Quản trọng là ai

Quản Trọng là một vị chính trị gia lớn thời Xuân Thu, tư tưởng chính trị của ông đối với nước Tầu rất lớn. Nói tới ông, ngày nay không ai là không biết; nhưng nếu ban đầu không có Bão Thúc Nha là bạn tri tâm thì trong lịch sử không có tên ông.

Quản Trọng và Bão Thúc Nha lúc nhỏ là bạn tốt, cùng chơi chung. Gia cảnh Bão Thúc Nha so với Quản Trọng thì khá hơn nhiều. Về sau hai người hợp tác buôn bán. Quản Trọng thường lấn lướt bạn. Khi được lãi ông thường lấy phần hơn. Có người thấy tình hình như thế đều bất bình thay cho Bão Thúc Nha. Họ nói :

-Tiền vốn phần lớn là của Bão Thúc Nha, Quản Trọng bỏ ra bao nhiêu chứ ?


Bão Thúc Nha chẳng để tâm còn biện hộ cho Quản Trọng :

-Gia cảnh Quản Trọng không tốt, đương nhiên là phải lấy nhiều hơn. Đó là do tôi cam tâm tình nguyện.

Về sau, mấy lần Quản Trọng làm quan, mỗi lần đều làm không tốt, bị triều đình bãi chức. Mọi người đều cười chê ông chỉ có Bão Thúc Nha biện hộ cho ông :

-Chẳng phải là Quản Trọng không mẫn cán, chỉ là thời cơ chưa đến.

Quản Trọng cũng từng là quân nhân. Khi ra trận ông không biểu hiện dũng cảm. Mọi người đều nói ông mật nhỏ, không chịu trách nhiệm. Bão Thúc Nha biện hộ cho ông :

-Quản Trọng không chịu bán mạng vì sợ nếu chết sẽ không có người phụng dưỡng mẹ già.

Đương thời, Tề quốc quốc quân là Nhượng công có 2 con. Quản Trọng theo con trưởng là Củ, Bão Thúc Nha theo con thứ là Tiểu Bạch. Hai anh em này vì tranh đoạt vương vị phát sinh xung đột kịch liệt. Lão đại ra lệnh Quản Trọng giết lão nhị. Quản Trọng mai phục trên đường Tiểu Bạch đi qua. Qua một lúc, xa giá Tiểu Bạch quả nhiên đi tới. Quản Trọng bắn tên ra trúng vào thắt lưng của Tiểu Bạch. Tiểu Bạch hoảng sợ biết chuyện không lành bèn giả chết. Quản Trọng không xem kỹ, tưởng Tiểu Bạch đã chết, cho người báo với công tử Củ. Nhưng khi phát hiện Tiểu Bạch chưa chết định hành động thì không kịp nữa rồi.Về sau, Tiểu Bạch nắm giữ đại quyền có danh là Tề Hoàn Công. Tề Hoàn Công tin tưởng Bão Thúc Nha là một nhân tài mời ông làm quan to. Bão Thúc Nha nhất định từ chối. Ông bảo Tề Hoàn Công : người có thể trị lý thiên hạ không phải là ông mà là Quản Trọng.

Bão Thúc Nha nhìn ra Tề Hoàn Công còn do dự, vì không quên mũi tên thù, bèn bảo :

-Quản Trọng tuy bắn trúng đai lưng của Chúa công, nhưng đó là lòng trung thành với chủ; nếu bệ hạ dùng Quản Trọng thì sẽ nắm thiên hạ trong lòng bàn tay.

Tề Hoàn Công nghe theo lời khuyên của Bão Thúc Nha, dùng nghi lễ mời Quản Trọng làm Tể tướng. Tề quốc dưới sự trị lý của Quản Trọng chỉ vài năm đã trở thành một nước đứng hàng đầu. Quản Trọng lấy pháp luật nghiêm khắc trị lý quốc gia. Nhiều lý luận của ông là căn nguyên cho các pháp gia của thời Chiến quốc sau này. Các học giả đời sau biên thành một cuốn sách trong đó biên tập chủ trương của Quản Trọng. Hiện nay còn có nhiều người nghiên cứu bộ sách ấy.

Chú thích của dịch giả : Quản Trọng là một Tể tướng tài giỏi về việc trị nước, nhưng ít được nói đến một khía cạnh khá đặc biệt của ông về vấn đề kinh tế. Ông là người đầu tiên cho phép mở các nhà điếm để thâu tiền thuế, một sáng kiến thật độc đáo đối với thời đó. Vì vậy sau này các tú bà đã coi ông là Tổ của ngành buôn hương bán phấn, gọi ông là thần bạch mi.

Lịch sử trung Quốc thời Đông Chu từ khi Chu Bình Vương dời đô sang

Lạc Ấp, lại phân làm hai thời kỳ là Xuân Thu và Chiến Quốc.

Triều đình nhà Chu ngày càng suy yếu, thiên tử nhà Chu tuy danh nghĩa là vua của các nước chư hầu, nhưng trên thực tế, lực lượng chỉ bằng một nước chư hầu trung bình. Một số nước chư hầu lớn mạnh, dùng vũ lực thôn tính các nước nhỏ. Các nước lớn cũng thường xuyên đánh nhau để tranh giành đất đai. Những nước chư hầu chiến thắng, có thể hạ lệnh cho các chư hầu khác, được gọi là bá chủ.

Nước chư hầu đầu tiên xưng bá thời Xuân Thu là nước Tề (đô thành là Lâm Tri, nay ở Tri Bác, tỉnh Sơn Đông). Nước Tề là đất phong cho đại công thần Thái Công Vọng đời Chu Vũ Vương, vốn là một nước lớn, lại có các nguồn lợi vùng ven biển, sản xuất khá phát triển, trở nên giàu mạnh.

Năm 686 trước Công nguyên, nước Tề phát sinh nội loạn, quốc quân là Tề Tương Công bị giết. Lúc đó, hai con là Công tử Củ ở nước Lỗ (đô thành nay ở Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông) và Công tử Tiểu Bạch đang ở nước Cử (đô thành nay ở huyện Cử tỉnh Sơn Đông), cả hai đều có quân sư để bày mưu tính kế. Quân sư của Công tử Củ là Quản Trọng, quân sư của Công tử Tiểu Bạch là Bão Thúc Nha. Hai công tử nghe tin Tề Tương Công bị giết, đều vội vàng trở về nước Tề để giành ngôi vua.

Vua LỖ là Lỗ Trang Công quyết định tự mình đưa Công tử Củ về nước Tề. Quản Trọng nói với Lỗ Trang Công: “Công tử Tiểu Bạch hiện đang ở nước Cử, gần nước Tề hơn nếu để Tiểu Bạch về được trước thì rất phiền phức. Vậy tôi xin đem một đội quân đi chặn đường”.

Đúng như Quản Trọng dự liệu, Công tử Tiểu Bạch đang trên đường về. Quản Trọng đem quân chặn lại và giương cung nhằm đúng Tiểu Bạch bắn một phát. Chỉ thấy Tiểu Bạch kêu to một tiếng và ngã vào trong xe.

Quản Trọng cho rằng Tiểu Bạch đã chết, liền ung dung đưa Công tử Củ về nước Tề. Ai ngờ Quản Trọng chỉ bắn trúng đai lưng của Tiểu Bạch, Tiểu Bạch nhân đó vờ kêu to và ngã vào xe để đánh lừa Quản Trọng. Sau đó, Tiểu Bạch và Bão Thúc Nha đi gấp về Tề. Tiểu Bạch lên ngôi quốc quân, tức là Tể Hoàn Công.

Tề Hoàn Công lập tức mang quân đánh bại nước Lỗ, buộc Lỗ Trang Công phải giết Công tử Củ và nộp Quản Trọng để Tề xử tội. Lỗ Trang Công đành phải tuân theo.

Quản Trọng bị nhốt trong xe tù, đưa trở về nước Tề. Bão Thúc Nha vốn là bạn cũ của Quản Trọng, biết Quản Trọng là một nhân tài hiếm có, liền tiến cử với Tề Hoàn Công.

Quản trọng là ai

Tề Hoàn Công nổi giận nói: “Quản Trọng đã bắn tên suýt giết chết ta. Sao ta có thể dùng hắn được”.

Bão Thúc Nha nói: “Lúc đó Quản Trọng theo phò Công tử Củ, ông ta bắn vào nhà vua chính là vì trung thành với chủ của mình, về tài năng, thì Quản Trọng giỏi hơn tôi rất nhiều. Nếu chúa công muốn lập nên nghiệp lớn thì phải dùng Quản Trọng”. ,

Tề Hoàn Công vốn là người độ lượng, nghe Bão Thúc Nha nói thế, thì không những không trị tội Quản Trọng mà còn phong ông làm tướng quốc, cai quản mọi việc.

Quản Trọng giúp đỡ Tể Hoàn Công chỉnh đốn nội chính, phát triển kinh tế, mở mỏ khai thác quặng sắt, chế tạo nông cụ. Ngoài ra còn mở rộng nghề làm muối, đánh cá, bán cho các nước ở xa biển. Vì vậy, nước Tề nhanh chóng giàu mạnh lên.

Tề Hoàn Công ôm hoài bão làm bá chủ. để sai khiến các nước chư hầu khác và buộc họ phải tiến cống cho mình. Ông nói với Quản Trọng: “Hiện nay ta quân nhiều lương đủ, đã có thể hội họp chư hầu để ký minh ước được chưa?”

Quản Trọng nói: “Ta lấy danh nghĩa gì để hội họp chư hầu? Tất cả đều là chư hầu của thiên tử nhà Chu, có ai chịu phục ai đâu? Tuy hiện nay thiên tử có thất thế, nhưng vẫn là thiên tử của các nước chư hầu. Chúa công phải nhận lệnh của thiên tử, hội họp chư hầu, định ra minh ước, cùng nhau tôn trọng thiên tử, chống lại các bộ lạc bên ngoài*. Trong số các nước chư hầu, ai có khó khăn thì cùng giúp đỡ, ai có sai trái thì cũng trách phạt.

Đến lúc đó, Chúa công có không muốn làm bá chủ thì các nước chư hầu cũng tiến cử Chúa công”.

Tề Hoàn Công nói: “Khanh nói đúng. Nhưng nên bắt đầu thế nào?”

Quản Trọng nói: “Có cách này: hiện nay, Chu thiên tử (tức Chu Ly Vương) mới lên ngôi, chúa công có thể cử sứ giả đến chúc mừng, luôn tiện tâu là nước Tống (đô thành ở Thương Khâu, Hà Nam hiện nay) hiện đang có nội loạn, địa vị của quốc quân mãi chưa vững chắc, trong nước không yên ổn. Xin thiên tử ra chiếu, khẳng định địa vị của quốc quân mới. Chúa công nắm lấy lệnh đó là có thể thừa lệnh thiên tử để triệu tập chư hầu. Làm như vậy, thì không ai phản đối được”,

Tề Hoàn Công thấy phải, quyết định làm theo ý kiến Quản Trọng.

Lúc đó, thiên tử nhà Chu không có thực quyền. Các nước chư hầu mải tranh giành đất đai, chẳng còn nghĩ gì đến việc triều kiến thiên tử. Chu Ly Vương vừa lên ngôi đã thấy sứ thần của một nước lớn là nước Tề vào chúc mừng thì rất vừa lòng, liền ra lệnh cho Tề Hoàn Công thay mặt thiên tử tới tuyên bố  chức vị cho vua Tống.

Năm 681 trước Công nguyên, Tề Hoàn Công phụng mệnh Chu Ly Vương, thông tri cho các nước chư hầu đến họp ở Bắc Hạnh (nay ở phía bắc huyện Đông A, Sơn Đông) trên biên giới phía tây nam nước Tề.

Khi đó, uy tín của Tề Hoàn Công còn chưa cao, khi triệu tập, chỉ có bốn nước là Tống, Trần, Châu, Thái đến họp. Còn những nước khác, như Lỗ, Vệ, Tào, Trịnh… còn nghe ngóng tình hình nên chưa đến.
Tại hội nghị Bắc Hạnh, mọi người đều tiến cử Tể Hoàn Công làm minh chủ, cùng nhau định ra minh ước, gồm có ba điều: Một là, tôn trọng thiên tử, giúp đỡ triều đình nhà Chu.  Hai là, chống lại các bộ lạc bên ngoài, không để xâm nhập Trung Nguyên. Ba là giúp đỡ các nước chư hầu nhỏ và gặp khó khăn.

Một chính trị gia chịu nhẫn nhục để lập nghiệp

Bạn bè mà thân với nhau hơn ruột thịt hy sinh tài sản và cả tính mạng cho nhau thì thời nào, nơi nào cũng có. nhưng hiểu nhau, tin ở tài năng của nhau và giúp nhau làm nên sự nghiệp lớn thì tôi mới thấy có cặp Quản Di Ngô và Bão Thúc Nha, mà người được nhờ bạn là Quản Di Ngô.

Quản Di Ngô, tự Trọng, sinh tại nước Tề, vào thế kỷ thứ bảy trước Tây lịch, ở đầu đời Xuân Thu, sau khi nhà Chu dời đô qua phương Đông (Lạc Ấp) khoảng tám chục năm, và trước khi Khổng Tử ra đời khoảng trăm năm.

Hồi đó, Trung quốc chỉ gồm lưu vực sông Hoàng Hà và lưu vực sông Dương Tử mà chia ra hàng trăm nước. Đứng trên cả là nhà Chu, ở dưới là những nước chư hầu. Nhưng nhà Chu suy, các nước chư hầu lớn như Tề, Sở, Tấn, Tần, Tống, không chịu phục tòng, tranh giành nhau đất đai để làm bá chủ. Chính Quản Trọng đã làm cho Tề thành nước minh chủ đầu tiên.

***

Ông sinh trong một gia đình nghèo, tầm thường, nhưng học rất rộng, có tài thao lược. Hồi trẻ ông đi buôn chung với Bão Thúc Nha, lúc chia lời, giữ phần hơn cho mình, Bao đã không giận, còn bênh vực bạn, bảo với người khác: “Anh ấy không phải là tham, mà vì nghèo, cần có nhiều tiền hơn đề chi tiêu”

Khi theo việc quân, ra trận thì Quản đi sau, mà thu quân về thì Quản đi trước, ai cũng cười là nhát, Bao bào chữa: “Anh ấy còn mẹ già nên vì hiếu mà phải giữ thân”.

Quản mưu tính việc gì mà hỏng, Bao cũng che chở cho là tại chưa gặp thời chứ không phải tại trí thấp.

Quản Trọng thấy vậy, kính phục Bão Thúc, nói: “Sinh ra tôi là cha mẹ mà biết tôi chỉ có anh Bao”.

Lúc đó nước Tề đương suy. Tề Tướng Công dâm loạn, vô đạo, cường thần giết, rồi lập Công Tôn Vô Tri lên thay. Hai người con của Tướng Công là công tử Củ và công tử Tiểu Bạch phải tị nạn ra nước ngoài, Quản và Bao bàn với nhau mỗi người phò một công tử, sau người nào thành công thì tiến cử người kia. Bao theo công tử Tiểu Bạch qua nước Cử. Quản và một người nữa là Thiệu Hốt theo công tử Củ qua nước Lỗ.

Sau khi Vô Tri bị giết, công tử Tiểu Bạch được vua nước Cử đưa về Tề trước, lên ngôi vua, tức là Tề Hoàn Công. Công tử Củ mượn quân nước Lỗ, tấn công Tề Hoàn Công để tranh ngôi, nhưng thất bại. Lỗ thấy việc không thành trở lại cầu thân với Tề, nghe lời Bão Thúc, giết công tử Củ và nộp Quản Trọng cùng Thiệu Hốt cho Tề.

Thiệu Hốt hay tin công tử Củ chết, than: “Làm tôi nên vì vua mà chết, mới là kẻ có đạo nghĩa”, rồi đập đầu vào cột tự tận. Quản Trọng có chí lớn, không muốn giữ tiểu tiết, nhẫn nhục bước vào tù xa, tin chắc Bào Thúc nhớ lới hẹn trước sẽ tiến cử mình với Tề Hoàn Công mà có dịp thi thố tài năng, làm cho tổ quốc hùng cường. Ông lại đoán trước rằng vua Lỗ sau khi cho quân Tề áp giải ông về Tề, tất hối hận, sai quân đuổi theo giết ông, để Tề mất một thiên tài, bèn đặt hai bài ca, giúp cho quân sĩ quên đường trường khó nhọc, đi mau gấp hai ngày thường, dẫu quân Lỗ có đuổi theo cũng không kịp.

Bài ca thứ nhì tỏ rõ chí của ông:

Con chim hồng hộc hiên ngang

Trời sanh lông cánh nhẹ nhàng bay cao

Vận xui mắc lưới, xa vào

Vận may tháo cũi mà lao ra ngoài

Cánh hồng cao vút tuyệt vời

Mịt mù đỉnh núi, chân trời mênh mang.

Kẻ kia xách nỏ bẽ bàng

Nhìn chim hồng hộc rỡ ràng lên mây

Quả nhiên, quân Lỗ đuổi theo, nhưng Quản Trọng đã tới Tề, được Bão Thúc niềm nở ra đón, tiến cử lên Tề Hoàn Công, rồi được Tề Hoàn Công trọng dụng, phong cho chức “tướng”[8], tức như chức tối cao cố vấn ngày nay. Đắc chính, Quản Trọng thực hành ngay chương trình của ông. Chương trình đó dựng trên quan niệm lấy dân làm gốc và gồm bốn điểm:

- Làm cho dân giàu,

- Làm cho binh mạnh

- Tôn nhà Chu

- Lấy nhân và uy mà bắt chư hầu khác phải quy phục Tề.

Hai điểm trên thuộc về nội chính; hai điểm dưới thuộc về ngoại giao.

Ngay từ lần hội kiến đầu tiên với Tề Hoàn Công ông đã khuyên vua Tề muốn trị dân thì trước hết phải giữ bốn điều: lễ, nghĩa, liêm, sỉ, và phải yêu dân. ông nói:

“Lễ, nghĩa, liêm, sĩ là bốn điều cốt yếu trong nước, nếu giữ không được thì tất phải mất nước”.

Lại nói:

“Nhà vua muốn làm vương, bá, dựng nghiệp lớn trong thiên hạ thì phải theo từ gốc, mà trăm họ là gốc của quốc gia”.

Yêu dân thì giảm bớt thuế mà cho dân và cải thiện nền kinh tế cho dân giàu. Đời sống của dân có được sung túc thì dân mới biết lễ, nghĩa, mới không phạm pháp. Chính sách “phú chi”, “giáo chi” mà sau này Khổng Tử chủ trương và quan niệm có hằng sản rồi mới có hằng tâm mà Mạnh Tử đề xướng thực ra là chính sách và quan niệm của Quản Trọng.

Vì vậy Quản rất chú ý đến việc khuếch trương kinh tế: ông cho khai mỏ để đúc tiền, nấu nước bể để làm muối, lập những vựa chứa hóa vật đợi giá cao mà bán, cho mọi người được tự do làm mọi nghề, nhờ đó, chẳng bao lâu nước Tề thành một nước giàu có nhất Trung quốc.

Về binh bị ông cũng có tư tưởng rất mới đối với đương thời. Tề Hoàn Công hỏi ông:

- Dân đã yên rồi mà khí giới, binh lính không đủ thì làm thế nào?

Ông đáp:

- Muốn đủ khí giới và binh lính thì hình pháp nên đặt lệ cho chuộc: Tội nặng thì cho chuộc một cái tê giáp, tội nhẹ thì cho một cái qui thuẫn, tội nhỏ thì cho nộp kim khí, tội còn khả nghi thì tha hẳn; nếu dân kiện nhau mà hai bên đều có lý cả thì bắt nộp bó tên rồi xử hòa.

Mới mẻ nhất là chế độ dân quân và bảo giáp. Ông không ồn ào mộ anh - vì các nước hầu khác hay tất càng tăng quân số lên - mà âm thầm tổ chức những đội dân quân trong mỗi làng, dùng người tài giỏi trong làng làm quân lệnh. Ông lại dạy cho dân đoàn kết với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau chống giặc. Chính sách ngũ gia hay thập gia liên bảo ngày nay chính là do Quản Trọng thiết lập ra trước hết.

Khi nước đã giàu, binh đã mạnh, Quản Trọng tiến đến giai đoạn thứ ba là tôn nhà Chu. Ông khôn khéo nắm lấy cơ hội ngôi vua nước Tống chưa được công nhận, khuyên Hoàn Công sai sứ thỉnh mệnh thiên tử là Lý Vương nhà Chu để đại hội chư hầu công nhận là vua Tống. Lý Vương lúc đó giữ một địa vị bù nhìn, không được nước hầu nào đoái hoài tới, nay bỗng nhiên được nước Tề hùng cường tôn trọng, rất khoái chí cho phép liền.

Hoàn Công bèn phụng mệnh thiên tử, báo cáo cho các chư hầu đại hội ở Bắc Hạnh (trên đất Tề). Bốn nước Tống, Trần, Châu[9], Sái đến dự hội, thấy Tề không dùng đến quân sĩ, đều phục Tề, tôn Tề làm bá chủ. Thế là danh đã chính, ngôn đã thuận, Quản Trọng chỉ cần củng cố địa vị của Tề Hoàn Công mà thôi. Năm đó là năm 679 trước Tây lịch, sau khi Hoàn Công lên ngôi được sáu năm (685). Qua giai đoạn thuật Quản Trọng tìm cách khuất phục các nước chư hầu khác, trước hết là Lỗ, Vệ, Trịnh, Tào, vì bốn nước này trái mệnh thiên tử, không thèm đến dự hội.

Trong công cuộc này ông vừa cương vừa nhu. Được Trần, Sái, Châu giúp quân (Tống không chịu giúp) ông tính tấn công Lỗ trước vì Lỗ ở gần.

Nhưng ông không đánh thẳng vào Lỗ, mà chiếm nước Toại, một nước nhỏ lệ thuộc Lỗ, rồi xúi Hoàn Công đưa thư trách vua Lỗ một cách khéo léo:

“Tôi với hiền hầu (chỉ vua Lỗ) cùng thờ Thiên Tử nhà Chu, khác nào anh em, mà hai nước lại vốn là thân thuộc với nhau. Mới rồi ở Bắc Hạnh, hiền hầu không dự, chẳng hiểu vì cớ gì, xin hiền hầu cho biết. Nếu hiền hầu có lòng khác cũng tùy ý hiền hầu”.

Giọng vừa mềm mỏng vừa cương quyết. Vua Lỗ đành phải nhận lỗi yêu cầu quân Tề rút ra khỏi địa giới rồi sẽ ăn thề.

Phục được Lỗ rồi, Tề dùng phương pháp ngoại giao phục luôn được Tống nữa và tha cho Tống cái lỗi không chịu giúp binh khi trước. Từ đó uy thế của Tề mỗi ngày một tăng, và các nước chư hầu nhỏ như Yên, Vệ, Hình được Tề thành thực giúp, càng cảm cái ơn của Tề mà hết lòng phụng sự Tề. Sau cùng chỉ còn mỗi nước Sở là vẫn ương ngạnh.

Sở là một nước lớn ở phương Nam mỗi ngày một bành trường tính nuốt cả Trịnh. Tề một mặt tuyên bố giúp Trịnh để Sở khỏi hiếp Trịnh, một mặt theo chính sách đối với Lỗ hồi xưa đem quân đánh nước Sái, một nước phụ thuộc Sở để thị uy với Sở, rồi ngoại giao.

- Ngày xưa, vua Thành Vương nhà Chu phong cho tiên quân tôi là Tề Thái Công và cho tiên quân tôi quyền đi dẹp các nước chư hầu nào không theo mệnh Thiên Tử. Từ khi nhà Chu dời đô qua phương Đông, các nước chư hầu tiếm quyền, chúa công tôi lại phụng mệnh làm bá chủ. Theo lệ, nước Sở mỗi năm chỉ phải cống cho Thiên Tử có một bó cỏ bao mao để dùng vào việc cúng tế thế mà Sở bỏ không thèm cống, nên Tề mới phải đến đòi. Vả lại vua Chiêu Vương nhà Chu ngày trước đi sang địa giới nước Sở mà không thấy trở về, đó là một lỗi nữa của Sở, Sở còn nói gì nữa. Ông muốn khỏi phải dùng binh mà cũng thắng được Sở, nên đã khôn khéo đưa ra hai lỗi để trách Sở, một lỗi nặng là giết vua Chiêu Vương, một lỗi nhẹ là không cống cỏ bao mao, và nhấn mạnh vào lỗi nhẹ, lướt qua lỗi nặng, để Sở khỏi mất mặt, có thể nhận lỗi nhẹ được. Kết quả đã như ý muốn: Khuất Hoàn nhận lỗi bỏ triều cống, chối lỗi giết vua Chiêu Vương, và Sở Vương thấy liên quân hùng cường của tám nước đóng sau biên giới, sai Khuất Hoàn cầu hòa.

Vậy Quản Trọng tuy tổ chức binh bị nhưng vẫn thích dùng phương pháp ngoại giao hơn: binh bị chỉ làm hậu thuẫn cho ngoại giao. Khi rút quân ở biên giới về, ông nói với Bão Thúc:

- Trách Sở tiếm hiệu xưng Vương, tất Sở công khai không chịu cúi đầu nghe ta. Sở đã không nghe thì tất ta phải đánh, đã đánh nhau thì hai bên cùng thiệt, ít ra cũng rối loạn trong vài ba năm trời. Vì vậy, tôi trách hắn về việc cống cỏ bao mao để hắn có thể nhận lỗi. Sở chịu phục là đủ cho ta có uy tín với các chư hầu và tâu lại với thiên tử, như vậy chẳng hơn là gây việc binh đao, lôi thôi chưa biết bao giờ mới dứt ư? Nhất là quân của ta từ phương Bắc xuống Sở, cực khổ rất nhiều, mà quân chư hầu theo ta vì tình chứ không hăng hái chiến đấu, thì ta lại càng nên tránh sự can qua.

Tuy nhiên, đối với các rợ phương Bắc xâm chiếm Trung Nguyên thì Quản Trọng cương quyết trị, và khẳng khái tự lực đánh dẹp, không làm phiền tới quân của các chư hầu. Như khi quân Sơn Nhung (tức nước Linh Chi ở phương Bắc) quấy nhiễu nước Yên, quân Yên chống cự không nổi, Quản Trọng đem quân sang giúp, vua Lỗ tình nguyện đem quân đi theo, Tề Hoàn Công nghe lời Quản Trọng, từ chối:

- Tôi không dám nhờ hiền hầu (chỉ vua Lỗ) đến những nơi hiểm trở ấy, để khi nào tôi dẹp không xong, sẽ xin hiền hầu giúp sức. Thấy quân Tề tới, vua Yên xin đem quân đi tiên phong. Hoàn Công cũng từ chối:

- Nước Yên mới bị giặc tàn phá, nỡ nào tôi để cho quân Yên đi tiên phong, xin hiền hầu cứ đi sau làm thanh thế mà tiếp ứng cho là đủ.

Tề Hoàn Công thắng được Linh Chi, vua Linh Chi chạy qua nước Cô Trúc cầu cứu, Tề Hoàn Công lại dẹp luôn Cô Trúc. Một chính khách tầm thường khác, sau những trận thắng đó, tất sáp nhập đất đai của Linh Chi, Cô Trúc vào bản đồ của Tề, nhưng Quản Trọng thì không; ông đem địa giới hai nước đó tặng cả cho Yên, rồi lại chỉnh đốn chính trị cả cho Yên, giúp Yên hùng cường, đủ sức chống với rợ phương Bắc. Chính sách đó cực khéo léo: Tề chỉ tốn công một lần mà Yên thành cái mộc che đỡ cho Tề (vì nếu Yên bị rợ xâm chiếm thì Tề cũng lâm nguy) lại mang ơn Tề là đại lượng nữa. Công đó có lẽ là công lớn nhất của Quản Trọng.

***

Tài chính trị của Quản Trọng thì như vậy mà tài dùng người của ông cũng đáng cho ta phục. Ông biết rõ tài năng, tâm lý của mỗi người và dùng người rất đúng chỗ. Khi Tề Hoàn Công muốn giao cho ông chức tướng, ông chưa chịu nhận, mà đề cử năm người kiệt sĩ. Ông nói:

- Một cây gỗ không làm nên được một ngôi nhà lớn, một dòng nước không làm nên được một đại dương. Nếu chúa công muốn dựng nghiệp bá thì tôi xin giới thiệu năm người kiệt sĩ. Có tài giao thiệp, biết giữ lễ phép thì không ai bằng Thấp Bằng, xin cho Thấp Bằng làm đại tư khanh; có tài khai khẩn, biết cách trồng trọt thì tôi không bằng Ninh Việt, xin cho Ninh Việt làm đại tư điền; có tài luyện tập quân sĩ, khiến người ta quên chết thì tôi không bằng Thành Phủ, xin cho Thành Phủ làm đại tư mã; có tài xử đoán hình ngục, khiến người ta khỏi oan thì tôi không bằng Tân Tu Vô, xin cho Tân Tu Vô làm đại tư lý; có tính cương trực, không sợ kẻ quyền quý cứ thấy điều trái là nói, thì tôi không bằng Đông Quách Nha, xin cho Đông Quách Nha làm đại gián quan. Chúa công muốn được cường thịnh, tất phải dùng năm người ấy; có năm người ấy rồi, tôi dẫu hèn mạt cũng xin gắng sức vâng mệnh chúa công.

Vài năm sau, Quản Trọng lại tiến cử Ninh Thích với Tề Hoàn Công. Lần đó, quân của ông qua núi Dao, gặp một người chăn trâu, mình mặc áo ngắn, đầu đội nón rách, chân đi đất, đương gõ vào sừng trâu mà hát. Ông ngồi trên xe, biết không phải là người thường, sai quân lính đem rượu thịt lại tặng. Ăn xong, người đó muốn được yết kiến ông, nhưng ông đã đi xa, nên nhờ quân lính đọc lại cho ông câu:

Nước trong leo lẻo

Tức câu đầu trong bài hát:

Nước trong leo lẻo

Cá lội giữa dòng

Người đến cầu ta

Ta cũng bằng lòng

Ông hiểu rằng người chăn trâu đó muốn ra làm quan, tức khắc cho ngừng xe lại, sai sứ đến triệu. Hỏi họ tên người đó đáp là Ninh Thích. Hỏi đến học thức thì Ninh Thích ứng đối rất trôi chảy. Biết là bậc đại tài, ông dâng thư giới thiệu với Tề Hoàn công và Hoàn Công phong làm đại phu, phụ giúp việc quốc chính.

Quản Trọng lựa người như vậy tất nhiên không phải là để gây vây cánh mà chỉ nhằm mục đích ích nước lợi dân. Ông mang ơn rất nặng của Bão Thúc, ơn tri ngộ và cứu sống. Nhưng không vì vậy mà ông giao Bão Thúc những trọng trách, vì ông biết tài của Bao không lớn. Trong khi ông đắc chính, Bao chỉ làm một vị tướng cầm quân như mọi vị tướng khác. Tới khi ông gần mất (khoảng 465 - trước Tây lịch). Tề Hoàn Công lại thăm ông, cầm tay ông hỏi:

- Trọng phụ (Tề Hoàn Công trọng ông như bậc cha, chú nên gọi ông như vậy) đau nặng lắm, nếu bất hạnh mà có sự gì tôi biết giao quyền chính cho ai?

Ông thở dài than:

- Tiếc thay, Ninh Thích đã mất rồi.

Tề Hoàn Công lại nói:

- Trừ Ninh Thích ra, không còn ai nữa ư. Tôi muốn giao quyền chính cho Bão Thúc, nên chăng?

Ông lắc đầu:

- Bão Thúc là người quân tử, nhưng không có tài chính trị, quá phân biệt thiện ác. Yêu điều thiện thì phải chứ ghét điều ác quá thì không ai chịu được. Bão Thúc thấy ai có điều gì ác thì suốt đời không quên, đó là một sở đoản.

Tề Hoàn Công đề nghị:

- Thấp Bằng được không

Đáp:

- Thấp Bằng là người hay hỏi kẻ dưới mà không xấu hổ, lúc nào cũng lo việc nước, có thể dùng được. Nhưng tôi e rằng Chúa Công dùng Thấp Bằng cũng chẳng được bao lâu vì Trời sinh Thấp Bằng như cái lưỡi của tôi, nay tôi chết thì lưỡi làm sao sống được. Tề Hoàn Công nghe lời. Khi Quản Trọng mất, giao quyền chính cho Thấp Bằng, chưa được một tháng thì Thấp Bằng cũng chết. Bấc đắc dĩ, Hoàn Công lại phải cho Bão Thúc thay. Bão Thúc tự xét mình chỉ làm chức tư khấu để khu trừ nhưng đứa gian nịnh thì được, chứ cầm quyền chính thì hỏng, nhưng vì trong triều đình không còn ai nữa, nên miễn cưỡng nhận, và buộc Hoàn Công phải đuổi bọn Dịch Nha, Thụ Điêu, Khai Phương, tức bọn tiểu nhân chuyên nịnh hót Hoàn Công.

Hoàn Công đành nghe lời, song chỉ ít lâu sau, nhớ bọn đó quá, tới nỗi ăn không ngon, ngủ không yên, lại triệu về. Bão Thúc uất ức, đau nặng rồi chết[10].

***

Được Tề Hoàn Công kính trọng như cha chú, giao hết quyền hành trong tay, mà Quản Trọng vẫn giữ được tánh nhũn nhặn, lễ độ.

Thời đó, nước Tề có hai quý tộc giữ những địa vị cao nhất trong triều là họ Quốc và họ Cao.

Quản Trọng là một người bình dân, mới được vô triều mà đã lãnh ngay một chức vụ quan trọng nhất thì các quý tộc làm sao khỏi ganh tị? Nhờ tánh nhún nhường mà ông gây được thiện cảm và giữ được địa vị tới khi chết. Mỗi khi dự một lễ gì lớn, thì ông khiêm tốn đứng ở hàng sau; để hai họ Quốc, Cao đứng hàng đầu.

Một lần, trong vương thất nhà Chu có chuyện lôi thôi các vương tử tranh nhau địa vị. Ông được lệnh tới điều giải. vua Chu rất nể uy thế của Tề Hoàn Công, dùng nghi lễ tiếp đãi Quản Trọng như một thượng khách.

Ông từ tạ:

- Hạ thần giữ một chức nhỏ. Trong nước hạ thần còn hai họ Quốc, Cao giữ những địa vị cao, nên hạ thần xin để lễ thượng khách lại hai họ đó.

Vua Chu nói hai ba lần, ông mới chịu nhận lễ hạ khanh.

Chẳng những ông biết giữ lễ mà còn khuyên Tề Hoàn Công giữ được lễ. Khi Hoàn Công đại hội các chư thần ở đất Thao, cùng bái vọng thiên tử nhà Chu, quan thôi tế là Chu Khống tuyên mệnh của thiên tử rồi ban phần tế cho Hoàn Công.

Hoàn Công bước xuống thềm để lạy tạ, Chu Khống ngăn:

- Thiên tử có truyền rằng hiền hầu đã già cả thì miễn lễ cho, khỏi phải lạy.

Hoàn Công toan không lạy, Quản Trọng đứng bên thưa:

- Dầu thiên tử có truyền lịnh như vậy, nhưng kẻ hạ thần cứ giữ lễ mới phải.

Hoàn Công nghe theo, nói:

- Uy nghiêm thiên tử lúc nào cũng như ở trước mặt, khi nào kẻ hạ thần dám sai lễ.

Rồi bước xuống thềm lạy tạ, nhờ vậy được các nước chư hầu khác thêm kính phục.

Đối với nhà Chu thì Quản Trọng tỏ vẻ kính sợ, mà đối với chư hầu thì giữ được lòng tín. Sau khi Tề hầu xâm chiếm Toại, một nước nhỏ lệ thuộc Lỗ rồi trách vua Lỗ không đến họp ở Bắc Hạnh, vua Lỗ bất đắc dĩ phải nhận lỗi, xin Tề hầu rút quân về đất Khá rồi mình sẽ tới đó ăn thề.

Vua Lỗ dắt theo một võ tướng là Tào Mạt. hai người bước lên đàn. Tề Hoàn Công và vua Lỗ làm lễ xong, Tào Mạt tay phải rút thanh kiếm, tay trái nắm vạt áo Tề Hoàn Công, vẻ mặt hầm hầm. Quản Trọng bước lại đứng chắn, để che cho Tề Hoàn Công và hỏi Tào Mạt:

- Quan đại phu làm gì thế?

Tào đáp:

- Nước Lỗ tôi suy yếu vì mấy lần chiến tranh, nay quý quốc hội chư hầu giúp kẻ yếu, sao không nghĩ đến nước tôi mà trả lại đất Vấn Dương cho chúng tôi? Quý quốc bằng lòng trả thì chúng tôi mới chịu ăn thề.

Quản Trọng quay lại khuyên Tề Hoàn Công thuận cho. Tào Mạt được lời hứa của Hoàn Công, hạ thanh kiếm xuống và hai vua ăn thề với nhau.

Cuộc lễ xong, các quan nước Tề uất ức, bàn với Tề Hoàn Công lập kế hiếp lại vua Lỗ để báo thù. Quản Trọng can:

- Đã hứa với Tào Mạt thì phải giữ lời. Thất tín sao gọi là bá chủ được?

Tề Hoàn Công nghe lời, hôm sau đem đất Vấn Dương trả lại cho Lỗ. Các nước chư hầu khác hay tin đều khen Hoàn Công là tín nghĩa và lần lượt quy phục Tề.

***

Tài của Quản Trọng hiện rõ nhất trong cách ông dùng Tề Hoàn Công. Hoàn Công là người có chí nhưng rất ham mê săn bắn và tửu sắc. Ngay hồi mới hội ngộ, Hoàn Công đã hỏi Quản Trọng:

- Tật ham săn bắn và tửu sắc có hại cho nghiệp bá không?

Ông đáp:

- Không hại gì. Nhưng nếu không biết dùng người hiền, hoặc dùng mà không chuyên, hoặc để cho tiểu nhân lẫn vào thì hại nghiệp bá.

Hoàn Công nhận là phải, chuyên dùng ông, và ông cũng để Hoàn Công vui chơi với bọn tiểu nhơn là Thụ Điêu, Dịch Nha và Khai Phương, miễn chúng không được can thiệp đến việc nước.

Thụ Điêu vốn là một đầy tớ yêu của Tề Hoàn Công, muốn thân cận hơn, ra vào trong nội đình, mới tự thiến mình để được tiến vào cung. Hoàn Công thấy vậy, thương tình, càng tin dùng, luôn luôn cho hầu bên cạnh.

Dịch Nha có tài bắn, dong xe, nhất là nấu bếp. Một lần Vệ Cơ, vợ Tề Hoàn Công nhờ ăn một món do Dịch Nha nấu mà khỏi bệnh, đem lòng mến, giới thiệu với chồng. Hoàn Công nói đùa với Dịch Nha:

- Các thứ điểu, thú, trùng, ngư ta ăn đã đủ mùi, duy có thịt người ta chưa biết vị ra sao?

Dịch Nha lui ra, đến bữa trưa, dâng một mâm thịt chín, mềm như dê non, mùi rất thơm.

Hoàn Công ăn xong hỏi:

- Thịt gì mà ngon thế

Thưa:

- Thịt người.

Hoàn Công kinh hoàng, hét :

- Thịt đó lấy ở đâu?

Địch Nha đáp:

- Đứa con đầu lòng của thần mới lên ba. Thần nghĩ đã trung với vua thì không nghĩ gì tới con, nên giết nó để dâng Chúa Công.

Hoàn Công thấy vậy cho là hắn yêu mình, nên tin dùng.

Còn Khai Phương vốn là công tử nước Vệ, bỏ ngôi thế tử mà theo Tề Hoàn Công, khi cha mẹ chết cũng chẳng thiết về, chuyên nịnh hót và bày cuộc vui cho vua.

Trong bốn mươi năm làm tướng, Quản Trọng biết hết những hành vi bỉ ổi của bọn tiểu nhân đó, biết chúng rất ghét ông, gièm pha ông, nhưng ông tin rằng chúng không hãm hại ông được mà hễ ông còn sống thì chúng cũng không làm hại nước Tề được, nên ông làm lơ cho chúng. Ông biết tính của Hoàn Công, nếu bắt buộc Hoàn Công phải đuổi ba kẻ đó đi thì Hoàn Công sẽ không vui mà sớm muộn gì cũng dùng những kẻ tiểu nhân khác để hầu hạ.

Mãi đến khi ông sắp mất, biết không còn ai ngăn căn được bọn đó, nên mới khuyên Hoàn Công phải xa chúng.

Hoàn Công bênh vực chúng nói:

- Dịch Nha làm thịt con cho tôi ăn, thế là yêu tôi hơn yêu con, còn nghi ngờ gì nữa. Thụ Điêu tự hoạn mình để được hầu cận tôi, như vậy là yêu tôi hơn bản thân. Còn Khai Phương yêu tôi hơn cha mẹ nên mới bỏ ngôi thế tử theo tôi mà khi cha mẹ chết cũng chẳng thiết về. Ba người đó quý tôi như vậy, sao Trọng phụ bảo tôi phải xa?

Quản Trọng đáp:

- Tính người ta không yêu gì hơn con. Con đầu lòng mà Dịch Nha còn nỡ giết, thì còn nghĩ gì đến vua. Thân mình là quý hơn cả, Thụ Điêu hủy thân mình thì còn thiết gì đến vua. Người thân, không ai bằng cha mẹ, Khai Phương bất hiếu với cha mẹ thì có thể trung với Chúa công được không? Huống hồ ngôi thế tử ai mà không muốn? Khai Phương bỏ ngôi thế tử mà theo Chúa Công, tất là dòm ngó cái gì quý hơn ngôi thế tử nữa. Nếu Chúa Công còn gần ba kẻ đó thì tất có ngày sinh loạn.

Hoàn Công hỏi:

- Ba người đó theo hầu tôi đã từ lâu, sao không thấy Trọng phụ nói đến bao giờ?

- Tôi không nói là muốn chiều ý Chúa Công. Tôi như cái bờ đê ngăn nước khỏi tràn; nay bờ đê không còn thì khó lòng giữ được nước. Tôi mất đi, Chúa Công chớ nên gần bọn họ.

Hoàn Công nín thinh ra về.

Quả nhiên hai năm sau, khi Hoàn Công đau nằm liệt một nơi bọn Thụ Điêu, Dịch Nha làm cho triều đình nước Tề sinh loạn, các công tử tranh nhau ngôi vua, đến nỗi Hoàn Công chết đã sáu mươi bảy ngày mà chưa nhập quan, thi thể nát rữa, hôi thối không thể chịu được, dòi bọ lúc nhúc, trông rất thê thảm.

***

Mạnh Tử sanh sau Quản Trọng khoảng ba trăm rưởi năm, chê Quản Trọng được Hoàn Công chuyên dùng như vậy, lại cầm quyền lâu năm như vậy, mà chỉ giúp Hoàn Công lập được nghiệp bá, thì tài đức chưa đáng gọi là cao. Lời phê bình đó quá nghiêm khắc. Ta phải hiểu thời đó Trung Quốc chưa thể thống nhất được mà tư cách của Hoàn Công cũng chỉ có thể làm bá là cùng, chứ không thể hơn.

Khổng Tử có tinh thần khoan hòa, xét Quản Trọng công bằng hơn. ông nói: “Quản Trọng giúp Hoàn Công làm bá chư hầu, bình định được thiên hạ. Dân tới nay còn mang ơn ông. Nếu không có ông thì chúng ta đã thành mọi rợ, đầu róc tóc, áo gài nút bên trái hết rồi.” Ý Khổng Tử muốn khen Quản Trọng đã có công dẹp rợ Hồ phương Bắc cứu nền văn minh Trung Quốc.

Lần khác ông lại bảo: “Hoàn Công chín lần hợp chư hầu mà không phải dùng binh, đó là công của Quản Trọng. Về đức nhân ai bằng được người ấy?”

Quản là một chính trị gia đại tài, biết dung hòa thực tế với lý tưởng, tuy trọng võ bị mà cũng biết lễ, nghĩa, nhân, tín. Tư tưởng cùng chính sách của ông được chép trong bộ Quân Tư. Đọc bộ đó, ta thấy học thuật của ông là học thuật của nhà Nho, khác xa với bọn phá gia ở cuối đời Chiến Quốc. Chính ông là một nhà Nho đã biết sửa đổi phép tắc của Chu Công và ảnh hưởng đến Khổng Tử và Mạnh Tử đời sau.

Chỉ xét một việc này cũng biết ông được người nước Tề rất kính trọng và nhớ ơn. Hồi ông mới mất, Dịch Nha gièm pha với một quan đại phu là Bá Thị:

- Ngày xưa, Chúa công lấy đất của ông thưởng cho Quản Trọng, nay Quản Trọng mất rồi, ông nên đòi lại, tôi sẽ nói giúp ông với Chúa Công.

Bá Thị khóc mà đáp:

- Tôi không có công trạng gì, nên Chúa Công mới lấy đất của tôi thưởng cho Trọng phụ. Nay Trọng phụ tuy mất mà công trạng còn, tôi mặt mũi nào xin đòi lại?

Về tư đức Quản có chỗ đáng chê là quá xa xỉ. Khi sự nghiệp đã thành, ông chẳng những không ngăn cản Hoàn Công trong việc sửa sang cung điện cho rực rỡ như cung điện một vị thiên tử, mà còn tự lập ra tắc môn để che cửa, phần điểm để tiếp sứ thần các nước, rồi sai đắp một đài cao ba tầng, gọi là đài “Tam quy”, ngụ ý rằng ba hạng người quy phục mình: dân quy phục, chư hầu qui phục, các rợ quy phục.

Bão Thúc thấy vậy, khuyên can:

- Vua xa xỉ, mình cũng xa xỉ, vua tiếm phạm, mình cũng tiếm phạm, như thế sao phải.

Quản Trọng đáp gượng:

- Một ông vua lao khổ trong ba năm để lập công nghiệp, cũng phải có một ngày được hưởng sung sướng chứ? Nếu mình đem lễ phép mà bó buộc hoài thì người ta sinh chán. Tôi làm thế, chẳng qua là muốn vì Chúa Công mà chịu đỡ tiếng chê cười trong thiên hạ.

Bão Thúc tỏ ý không phục.

Chính vì về già đổi tính, hóa xa xỉ và kiêu căng mà Quản Trọng không bằng Án Tử, một vị tướng quốc khác cùng ở thời Xuân Thu, sống sau Quản Trọng hơn trăm năm, cũng giúp Tề hùng cường mà suốt đời khiêm nhượng và thanh bạch. Tư Mã Thiên khi chép tiểu sử của hai nhà, không dìm Quản mà chỉ tôn Án, thực là phán đoán đã sâu sắc. Đáng khen hơn nữa là ông viết truyện của Quản Trọng và của Bão Thúc chung với nhau, làm cho ta hiểu ngầm rằng có công lao gây dựng nước Tề là của Bao chứ không phải của Quản vì không có Bao thì không có Quản. Từ xưa, chưa có một sử gia nào mà tư tưởng xác đáng, văn chương hàm súc đến như vậy.