Văn hóa thần tượng là gì

Ban nhạc nữ của Hàn Quốc BlackPink đình đám K-pop sẽ tới Hà Nội biểu diễn vào 29-30/7. Hà Nội sẽ là điểm dừng chân cuối cùng tại châu Á trong khuôn khổ chương trình lưu diễn toàn cầu Born Pink của nhóm. Trước Blackpink, Việt Nam chưa từng có một nhóm nhạc đình đám đương thời thế giới nào lựa chọn là điểm dừng chân trong chương trình lưu diễn toàn cầu của họ.

Mạng xã hội Việt những ngày qua “bùng nổ” với cái tên BlackPink. Từ nhiều ngày trước đây, giới trẻ Việt “mất ăn mất ngủ” vì săn vé và vui sướng “phát cuồng” khi sắp được tận mắt xem nhóm nhạc này biểu diễn.

Phóng viên: Cuối tháng 7 này, Ban nhạc nữ của Hàn Quốc BlackPink đình đám K-pop sẽ tới Hà Nội biểu diễn. Ông có bình luận gì về những tác động của sự kiện này đối với thực tế âm nhạc giải trí Việt?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội: Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp giải trí đã trở thành một trong những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu. Đặc biệt, sự bùng nổ của làn sóng K-pop đã thu hút được sự chú ý lớn từ cộng đồng quốc tế. Sự kiện nhóm nhạc BlackPink tổ chức ở Việt Nam và được giới trẻ rất hào hứng. Đây là một hiện tượng được báo trước, đã được tiên liệu từ lâu khi làn sóng Hàn Quốc đã quá phổ biến ở nước ta: từ phim ảnh, thời trang đến âm nhạc và rất nhiều sản phẩm văn hóa nghệ thuật khác. Sức mạnh mềm của Hàn Quốc đã được khẳng định ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam khiến cho việc thần tượng các ngôi sao Hàn Quốc trở thành hệ quả tất yếu.

Văn hóa thần tượng là gì

Ban nhạc nữ của Hàn Quốc BlackPink sẽ tới Hà Nội biểu diễn vào 29-30/7 trong khuôn khổ chương trình lưu diễn toàn cầu Born Pink của Nhóm

Tôi cho rằng, sự kiện nhóm nhạc BlackPink cho chúng ta thấy 3 điểm tích cực và 3 điểm hạn chế:

Về tích cực, thứ nhất là giúp công chúng trẻ nói riêng, cả xã hội nói chung quan tâm nhiều hơn đến nghệ thuật và công nghiệp giải trí. Sự đón nhận nhiệt tình của khán giả trẻ Việt đối với BlackPink cho thấy sự quan tâm rất lớn đến nghệ thuật và công nghiệp giải trí, trở thành điều kiện tốt để chúng ta có thêm sự tập trung phát triển cho lĩnh vực này ở Việt Nam.

Thứ hai là tạo ra sự kết nối với văn hóa quốc tế. BlackPink là một nhóm nhạc nổi tiếng toàn cầu và nhận được sự quan tâm rộng rãi từ fan hâm mộ trên khắp thế giới. Sự kiện BlackPink biểu diễn ở Việt Nam chắc chắn cũng sẽ là sự kiện âm nhạc quốc tế được dư luận thế giới quan tâm. Sự kiện này cho thấy giới trẻ Việt Nam đã rất năng động với nghệ thuật quốc tế, luôn mở rộng tầm nhìn của mình và thể hiện sự kết nối với văn hóa nghệ thuật toàn thế giới, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước con người, góp phần đưa nền văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Thứ ba là sự lan tỏa thông điệp tích cực. BlackPink được biết đến là nhóm nhạc truyền cảm hứng về phong cách thời trang, độc lập và tự tin. Việc khán giả trẻ tìm thấy sự cảm nhận và cảm xúc tích cực trong âm nhạc và hình ảnh của BlackPink có thể tạo ra sự lan tỏa thông điệp tích cực đối với giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là về lòng tự tin và tư duy độc lập, sáng tạo.

Văn hóa thần tượng là gì

Sự kiện nhóm nhạc BlackPink tổ chức biểu diễn ở Việt Nam được giới trẻ rất hào hứng

Còn về hạn chế, thứ nhất, đó là sự tập trung quá nhiều vào văn hóa thần tượng, khiến một số khán giả trẻ có thể lạc quan, đánh giá quá cao hoặc lệ thuộc quá mức vào những hình mẫu nghệ sĩ khiến có thể làm mất cân bằng trong quá trình phát triển cá nhân và sự đa dạng tư duy.

Thứ hai là thiếu sự đa dạng trong quan tâm nghệ thuật, nhất là đối với nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Sự tập trung thái quá vào một số nhóm nhạc nổi tiếng có thể làm mất đi sự đa dạng và tiềm năng của văn hóa nghệ thuật Việt Nam, dẫn đến việc lơ là những tài năng trong các lĩnh vực nghệ thuật khác và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của các nghệ sĩ và nhóm nhạc khác.

Thứ ba là những hệ lụy về kinh tế khi sự kiện như vậy yêu cầu chi phí cao để tổ chức và tham gia. Điều này có thể tạo ra một khoảng cách kinh tế và phân biệt giữa các tầng lớp trong xã hội, khi một số khán giả trẻ không thể tham gia vào sự kiện do hạn chế tài chính, tạo ra bất bình đẳng không cần thiết trong hưởng thụ văn hóa trong xã hội, từ đó tạo ra những so bì, mâu thuẫn không cần thiết khác.

Phóng viên: Mạng xã hội Việt những ngày qua “bùng nổ” với cái tên BlackPink, giới trẻ Việt “mất ăn mất ngủ” vì săn vé và vui sướng “phát cuồng” khi sắp được tận mắt xem nhóm nhạc thần tượng biểu diễn. Điều chứng tỏ văn hóa thần tượng ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh. Theo ông, chúng ta cần làm gì để giúp cho văn hóa thần tượng giới trẻ Việt được tạo dựng, hình thành theo hướng lành mạnh, tích cực nhất?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội: Thần tượng một ai đó không phải là một vấn đề mới, nhưng ở bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng, hiện tượng này có những màu sắc mới, cần được phân tích rõ ràng để có thể phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu.

Văn hóa thần tượng là gì

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội cho rằng, sống có lý tưởng, thần tượng cũng là một nét văn hóa đáng quý, tuy nhiên cần được người hâm mộ thể hiện, và điều chỉnh theo hướng lành mạnh, tích cực nhất

Theo quan niệm trước đây, thần tượng (mẫu người lý tưởng) phải là người có tài năng xuất chúng, có phông văn hoá lớn, có nền tảng kiến thức sâu rộng, có đạo đức, tư cách tốt, sống chuẩn mực và có nhiều đóng góp cho cộng đồng... và do đó, để đánh giá ai đó là hình mẫu, là thần tượng trong xã hội không phải là dễ.

Tuy nhiên, cách hiểu về thần tượng ở mỗi thời đại lại có biên độ nghĩa khác nhau, bị chi phối nhiều bởi bối cảnh xã hội. Theo cách hiểu thông thường hiện nay, thần tượng là cách gọi đối với những người nổi tiếng được giới trẻ yêu thích, say mê, hâm mộ, thậm chí sùng bái.

Có một thực tế là nếu như thần tượng của các thế hệ tuổi trẻ trước đây chủ yếu là các danh nhân lịch sử, nhân vật anh hùng, nhà khoa học... thì nhiều nhân vật được coi là thần tượng của một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay chủ yếu là các diễn viên điện ảnh, ca sĩ, cầu thủ bóng đá... hay nói khác đi là những người nổi tiếng.

Tôi cho rằng, mỗi người đều có những sở thích, những đam mê và mục đích riêng. Chính vì thế mà việc có những thần tượng cho riêng mình để phấn đấu và theo đuổi là một điều đáng quý. Sống có lý tưởng, thần tượng cũng là một nét văn hóa. Vấn đề là nét văn hóa đó cần được người hâm mộ tự thể hiện, kiểm soát và điều chỉnh theo hướng lành mạnh, tích cực nhất.

Phóng viên: Đúng là thần tượng cũng là một nét văn hóa nếu chúng ta lựa chọn và thể hiện đúng đắn, tích cực. Tuy nhiên, thực tế giới trẻ Việt hiện nay, có không ít những trường hợp lại hâm mộ thần tượng tới mức cuồng si, thái quá, lên trên cả vấn đề học tập, sức khỏe, gia đình… Ông có thể cho biết, nguyên nhân của thực trạng này do đâu?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội: Tôi cho rằng, có 3 lý do hâm mộ thần tượng thái quá. Cụ thể:

Thứ nhất là sức đề kháng của giới trẻ còn thấp, không đủ sức đối đầu hoặc thoát khỏi ảnh hưởng toàn diện của làn sóng văn hoá nước ngoài.

Thứ hai là khi không có lý tưởng, không có điểm tựa chính đáng về tinh thần, họ vẫn phải sống cuộc sống của người khác, khiến họ lệ thuộc ngày càng nhiều vào thần tượng.

Thứ ba là giới truyền thông góp phần không nhỏ vào việc thổi phồng thần tượng, ca ngợi lên mây các “ngôi sao”, “sáng tạo” ra những “ngôi sao ảo”.

Văn hóa thần tượng là gì

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội chỉ ra 3 nguyên nhân đối với những trưởng hợp thần tượng thái quá và gợi ý hướng khắc phục

Từ đó, câu hỏi đặt ra đối với trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục tư tưởng, nhân cách, lối sống cho giới trẻ. Tôi cho rằng, gia đình cần thể hiện trách nhiệm trách nhiệm định hình giá trị và tiêu chuẩn đúng đắn cho con em mình, tạo ra một môi trường an toàn, hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển tư duy và nhân cách cho trẻ em, cũng như dành thêm thời gian để tạo cơ hội giao tiếp và thảo luận với con em mình về các vấn đề tư tưởng, nhân cách và lối sống.

Bên cạnh đó, nhà trường cần tích cực xây dựng môi trường giáo dục tích cực và đa chiều cho học sinh; tạo ra các hoạt động giáo dục ngoại khóa nhằm phát triển tư duy, nhân cách và lối sống lành mạnh, và cung cấp đầy đủ kiến thức và thông tin để học sinh có thể đánh giá và lựa chọn một cách cân nhắc về tư tưởng và lối sống.

Cùng với đó, xã hội cần tạo ra môi trường khuyến khích sự đa dạng trong tư duy, nhân cách và lối sống tốt đẹp; có những hoạt động và sự hỗ trợ từ các tổ chức, cộng đồng để giáo dục và tạo cơ hội cho giới trẻ phát triển nhận thức và nhân cách, cũng như tạo ra môi trường đoàn kết chống lại các xu hướng tiêu cực, góp phần xây dựng một văn hóa lành mạnh cho giới trẻ.

Như vậy, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục tư tưởng, nhân cách và lối sống cho giới trẻ để tránh lệch lạc, cực đoan trong văn hóa thần tượng cần phải là một quá trình thống nhất và có sự hợp tác và tương tác giữa các bên. Quan trọng là tạo ra môi trường hỗ trợ, khuyến khích và cung cấp các nguồn thông tin và cơ hội cho giới trẻ để phát triển một cách toàn diện và cân nhắc kỹ càng trong suy nghĩ và hành động của mình.