Với Tú Xương thơ không cần gấm hoa, son phấn

Skip to content

Nhà thơ Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương , tự Mặc Trai, hiệu Mộng Tích, Tử Thịnh. Tên bố mẹ đặt cho lúc đầu là Trần Duy Uyên. Ông sinh ngày 5 tháng 9 năm 1870 (tức ngày 10 tháng 8 năm Canh Ngọ), ở làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (trước đây là phố Hàng Nâu, hiện nay là phố Minh Khai, phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định). Ông mất ngày 29 tháng 1 năm 1907. Cùng chúng tôi điểm qua một số bài thơ của nhà thơ qua bài viết dưới đây bạn nhé!

Với Tú Xương thơ không cần gấm hoa, son phấn
Tú Xương – Trần Tế Xương (1870 – 1907)

Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Một duyên, hai nợ, âu đành phận,

Năm nắng, mười mưa, dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:

Có chồng hờ hững cũng như không!

Con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ

Tiếng có miếng không, gặp chăng hay chớ

Mặt nhẵn nhụi, chân tay trắng trẻo, ai dám chê rằng béo rằng lùn?

Người ung dung, tính hạnh khoan hoà, chỉ một nỗi hay gàn hay dở!

Đầu sông bãi bến, đua tài buôn chín bán mười

Trong họ ngoài làng, vụng lẽ chào dơi nói thợ

Gần xa nô nức, lắm gái nhiều trai

Sớm tối khuyên răn, kẻ thầy người tớ

Ông tu tác cửa cao nhà rộng, toan để cho dâu

Anh lăm le bia đá bảng vàng, cho vang mặt vợ

Mình bỏ mình đi, mình không chịu ở

Chẳng nói chẳng rằng, không than không thở.

Hay mình thấy tớ: nay Hàng Thao, mai phố Giấy mà bụng mình ghen?

Hay mình thấy tớ: sáng Tràng Lạc, tối Viễn Lai, mà lòng mình sợ?

Chữ nhất phẩm ơn vua vinh tứ, ngày khác sẽ hay

Duyên trăm năm ông Nguyệt xe tơ, kiếp này đã lỡ

Mình đi tu cho thành tiên thành phật, để rong chơi Lãng Uyển, Bồng Hồ

Tớ nuôi con cho có rể có dâu, để trọn vẹn đạo chồng nghĩa vợ

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò

Hỡi ai, ai có thương không?

Đêm mưa, một mảnh áo bông che đầu

Áo bông ai ướt khăn đầu ai khô?

Kẻ về khóc trúc Thương Ngô một mình

Non non nước nước tình tình

Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ!

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:

Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.

Phen này ông quyết đi buôn cối,

Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:

Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu?

Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc,

Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:

Đứa thì mua tước, đứa mua quan.

Phen này ông quyết đi buôn lọng,

Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:

Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.

Phố phường chật hẹp, người đông đúc,

Bồng bế nhau lên nó ở non.

Bắt chước ai ta chúc mấy lời:

Chúc cho khắp hết ở trong đời.

Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước,

Sao được cho ra cái giống người.

Thế sự đua nhau nói dại khôn,

Biết ai là dại, biết ai khôn.

Khôn nghề cờ bạc là khôn dại,

Dại chốn vẵn chương, ấy dại khôn.

Này kẻ nên khôn đều có dại,

Làm người có dại mới nên khôn.

Cái khôn ai cũng khôn là thế,

Một trà, một rượu, một đàn bà

Ba cái lăng nhăng nó quấy ta

Chừa được cái gì hay cái nấy

Có chăng chừa rượu với chừa trà!

Sơ khảo khoa này, bác cử Nhu

Thực là vừa dốt lại vừa ngu

Văn chương nào phải là đơn thuốc!

Chớ có khuyên xằng, chết bỏ bu!

Sực tắc đi đêm gõ điếc tai,

Tiền thời không có biết vay ai?

Chú ơi, bán chịu tôi vài bát,

Sáng mai tôi trả một thành hai.

Đầu năm ra cửa được đồng tiền

Nào có cầu đâu, được tự nhiên

Ý hẳn nhà nho sang vận đỏ

Hay là con tạo thử người đen

Muốn đem trả nợ đòi nhà lại

Hay để làm lương giúp nước liền

Của cải vua ta đâu sẵn thế

Chữ đề Tự Đức hãy còn nguyên

Thầy thầy tớ tớ, phố xênh xang,

Thoạt nhác trông ra ngỡ cóc vàng.

Kiện hết sở Tuần, vô sở Sứ

Khi thì thầy số, lúc thầy lang.

Công nợ bớp bơ hình chúa Chổm,

Phong lưu đài các giống ông hoàng.

Phong lưu như thế phong lưu mãi

Điếu ống, xe dài độ mấy gang ?

“- Việc bác không xong tôi chết ngay!”

Chết ngay? như thế vội vàng thay!

Chết riêng dễ một mình anh nhỉ?

Sống bận ra chi lũ chúng mày!

Lấy được con hầu thì nó sướng

Gẫm xem thiên hạ lắm thằng hay.

Đứa ăn, đứa ngủ, đứa nào sướng?

Đứa đắp chăn da, đứa thịt quay!

Ấm không ra ấm, ấm ra nồi

Ấm chạy lăng quăng, ấm chẳng ngồi

Chán cả đồ chuyên cùng chén mẫu

Luộc giò, nấu thịt, lại đồ xôi

Bụng buồn còn muốn nói năng chi ?

Đệ nhất buồn là cái hỏng thi.

Một việc văn chương thôi cũng nhảm,

Trăm năm thân thế có ra gì!

Được gần trường ốc vùng Nam Định,

Thua mãi anh em cánh Bắc Kì.

Rõ thực nôm hay mà chữ tốt,

Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy.

Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo

Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu

Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy

Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu

Bánh chưng sắp gói, e nồm chảy

Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu

Thôi thế thì thôi, đành tết khác

Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo

Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo

Nhân tình trắng thế lại bôi vôi

Không dưng xuân đến chi nhà tớ?

Có nhẽ trời mà đóng cửa ai!

Nực cười thay: nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà tết!

Thôi cũng được: rượu có, nem có, bánh chưng cũng có, thừa chơi!

Xuân về chớ để xuân đi, thương kẻ quạt nồng cùng ấp lạnh

Năm mới khác gì năm cũ, van người bán muối với mua vôi

Vui xuân, xuân cả một trời, có lẽ đâu đâu cũng vậy

Người học, học cho hết sách, hay là thế thế mà thôi

Người có cô, sao cháu không cô?

Nắng phơi nước mắt dễ hầu khô!

Xác xơ lông cánh con chim Việt

Nung nấu buồng gan cái ngựa Hồ

Phận gái lênh đênh nông bể ái

Nỗi nhà báo đáp chất sông Tô

Từ đây trăm sự ơn nhờ bác

Người có cô, sao cháu không cô?

Ông này mê gái, thực là mê,

Thím khách già kia cũng gớm ghê.

Mới hỏi ra chừng chê bạc ít,

Gần cheo toan sự trả cau về.

Mấy kỳ văn khó sao làm được?

Một sợi tơ hồng chẳng biết vê…

Lo việc ai bằng ông bạn Bát,

Cũng còn nhăn nhó sự nhiêu khê.

Tôi thấy người ta có bảo rằng:

Bảo rằng thằng Cuội ở cung trăng!

Chứa ai chả chứa, chứa thằng Cuội,

Tôi gớm gan cho cái chị Hằng.

Bỗng thấy chiêm bao thấy những người

Thấy người nói nói lại cười cười

Tỉnh ra lại tiếc người trong mộng

Mộng thế thì bằng tỉnh mấy mươi

Nằm nghe tiếng trống, trống canh ba

Vừa giấc chiêm bao chợt tỉnh ra

Thiên hạ dễ thường đang ngủ cả

Việc gì mà thức một mình ta?

Phong lưu nhất ai bằng chú Mán

Trong anh em chúng bạn kém thua xa

Buổi loạn ly bốn bể không nhà

Răng chẳng nhuộm, vợ chẳng lấy, lụa là chẳng mặc

Mán chỉ làm đủ tiền tiêu vặt

Khi cao lâu, khi cà phê, khi nước đá, khi thuốc lá, khi đủng đỉnh ngồi xe

Sự đời Mán chẳng buồn nghe

Nào có nghĩa gì cái chữ nho

Ông nghè ông cống cũng nằm co

Chi bằng đi học làm thầy phán

Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò

Một trà một rượu một đàn bà

Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.

Chừa được cái gì hay cái đấy,

Có chăng chừa rượu với chừa trà!

Ai đấy ai ơi khéo hợm mình!

Giàu thì ai trọng, khó ai khinh ?

Thằng Ngô mất gánh, say câu chuyện

Chú lái nghiêng thoi mắc giọng tình

Có khéo có khôn thì có của,

Càng già càng trẻ lại càng xinh.

Xuống chân lên mặt ta đây nhỉ ?

Chẳng biết rằng dơ dáng dại hình!

Chỉ trách người sao chẳng trách mình ?

Mình trung đâu đấy, trách người trinh ?

Áo dầy cơm nặng bao nhiêu đứa ?

Chiếu cạnh giường bên, mấy hột tình ?

Tơ tóc nỗi riêng thì xét nét

Giang sơn nghĩa cả nỡ mần thinh!

Cổ cong mặt lệnh, người đâu thế ?

Cái cóc bôi vôi khéo dại hình!

Rứt cái mề đay ném xuống sông

Thôi thôi tôi cũng “mét xì” ông!

Âu đành chùa đó, âu đành phật

Cũng chẳng con chi, cũng chẳng chồng.

Chớ thấy câu kinh mà mặc kệ

Ai ngờ chữ “sắc” hoá ra “không”!

Tôi đây cũng muốn như cô nhỉ

Cái nợ trầu duyên rũ chửa xong.

Kìa cái đêm nay mới gọi đêm!

Mắt giương, trong bụng ngủ không thèm

Tình này ai tỏ cho ta nhỉ?

Tâm sự năm canh một ngọn đèn

Dạo này đá chảy với vàng trôi

Thiên hạ mong mưa đứng lại ngồi

Ngày trước biết gì, ăn với ngủ

Bây giờ lo cả nước cùng nôi

Trâu mừng ruộng nẻ cày không được

Tình cảnh nhà ai nông nỗi ấy

Quạt mo phe phẩy một mình tôi

Bực chẳng nhẽ anh hùng khi vị ngộ,

Như lúc đen chơi cuộc tổ tôm,

Bài trạm thành cuối cánh phỗng ầm ầm,

Ngồi thôi chẳng bốc quân rác rảnh.

Cũng có lúc không chi thì bát sách,

Cũng có khi bạch định bốc yêu hồng;

Cất bài lên ông lão vẫn lẩn vòng,

Không đâu cả gặp kề năm bảy phỗng.

Cũng có ván tôm lèo lên chờ rộng,

Vớ phải thằng bạch thủ phỗng tay trên.

Gớm ghê thay đen thực là đen!

Sắc như mác cũng thua thằng vận đỏ.

May mắn nhẽ hữu duyên năng tái ngộ,

Bĩ cực rồi đến độ thái lai;

Tiếng tam khôi chi để nhường ai,

Hết bạch lại hồng, thông mãi mãi.

Nào những kẻ tay trên ban nãy,

Đến bây giờ thay thẩy dưới tay ta;

Tiếng bài cao lừng lẫy khắp gần xa,

Bát vạn ấy người ta ai dám đọ.

Thế mới biết tổ tôm có đen thì có đỏ.

Thì anh hùng vị ngộ có lo chi;

Trước sau, sau trước làm gì?

Hỏi lão đâu ta ? Lão ở Liêm

Trông ra bóng dáng đã hom hem.

Lắng tai, non nước nghe chừng nặng

Chớp mắt trăng hoa, giả cách nhèm

Cũng đã sư mô cùng đứa trẻ

Lại còn tấp tểnh với đàn em.

Xuân thu ướm hỏi đà bao tá ?

Cái miếng phong tình vẫn chửa khem.

Vui chẳng riêng ai, ốm một mình

Hỏi ai, ai cũng chỉ mần thinh

Vừa đồng bạc lớn ông Lang Xán

Lại mấy hào con chú Ích Sinh

Hỏi vợ, vợ còn đi chạy gạo

Gọi con, con mải đứng chơi đình

Muốn mù trời chẳng cho mù nhỉ

Gương mắt trông chi buổi bạc tình

Thọ kia mày có biết hay chăng?

Con vợ mày kia, xiết nói năng!

Vợ đẹp, của người không giữ được,

Chồng ngu, mượn đứa để chơi nhăng.

Ra đường đáng giá người trinh thục

Trong dạ sao mà những gió trăng?

Mới biết hồng nhan là thế thế.

Trăm năm trăm tuổi lại trăm thằng!

Ông trông lên bảng thấy tên ông

Ông nốc rượu vào, ông nói ngông

Trên bảng, năm hai thầy cử đội

Bốn kỳ, mười bảy cái ưu thông

Xướng danh tên gọi trên mình tượng

Ăn yến xem ra có thịt công

Lăm le xui bố cưới làm chồng!

Bố ở một nơi, con một nơi

Bấm tay tháng nữa hết năm rồi

Văn trường ngoại hạn quan không chấm

Nhà cửa giao canh nợ phải bồi

Tin bạn hoá ra người thất thổ

Vì ai nên nỗi quyển đâm vôi

Ba mươi mốt tuổi đà bao chốc

Lặn suối trèo non đã mấy hồi

Hỏi lão đâu ta? Lão ở Liêm!

Trông ra bóng dáng đã hom hem

Lắng tai non nước nghe chừng nặng

Chớp mắt trăng hoa giả cách nhèm

Cũng đã sư mô cùng lũ trẻ

Lại còn tấp tểnh với đàn em

Xuân thu ướm hỏi đà bao tá?

Cái miếng phong tình vẫn chửa khem

Một đàn thằng hỏng đứng mà trông,

Nó đỗ khoa này có sướng không !

Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt,

Dưới sân, ông cử ngỏng đầu rồng.

Yêu nhau chẳng lấy được nhau nào

Mình nghĩ làm sao, tớ nghĩ sao?

Trai gái bởi tay bà mụ nặn

Vợ chồng nguyên mối chị Hằng trao

Xa nhau ngán nỗi lòng thương nhớ

Gần lại càng thêm dạ khát khao

Bến Vị non Nùng xa cách mấy

Mà không buộc chặt sợi tơ đào?

Quả núi Châu Phong mới bắc cầu

Thương anh về trước, chị về sau!

Tên đề bảng phấn ai không tiếc

Tiếng khóc non xanh vượn cũng sầu

Có mẹ tưởng là vui gượng lại

Không chồng hồ dễ sống chi lâu!

Bắc thang lên hỏi ông cầm sổ

Thăm thẳm mù xanh ngắt một màu

Ai về nhắn bảo việc này cho:

Nhắn bảo ai rằng việc nhỡ to!

Chép miệng, bà nuôi to cái dại,

Phờ râu, ông rể ẵm con so!

Cắm sào sâu quá nên thêm khổ,

Néo chặt dây vào hoá phải lo.

Vẫn biết sống lâu nhiều sự lạ

Tử qui thắt lại một “con cò”.

Trần Tế Xương sinh ra vào ngày 5/9/1870 (tức 10/8 ÂL) tại số nhà 247 phố Hàng Nâu thành phố Nam Định với tên húy là Trần Duy Uyên. Ông thuộc dòng dõi nho gia, vốn là họ Phạm, đổi thành họ Trần là bởi vào đời Nhà Trần lập công lớn được phong quốc tính (vua cho đổi theo họ nhà vua). Ông nội Trần Tế Xương tên là Trần Duy Năng. Thân sinh của Trần Tế Xương là cụ Trần Duy Nhuận cũng là một nhà nho, thi nhiều khoa không đậu, sau làm Tự thừa ở dinh đốc học Nam Định, sinh được 9 người con, 6 trai, 3 gái, Tú Xương là con trưởng.

Xem thêm:  Thơ Hồ Chí Minh - Những bài thơ hay nhất của bác Hồ kính yêu

Ông đi học sớm và cũng sớm nổi tiếng thông minh. Hồi mới lên 10 tuổi, nhà có khách đến chơi, thấy trước nhà có một dãy chậu hoa, khách bèn ra cho bé Uyên một câu đối: “Đình tiền ngũ sắc hoa” (trước sân có hoa năm sắc), Uyên liền chỉ vào lồng chim khướu treo ở hiên và đối: “Lung trung bách thanh điểu” (trong lồng có chim trăm tiếng). Khách nghe đối tấm tắc khen nhưng lại thở dài “đời thằng bé lại lẩn quẩn như chim nhốt trong lồng”. Ông học chữ Hán cụ kép làng Thành Thị, tên là Trần Chấn Thái, ngồi bảo học ở Thành Nam.

Cuộc đời ngắn ngủi có 37 năm của ông đã nằm gọn trong một giai đoạn bi thương nhất của đất nước. Trước lúc ông ra đời 3 năm thì 6 tỉnh nam kỳ mất trọn cho Pháp. Tú Xương lên 3 thì Bắc Kỳ trong đó có Nam Định bị tấn công lần thứ nhất. Tú Xương 12 tuổi, Bắc Kỳ, Nam Định bị tấn công lần thứ 2 và mất nốt. Hiệp ước Harmand 1883 rồi hiệp ước Patenôtre 1884 thừa nhận quyền thống trị của Pháp trên đất Việt Nam. các phong trào kháng chiến chống Pháp diễn ra sôi nổi nhưng lần lượt thất bại. Tú Xương sinh ra và lớn lên trong bối cảnh lịch sử đó.

Tú Xương lấy vợ năm 16 tuổi, vợ ông là bà Phạm Thị Mẫn.
Ông đi thi từ lúc 17 tuổi, đó là khoa Bính Tuất (1886). Các tài liệu khác chép nhầm là khoa Ất Dậu (1885).

Tình hình văn bản tác phẩm của Tú Xương hết sức phức tạp. Không có di cảo. Không có những công trình đáng tin cậy tập hợp tác phẩm khi tác giả còn sống hoặc vừa nằm xuống. Sinh thời, nhà thơ sáng tác dường như chỉ để tiêu sầu hoặc mua vui, thơ làm đọc lên cho vợ con, bạn bè nghe, rồi tùy ý truyền khẩu. Thành Nam thuở ấy còn có nhiều người hay thơ và thơ hay, cùng nỗi niềm và khuynh hướng với Tú Xương như Trần Tích Phiên, Phạm Ứng Thuần, Trần Tử Chi, Vũ Công Tự… Thơ họ cũng được phổ biến không ít. Lại 3 năm một lần thi hương, sĩ tử cả Bắc Kỳ tụ hội về đây, thơ hay được lan truyền càng rộng rãi. Vì thế thơ Tú Xương càng dễ bị lẫn lộn.

Lúc đầu chỉ là các bài sưu tầm đăng giải rắc trên tạp chí Nam Phong (các năm 1918, 1919, 1920, 1926). Tiếp đến sách “Văn đàn bảo gián (quyển 3)” của Trần Trung Viên, Nam Ký thư quán Hà Nội 1926, giới thiệu 79 tác phẩm, trong đó phần lớn đã được đăng ở Nam Phong. Từ đó,lần lượt xuất hiện những sách chuyên đề về Tú Xương. Có hai văn bản chữ Nôm hiện còn lưu giữ ở thư viện Hán – Nôm đó là Vị thành giai cú tập biên (ký hiệu AB.194) ghi rõ “Nam Định Vị Xuyên tú tài Phượng Tường Trần Cao Xương Tử Thịnh trước tập” và Quốc văn tùy ký (ký hiệu AB.383). Có 10 lần xuất bản bằng chữ quốc ngữ với những văn bản sau:

(1) Vị Xuyên thi văn tập của Sở Cuồng (tức Lê Dư), Nam Kỳ thư quán (1931 – sau có tái bản), giới thiệu 174 tác phẩm gồm thơ, phú, câu đối. Mà sau này các sách khác thừa hưởng kết quả. Nhưng chép nhầm tên ông là Trần Kế Xương.

(2) Trông dòng sông Vị (Văn chương và thân thế Trần Tế Xương) của Trần Thanh Mại, Trần Thanh Địch (1935 – lần thứ nhất) ở Huế, sau tái bản nhiều lần.

(3) Tú Xương thi tập do nhà sách Phúc Chí – 95 Hàng Bồ, Hà Nội (1950) – giới thiệu 75 bài thơ phú.

(4) Thân thế và thơ văn Tú Xương của Vũ Đăng Văn – nhà xuất bản Cây Thông, Hà Nội (1951). Đính chính tên nhà thơ là Trần Tế Xương (không phải Kế) và giới thiệu 181 tác phẩm.

Những sách này là từ trước 1954, sưu tầm thơ Tú Xương còn hết sức tùy tiện và hầu như không có chú giải cần thiết. Việc khảo cứu về nhà thơ cũng chưa được đặt ra, nếu không kể đến cuốn Trông dòng sông Vị.

(5) Văn thơ Trần Tế Xương – nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội (1957). Giới thiệu chính thức 125 bài và đưa 55 bài vào phần tồn nghi.

(6) Đấu tranh chống hai quan niệm sai lầm về Tú Xương – nhà xuất bản Nghiên cứu cục xuất bản, Bộ văn hóa Hà Nội (1957) của Trần Thanh Mại nhân dịp lần thứ 50 ngày giỗ Tú Xương.

(7) Tú Xương con người và nhà thơ của Trần Thanh Mại, Trần Tuấn Lộ – nhà xuất bản Văn hóa (1961). Giới thiệu 193 bài chính thức, 17 bài tồn nghi.

(8) Thơ Trần Tế Xương – Ty văn hóa Nam Hà (1970). Bài tiểu luận của Xuân Diệu in lần đầu tiên ở đây, có nhiều phát hiện lý thú. Còn tác phẩm chỉ tuyển chọn chẵn 100 bài, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ.

(9) Thơ văn Trần Tế Xương – nhà xuất bản Văn học (1970) – có sự tham gia của Nguyễn Công Hoan chọn 151 tác phẩm và 22 bài tồn nghi.

(10) Thơ văn Trần Tế Xương – nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội (1984). Cuốn này sao gần như hoàn toàn cuốn .

Chỉ có cuốn Tú Xương tác phẩm giai thoại của nhóm Nguyễn Văn Huyền (chủ biên), Đỗ Huy Vinh, Mai Anh Tuấn và người giới thiệu – giáo sư Nguyễn Đình Chú – Hội văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh (1986) là một công trình nghiên cứu kỹ lưỡng và công phu. Loại ra các tác phẩm không phải của tác giả, so sánh, đối chiếu các bản đã in ở những lần xuất bản trước, chọn ra 134 bài là của Tú Xương và loại ra 68 bài (có chú dẫn nguyên nhân loại ra cho từng bài một). Bài viết này lấy tư liệu chủ yếu ở cuốn sách đó.

Sau này nhất là thời mở cửa việc xuất bản tràn lan không được kiểm định kỹ đã lấy tư liệu ở các nguồn khác nhau kể trên, điều đó cũng giải thích tại sao các blog lại đưa ra các tư liệu khác nhau về Tú Xương.

Mộ Trần Tế Xương tại thành phố Nam Định (gần tượng đài Trần Quốc Tuấn)

Nói đến tài làm thơ của Tú Xương, nhiều người đã đặc biệt chú ý đến sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình, trong đó trữ tình là gốc. Với Tú Xương, vẫn chưa thấy chắc chắn có bài thơ chữ Hán nào, chỉ thấy thơ Nôm viết bằng các thể loại cổ điển: thơ luật Đường – thất ngôn bát cú, tứ tuyệt; phú; văn tế; câu đối; hát nói; lục bát. Ở thể loại nào Tú Xương cũng tỏ ra là một nghệ sĩ bậc thầy.

Nguyễn Công Hoan suy tôn Tú Xương là bậc thần thơ thánh chữ.

Xuân Diệu xếp hạng Tú Xương thứ 5 sau Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và Đoàn Thị Điểm.

Tản Đà khi còn sống “trong những thi sĩ tiền bối, phục nhất Tú Xương” (Xuân Diệu kể vậy). Tản Đà tự nhận trong đời thơ của mình mới địch nổi Tú Xương một lần thôi bằng chữ “vèo” trong bài thơ Cảm thu, Tiễn thu của ông: Vèo trông lá rụng đầy sân. Nguyễn Công Hoan cũng kể vậy.

Nguyễn Tuân biểu dương Tú Xương là: một người thơ, một nhà thơ vốn nhiều công đức trong cuộc trường kỳ xây dựng tiếng nói văn học của dân tộc Việt Nam.

Với Tú Xương, còn là hiện tượng hiếm trong lịch sử tác gia Việt Nam: Tú Xương có “môn phái”, “môn đệ”. Tên của ông là Trần Tế Xương, có lúc đổi thành Trần Cao Xương, nhưng đây là chữ xương với nghĩa “thịnh vượng” (còn có nghĩa là đẹp, thẳng). Sách xưa có chữ “Đức giả xương” (người có đức, thịnh vậy), không phải là xương theo nghĩa “xương thịt”. Nhưng người đời sau, mấy vị chuyên làm thơ trào phúng đã cố tình đùa nghịch và “xuyên tạc”, gắn cho cái nghĩa xương thịt, để rồi tự nguyện suy tôn Tú Xương (thịt) lên bậc tổ sư, còn mình là môn đệ. Và như thế là lịch sử văn học Việt Nam ở thế kỷ 20 bỗng nhiên có một “môn phái” gồm Tú Xương, rồi Tú Mỡ, Tú Sụn, Cử Nạc và thêm “chi phái”: Tú Poanh, Đồ Phồn cũng là dòng tú, cử, đồ với nhau cả. Vinh dự thay cho vị tổ sư Tú Xương!

Bức tranh hiện thực trong thơ Tú Xương là một bức tranh xám xịt. Cảm hứng trong thơ Tú Xương hầu như không hướng nhiều về phía phản ánh những cái tốt lành. Thi sĩ Tú Xương biết buồn đau trước vận nước vận dân. Với giọng văn châm biếm sâu cay, thơ văn của ông đã đả kích thực dân phong kiến, quan lại, những người bán rẻ lương tâm chạy theo tiền bạc, những kẻ rởm đời lố lăng trong buổi giao thời.

Trên đây là những thông tin về nhà thơ Tú Xương do dean2020.edu.vn đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin hơn về nhà thơ bạn nhé!

  • Với Tú Xương thơ không cần gấm hoa, son phấn

  • Với Tú Xương thơ không cần gấm hoa, son phấn

  • Với Tú Xương thơ không cần gấm hoa, son phấn

  • Với Tú Xương thơ không cần gấm hoa, son phấn

  • Với Tú Xương thơ không cần gấm hoa, son phấn

  • Với Tú Xương thơ không cần gấm hoa, son phấn

  • Với Tú Xương thơ không cần gấm hoa, son phấn

  • Với Tú Xương thơ không cần gấm hoa, son phấn

  • Với Tú Xương thơ không cần gấm hoa, son phấn

Với Tú Xương thơ không cần gấm hoa, son phấn