ với các dân tộc anh em, thực sự xây dựng một xã hội tiến bộ và giàu mạnh. Mặc cho thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cố tình chia rẽ, đồng bào Tây Nguyên trước sau vẫn một lòng một dạ với cách mạng; truyền thống theo Đảng, theo cách mạng ngày càng được củng cố trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.