Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch

(HBĐT) - Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, tỉnh tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó việc đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất được quan tâm, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch

Người dân bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) tham gia tập huấn làm du lịch cộng đồng.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh có 72 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch còn hiệu lực, chiếm 12,2% tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 20 nghìn tỷ đồng. Tính từ thời điểm ban hành Nghị quyết số 10, ngày 30/12/2016 của BTV Tỉnh ủy về phát triển du lịch đã thu hút được 40 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 15 nghìn tỷ đồng. Hiện, toàn tỉnh có 434 cơ sở lưu trú được thẩm định, trong đó được xếp hạng công nhận: 6 khách sạn 3 sao, 25 khách sạn 2 sao, 8 khách sạn 1 sao, 238 nhà nghỉ, 157 homestay du lịch cộng đồng với trên 4.000 phòng; có 9 điểm du lịch địa phương và 1 khu du lịch cấp tỉnh; 12 đơn vị vận tải hành khách du lịch đường bộ với tổng số 29 đầu xe từ 29 chỗ trở lên; 13 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành. Khu du lịch hồ Hòa Bình có khoảng trên 300 tàu thuyền hoạt động vận chuyển khách du lịch. Khu du lịch huyện Mai Châu và huyện Lạc Thủy có khoảng 105 xe điện hoạt động đưa đón khách du lịch. Ngành du lịch của tỉnh tạo việc làm cho trên 14.000 lao động, trong đó có trên 4.000 lao động trực tiếp.

Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, các bến, bãi đỗ xe, điểm dừng nghỉ cho khách du lịch trên các tuyến quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh, đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình; xây dựng các bến cảng thủy nội địa vùng hồ Hòa Bình và các tuyến đường thủy trên địa bàn tỉnh với các tỉnh trong khu vực. Hiện tại, đã hoàn thành và đưa tuyến đường Hòa Lạc – TP Hòa Bình đi vào hoạt động; đang triển khai dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng tại khu vực cảng Ba cấp; nâng cấp tuyến đường lên cảng Ba cấp, mở rộng nâng cấp đường tỉnh 435 đi qua các xã Bình Thanh, Thung Nai (Cao Phong) và xã Suối Hoa (Tân Lạc) với chiều dài 24,8 km. Đây là nền tảng vững chắc, yếu tố thuận lợi "kéo” khách du lịch về Hòa Bình gần hơn, dễ dàng hơn.

Cùng với đó, tỉnh từng bước chú trọng thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tham gia. Khuyến khích các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, tâm linh, thể thao…, đã thu hút một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Hòa Bình lập dự án đầu tư phát triển du lịch như: Dự án cáp treo và khu phức hợp vui chơi giải trí sân golf tại TP Hòa Bình; khu du lịch nghỉ dưỡng Mai Đà resort và dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Hiền Lương tại huyện Đà Bắc; khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình và khu du lịch sinh thái hồ Gươm sông Đà tại huyện Tân Lạc; khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Hoàng Sơn tại huyện Lạc Sơn… Tỉnh hiện tập trung ưu tiên một số tập đoàn lớn như Sun Group, Tân Hoàng Minh, FLC đang nghiên cứu, khảo sát lập các dự án quy mô lớn, chất lượng cao tại khu du lịch hồ Hòa Bình và huyện Kim Bôi, Lạc Sơn theo quy hoạch…

Bên cạnh đó, tỉnh đã hỗ trợ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp du lịch; xử lý nghiêm các hành vi gian lận, cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh và đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch. Nhiều người dân được tham gia kinh doanh hoạt động du lịch, được Nhà nước hỗ trợ về đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch tại các xóm có điểm du lịch cộng đồng, từ đó dần tạo nên bức tranh du lịch cộng đồng sinh động, thêm hoàn thiện, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Khuyến khích một số doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống trung tâm thương mại, dịch vụ lớn tại TP Hòa Bình và các địa phương; thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức các phiên chợ quê, chợ đêm bán và giới thiệu các mặt hàng nông sản sạch, đặc sản của địa phương phục vụ khách du lịch.

V.H

15:19, 14/07/2021

Từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, tỉnh Bắc Kạn đã và đang triển khai các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất nhằm phát huy tài nguyên du lịch.

Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch

Tỉnh Bắc Kạn kêu gọi đầu tư vào Khu du lịch Ba Bể.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Bắc Kạn đã đầu tư thực hiện các dự án: Cải tạo sửa chữa đường tỉnh ĐT258 (Km42 - Km48+200); cải tạo, nâng cấp đường 258 đoạn qua Vườn Quốc gia Ba Bể (Km51+200 - Km54+500); xây dựng hạ tầng giao thông khu vực xung quanh hồ Ba Bể; xây dựng tuyến đường Quảng Khê - Khang Ninh, huyện Ba Bể; dự án Trung tâm đón tiếp Buốc Lốm - Khang Ninh; dự án xây dựng bến thuyền, nhà chờ điểm đón khách du lịch Tà Kèn... Đồng thời đã đề xuất dự án xây dựng tuyến QL3 mới đoạn Chợ Mới - thành phố Bắc Kạn; dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể... để từng bước phát triển, phục vụ hạ tầng du lịch trọng điểm hồ Ba Bể. 

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 2.000 nhà hàng ăn uống; hơn 200 cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí; 225 cơ sở lưu trú du lịch (gồm 25 khách sạn: 17 khách sạn không xếp hạng sao, 05 khách sạn 1 sao, 01 khách sạn 2 sao, 02 khách sạn 3 sao; 200 nhà nghỉ du lịch và nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê với 2.173 phòng, buồng và 3.673 giường). Riêng Khu du lịch Ba Bể có 79 cơ sở lưu trú du lịch; 173 xuồng vận chuyển khách tham quan đã được đăng kiểm theo quy định; 102 nhà hàng phục vụ ăn uống; 17 cơ sở dịch vụ vơi chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe; hơn 60 điểm bán hàng dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Tuy nhiên, so với tiềm năng sẵn có, cơ sở hạ tầng cũng như các cơ sở lưu trú trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và tại Khu du lịch Ba Bể nói riêng chủ yếu là quy mô nhỏ, trang thiết bị cũ, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước, cũng như chưa bắt kịp với xu thế phát triển.

Vì vậy, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bắc Kạn xác định ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức lập quy hoạch xây dựng các khu du lịch trọng điểm của tỉnh làm cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư phát triển du lịch. Bố trí nguồn vốn đầu tư phù hợp để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc thực sự trở thành động lực và nền tảng bền vững phục vụ cho xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật, dịch vụ du lịch.

Hiện tỉnh đang tập trung thực hiện các giải pháp để sớm triển khai các dự án giao thông như: Đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể; quốc lộ 3 mới đoạn Chợ Mới - thành phố Bắc Kạn; đường Khang Ninh - Quảng Khê; đường xung quanh hồ Ba Bể, giao thông kết nối giữa các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh... Cùng với đó, bố trí nguồn vốn để đầu tư hạ tầng du lịch Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc và các địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, tạo thành mạng lưới đến các điểm, khu du lịch tiềm năng của tỉnh, trọng tâm là du lịch hồ Ba Bể.

Đồng chí Đinh Quang Tuyên- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh Bắc Kạn đang tích cực kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất du lịch chất lượng cao tại các khu, điểm du lịch trọng tâm của tỉnh như: Khu du lịch Ba Bể; khu sinh thái, nghỉ dưỡng Đồn Đèn; khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Nặm Cắt; khu du lịch sinh thái, nông thôn gắn với lịch sử ATK Chợ Đồn; khu di tích lịch sử Phja Khao; thác Nà Khoang; hồ Bản Chang...

Cùng với đó, tỉnh cũng đầu tư kinh phí và nhân lực để xây dựng thương hiệu cho các tài nguyên du lịch chủ yếu như: Lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới Ba Bể - Na Hang; rà soát, lập mới đề nghị công nhận thêm các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh; đề nghị thêm các di sản văn hóa phi vật thể vào danh mục quốc gia. Đổi mới, hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch, số hóa các thông tin, tài liệu về điểm đến hướng tới hình thành và phát triển hệ thống du lịch thông minh…/.

Bích Ngọc

Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch
Công ty Ảnh Việt Hop on Hopoff VN đã ứng dụng thành công nhiều giải pháp công nghệ hiện đại vào phục vụ tuyến xe buýt vòng quanh Thành phố Hồ Chí Minh đạt 10/10 tiêu chí an toàn. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều địa phương trọng điểm về du lịch ưu tiên triển khai các giải pháp tăng cường thu hút đầu tư hạ tầng, đa dạng sản phẩm nhằm từng bước tạo sự phát triển bền vững cho ngành kinh tế tổng hợp này.

Thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, với sự chỉ đạo quyết liệt của thành ủy, ủy ban nhân dân thành phố, nhiều giải pháp phù hợp đã được triển khai nhằm phát triển du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vị trí của ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng khẳng định trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.

Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 đã xây dựng nhiều chương trình hành động, đề án thực hiện ba chương trình đột phá và một chương trình trọng điểm phát triển thành phố; trong đó, tiếp tục định hướng, xác định vai trò quan trọng của ngành Du lịch trong sự phát triển của thành phố.

Đây là tiền đề, “công cụ” quan trọng để thành phố xây dựng, triển khai đồng bộ các giải pháp căn cơ và cụ thể trong thu hút đầu tư, phát triển ngành Du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

Bên cạnh đó, ngày 19/10/2021, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết về phê duyệt Danh mục lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ưu tiên phát triển của thành phố giai đoạn 2021-2025 thuộc đối tượng ưu tiên đầu tư trực tiếp và cho vay của Công ty đầu tư tài chính nhà nước thành phố. Thành phố tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển đối với lĩnh vực du lịch.

Về hoàn thiện hạ tầng giao thông liên quan đến lĩnh vực du lịch, thông tin từ Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ riêng đối với giao thông đường bộ, nhiều dự án đã triển khai và phát huy hiệu quả như dự án ô tô điện phục vụ du lịch, các dự án điểm dừng chân trên địa bàn.

[Du lịch Tết Nguyên đán Nhâm Dần: Trải nghiệm an toàn, đậm đà sắc Xuân]

Thành phố đang tổ chức thí điểm dịch vụ vận chuyển du lịch bằng xe ôtô 2 tầng, thoáng nóc trên địa bàn thành phố, với tên gọi tuyến xe du lịch vòng khu vực trung tâm thành phố (Hop on-Hop off).

Đơn vị chức năng nghiên cứu, khảo sát một số tuyến đường để bố trí các trạm dừng chân nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục vụ khách tham quan; đầu tư cải tạo, nâng cấp hàng trăm km đường, hẻm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

Đặc biệt, dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài (Tây Ninh) đang trong quá trình triển khai, dự kiến hoàn thành trong 5 năm tới sẽ giải quyết bài toán giao thông cho tỉnh Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó góp phần tháo gỡ tình trạng “thắt nút” trong giao thông cho vùng Đông Nam bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, du lịch toàn vùng.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Kiên Giang là một trong những địa phương có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng. Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thực sự là “đòn bẩy” giúp địa phương khai thác các lợi thế tài nguyên, phân bổ nguồn lực thích hợp, thu hút đầu tư để ngành du lịch là ngành kinh tế chủ đạo của tỉnh.

Kiên Giang huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông từ đường bộ, đường thủy, đường biển; tranh thủ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2016-2020.

Tỉnh bổ sung một số dự án hạ tầng du lịch và triển khai các tiểu dự án thuộc Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng.

Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư lớn đầu tư tại thành phố Phú Quốc. Do đó, tỉnh tập trung đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông trên đảo Phú Quốc.

Đến nay, hệ thống giao thông trên đảo được nhựa hóa, bê tông hóa. Nhiều công trình lớn đã đưa vào sử dụng như cảng biển quốc tế An Thới, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Dự án điện cáp ngầm 110KV xuyên biển Hà Tiên-Phú Quốc, Dự án Cảng tàu biển hành khách quốc tế, Nhà máy xử lý rác thải, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi phát triển du lịch.

Đa dạng sản phẩm du lịch

Nhằm đa dạng sản phẩm du lịch, tăng sức hấp dẫn với du khách, các địa phương quan tâm khai thác sản phẩm thuộc các loại hình du lịch có thế mạnh đặc thù.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh việc khai thác sản phẩm du lịch hiện có, thành phố tập trung phát triển thêm sản phẩm du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch ẩm thực, du lịch mua sắm, du lịch nông nghiệp sinh thái và đường thủy, du lịch hội nghị-hội thảo (MICE), du lịch y tế…

Đối với loại hình du lịch văn hóa-lịch sử, đơn vị chức năng khảo sát, đánh giá các chương trình nghệ thuật phục vụ du khách để xây dựng, triển khai kế hoạch thúc đẩy phát triển du lịch di sản, văn hóa; xây dựng, phối hợp tổ chức một số chương trình du lịch đặc thù gắn với di sản văn hóa trên địa bàn...

Với loại hình du lịch ẩm thực và mua sắm, thành phố tập trung khai thác tại các làng du lịch, khu du lịch, trang trại tham quan kết hợp như tham quan và kết hợp tìm hiểu ẩm thực, trải nghiệm “Một ngày làm đầu bếp,” xây dựng phố ẩm thực tại các Quận 1, 5, 6...

Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch
Du khách quốc tế khám phá không gian du lịch Đảo Ngọc Phú Quốc. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tại Kiên Giang, địa phương này đã ban hành và thực hiện Đề án Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tỉnh triển khai đầu tư và kêu gọi đầu tư vào các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển - đảo, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, văn hóa, lịch sử, du lịch tâm linh… tại địa bàn trọng điểm.

Ngành Du lịch Kiên Giang tập trung kêu gọi đầu tư và phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại Vườn Quốc gia Phú Quốc và Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Doanh nghiệp lữ hành xây dựng và thực hiện tour du lịch kết nối vùng du lịch trọng điểm của địa phương với các tỉnh, thành trong nước và ngoài nước.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, đến nay, trên địa bàn, nhiều dự án lớn đã triển khai, góp phần đa dạng điểm đến, sản phẩm du lịch, trong đó có các dự án ở thành phố Phú Quốc như Vinpearl Phú Quốc, Vườn thú Safari Phú Quốc, Khu Du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Bãi Khem, dự án cáp treo và quần thể vui chơi giải trí biển Hòn Thơm Phú Quốc, sân Golf Phú Quốc...

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục phát huy lợi thế của địa phương có nhiều tài nguyên du lịch gắn với vùng đất Đông Nam Bộ, đặc biệt là hệ sinh thái biển và ven biển đa dạng. Tỉnh thực hiện nhất quán quan điểm phát triển nhanh ngành Du lịch theo hướng bền vững, chất lượng cao, đưa du lịch là một trong bốn trụ cột kinh tế quan trọng của địa phương.

Theo lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, địa phương đặc biệt coi trọng phát triển sản phẩm du lịch gắn với xây dựng, củng cố thương hiệu du lịch. Tỉnh thực hiện đa dạng hóa các loại hình du lịch trải nghiệm, kêu gọi đầu tư cảng tàu khách du lịch quốc tế, phát triển sản phẩm du lịch cao cấp thuộc các loại hình gồm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử-tâm linh, du lịch vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, du lịch sức khỏe, du lịch thể thao.

Đề xuất tháo gỡ khó khăn

Bên cạnh kết quả đạt được, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở các địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Từ thực tế đó, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã có những kiến nghị, đề xuất nhằm phát triển bền vững ngành “công nghiệp không khói.”

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, việc đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương đã có tác dụng quan trọng, hiệu quả trong quá trình thực hiện cải cách hành chính, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Chính phủ và phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tinh gọn bộ máy hành chính.

Do đó Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ tiếp tục phân cấp, ủy quyền cho thành phố tiếp tục áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù trong thu hút đầu tư phát triển du lịch chất lượng cao trên địa bàn.

Ngoài ra, thành phố kiến nghị hỗ trợ địa phương nguồn kinh phí trong Chương trình hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch để xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch tại địa bàn trọng điểm du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng lân cận.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Chính phủ cụ thể hóa những chính sách ưu đãi phát triển du lịch tại Luật Du lịch năm 2017 theo quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho rằng chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch chưa đủ sức thu hút, nhất là các khu vực điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

Các chính sách đặc thù cho du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp chưa rõ ràng; chính sách đào tạo nguồn nhân lực, chính sách thuế, đất đai, xuất nhập cảnh từng lúc, từng nơi khó tiếp cận, thủ tục còn phức tạp; khả năng tiếp cận chủ trương, chính sách về hỗ trợ đầu tư của doanh nghiệp hoạt động du lịch chưa cao, do còn gặp rào cản về quy trình, thủ tục (do vận dụng chính sách từ ngành khác).

Do đó, trong Luật Đất đai nên có quy định riêng về đất sử dụng cho du lịch. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Xây dựng, khu du lịch được coi là phân khu chức năng đặc thù giống như khu kinh tế, khu công nghiệp nên cần có chế độ quản lý, sử dụng đất đai riêng cho phù hợp với nét đặc thù.

Tỉnh Kiên Giang kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực du lịch (du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, xây dựng sản phẩm du lịch ban đêm…) để đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút đầu tư, phát triển du lịch trên địa bàn./.

Thanh Trà (TTXVN/Vietnam+)