Cô gái xương thủy tinh Nguyễn Thị Thu Thương

Tuổi thơ gắn với giường bệnh

Nguyễn Thị Thu Thương sinh năm 1983 tại xã Nam Phong, Phú Xuyên, Hà Nội. Bố Thương là công nhân tại một công ty xây dựng tại Hà Nội, mẹ Thương làm nông nghiệp thuần túy kiêm thợ may. Cái tên Thu Thương được đặt với ý nghĩa tình yêu thương được sinh ra trong một ngày Hà Nội mùa thu đẹp trời. Gia đình, bố mẹ ai cũng rất mong chờ, hạnh phúc chào đón thiên thần nhỏ sinh ra.

Cô gái xương thủy tinh Nguyễn Thị Thu Thương
Thu Thương tại “Diễn đàn truyền cảm hứng phụ nữ khởi nghiệp trong kỷ nguyên 4.0” (Ảnh: Cao Tiến)

Thế nhưng nụ cười chưa kịp nở trên môi, liền vụt tắt khi hình hài của Thương không bình thường: Mắt xanh, đầu to, chân tay teo nhỏ, cong queo, đây chính là dấu hiệu của bệnh xương thuỷ tinh. Trở về nhà, tiếng khóc của cô bé Thương vẫn vang vọng khắp thôn xóm. Mỗi lần thay tã là một lần Thương khóc kéo dài hàng tiếng đồng hồ, do em bị gãy xương chân trong quá trình chào đời. Ba tháng nghe con khóc ròng, mẹ Thương chỉ biết ôm con mà khóc theo.

Cả tuổi thơ của Thương là những chuỗi ngày đau đớn vì liên tục gãy chân, gãy tay. Có khi chỉ là thay bộ đồ, có khi ngã, có khi chị em bạn bè vui đùa va phải... bất cứ va chạm nào cũng có thể khiến Thương đau lắm, phải nằm bất động nhiều tháng. Đến bây giờ cô không không nhớ nổi số lần mình điều trị và thời gian đợi xương liền lại. Thương tâm sự: "Ngày bé mình hay bị gãy xương nhất. Mỗi lần gãy là một lần đau đớn tột cùng. Nhưng tránh sao được khi ở cái tuổi hiếu động ấy". Cũng chính vì thế nên Thương không thể đi học cùng bạn bè, đành ở nhà quanh bốn bức tường buồn bã.

Nhìn bạn bè đồng trang lứa ngày ngày cắp sách tới trường, vui đùa vận động, Thương nhiều lần tủi thân, khóc thầm. Sức khỏe yếu là vậy nhưng vì muốn có kiến thức, muốn biết đọc, biết viết, Thương nhờ người thân, bạn bè giúp việc học. Khó khăn chồng chất, cô gặp nhiều trở ngại khi cầm bút, không thể ngồi nên chỉ luyện tay được một chút thì mỏi rời, cầm sách đọc cũng không được lâu. Sau thời gian dài cố gắng không ngừng nghỉ, Thương cũng đã có thể đọc, viết thông thạo.

Vượt qua nghịch cảnh

Tình cờ xem một chương trình trên tivi nói về những người khuyết tật không từ bỏ hy vọng, Thương nhận thấy cuộc sống cũng có rất nhiều người có số phận kém may mắn như mình, quan trọng là họ vẫn có ý chí vươn lên, kiên trì cố gắng. Thấy vậy, Thương nuôi dưỡng ước mơ được học nghề, có thể làm việc và nuôi sống bản thân bằng chính năng lực của mình. Nghĩ là làm, cô xin bố mẹ cho đến cơ sở học nghề. Ở đó, cô được học nghề thủ công lưu niệm, biết làm đồ dùng thủ công làm bằng tay.

Học được rồi, Thương bắt tay vào làm, sản phẩm đầu tay của cô bán được 27.000 đồng (đó là năm 2004). Cầm trên tay số tiền đầu tiên kiếm được, cô và mẹ ôm nhau khóc òa vì hạnh phúc. Dần dần Thương tập tành nghiên cứu làm đa dạng các sản phẩm như đan khăn len, đèn, túi đan bằng hạt cườm... Dần dần, sản phẩm của cô được nhiều người biết đến và tìm mua, các đơn hàng ngày một nhiều hơn, có nhiều thời điểm hàng làm không kịp để giao cho khách. Công việc thuận lợi, cô bắt đầu dùng mạng xã hội, mở website bán hàng chuyên nghiệp.

Năm 2014, Thương có ý định thành lập trung tâm hỗ trợ, đào tạo và dạy nghề cho người khuyết tật, giúp họ có việc làm. “Nhờ sự giúp đỡ của người thân, bạn bè, tôi đã có thể tự lập và tự chủ cuộc sống của mình. Vì thế tôi cũng muốn lan tỏa điều đó đến các bạn đồng cảnh ngộ khác bằng cách giúp đỡ họ học nghề, có việc làm. Tôi mong muốn họ sẽ vượt qua được nghịch cảnh, có cuộc sống hạnh phúc và sẽ không còn cô đơn, mặc cảm, từ đó tự tin hòa nhập cuộc sống…”, Thương chia sẻ.

Nguyện vọng đó được Thương nhanh chóng thực hiện, tháng 3/2014, Thương khai trương Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm Thương Thương tại Hà Nội. Trung tâm vừa dạy nghề làm tranh giấy cuốn cho các bạn trẻ người khuyết tật, vừa là xưởng sản xuất.

Cô gái xương thủy tinh Nguyễn Thị Thu Thương
Một sản phẩm tranh giấy cuốn của Thu Thương (Ảnh: Cao Tiến)

Ngay khi khai giảng, Trung tâm của Thương đã đón nhận 13 em vào khóa học đầu tiên. Mỗi em mang trong mình một khiếm khuyết hình thể hoặc tâm lý, nhưng tất cả các em, giống như "chị Thương", đều tích cực, cần mẫn tự lao động, để sống, để có một cộng đồng nhỏ, để sẵn sàng hòa nhập vào cộng đồng lớn cuộc đời.

Sau nhiều năm hoạt động, đến nay, Trung tâm vẫn duy trì số lao động là người khuyết tật, các học viên đến từ nhiều vùng quê khác nhau, ở nhiều độ tuổi và không phân biệt hoàn cảnh hay điều kiện. Các em đến trung tâm được hỗ trợ 80% phí ăn ở, học nghề miễn phí. Lương tháng của các em tùy vào sức khỏe và tay nghề.

Để hoạt động của Trung tâm được mở rộng, Thương đã thành lập Công ty Cổ phần Thương mại và sản xuất Thương Thương Handmade ở quận Đống Đa, Hà Nội và một website để tiện bán hàng. Sản phẩm chủ yếu là mặt hàng lưu niệm handmade như tranh, hộp card, hộp cắm bút, hộp trang sức 5 mặt, hộp bàn cờ, các loại tranh phong cảnh trang trí bằng giấy cuốn, tranh chân dung, tranh logo thương hiệu của các công ty.

Thương chia sẻ, do các bạn là người khuyết tật nên sức lao động không thể bằng người khỏe mạnh bình thường. Người khỏe làm một ngày được một sản phẩm nhưng các bạn khuyết tật phải làm một ngày rưỡi, có khi hai hoặc ba ngày mới xong. Để người dùng yêu thích và lựa chọn sản phẩm, Thương đặt mục tiêu cho các em, làm sao chất lượng sản phẩm luôn được đảm bảo. Khách hàng mua sản phẩm vì chất lượng chứ không phải mua để ủng hộ.

“Tôi luôn mong muốn và cố gắng để sản phẩm được nhiều người biết đến, để Trung tâm có thể duy trì, mở rộng, để các học viên luôn có công ăn việc làm, tự kiếm tiềm lo được cho bản thân. Tôi nhận thấy rằng, các bạn làm việc ở trung tâm của tôi tuy khuyết tật nhưng không vì thế mà không làm việc, họ vẫn vươn lên để có cuộc sống tốt hơn, là người có ích cho xã hội. Bản thân tôi cũng là người khuyết tật nên tôi rất hiểu những khó khăn đang mắc phải, tôi sẽ cố gắng đồng hành cùng các em, để Trung tâm luôn là ngôi nhà thứ hai che chở, giúp đỡ được nhiều người khuyết tật hơn nữa”, Thương trải lòng.

Bằng ý chí mạnh mẽ và tấm lòng rộng mở yêu thương, cô gái Nguyễn Thị Thu Thương đã xây dựng được một địa chỉ tin cậy để nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những người khuyết tật tìm đến học hỏi, chia sẻ. Tấm gương về nghị lực của cô gái nhỏ trở thành hình ảnh đẹp được lan tỏa trong cuộc sống, trở thành nhân vật truyền cảm hứng có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng./.

Cao Tiến

Hẹn Nguyễn Thị Thu Thương (giám đốc Công ty cổ phần thương mại và sản xuất hàng thủ công Thương Thương Handmade), dù đã nghe tiếng cô và biết cô bị bệnh xương thủy tinh, nhưng chúng tôi không ngờ vị giám đốc mà chúng tôi gặp lại đang nằm trên xe lăn.

Cô gái xương thủy tinh Nguyễn Thị Thu Thương

Giám đốc Nguyễn Thị Thu Thương - Ảnh: Xuân Long

Chúng tôi đang nỗ lực bán hàng bằng chất lượng thực sự chứ không phải vì lòng thương hại của khách hàng.

Nguyễn Thị Thu Thương

Thương khoe sang 2019, cô sẽ mở xưởng sản xuất thứ hai.

Kỳ tích của Thương

Thương nằm trên xe đẩy - loại dành cho trẻ em - với hình hài như một em bé, bàn tay bé xíu, nhưng gương mặt, giọng nói và mái đầu của người lớn. Cô cũng không ngồi, đứng hay đi được, chỉ hơi trở mình. Nhưng những lúc bị gãy xương thì trở mình cũng không thể được, mà Thương lại rất hay bị gãy xương bởi cô vốn mắc chứng bệnh xương thủy tinh...

Thế mà thật khó tưởng tượng những điều Thương đã làm. Cách đây 15 năm, cô gái 20 tuổi Nguyễn Thị Thu Thương bắt đầu đi học nghề. Cô học đan đèn ngủ bằng nút áo. Tình cờ một cô gái biết Thương trên mạng Internet thấy Thương khéo tay, cô ấy nói mình có cửa hàng bán tranh và đồ handmade sản xuất theo hình thức "xoắn giấy", cô ấy sẽ cung cấp nguyên liệu để Thương sản xuất và bán tại cửa hàng của cô. Đó là bước ngoặt để Thương từ một người không đi, không ngồi được trở thành giám đốc như hôm nay.

"Bạn ấy đã hướng dẫn tôi làm tranh và đồ xoắn giấy trong ba ngày, rồi tôi tự học, hướng dẫn cả em gái và nhiều người ưa chuộng sản phẩm này. Những ngày học và làm việc, kết nối với những người khuyết tật khác trên mạng xã hội, tôi nhận thấy các bạn ấy cũng muốn tự nuôi sống được bản thân như tôi. Vậy là tôi mời các bạn đến học nghề trong hai tháng và cung cấp nguyên vật liệu cho họ mang về nhà làm, khi có thành phẩm thì chuyển lại cho tôi bán" - Thương kể.

Và năm 2013, 10 năm kể từ khi bắt đầu học nghề và mơ ước một ngày nào đó sẽ có xưởng của riêng mình, Thương đã mở được một xưởng sản xuất với 20 lao động đều là người khuyết tật ở quê cô - Phú Xuyên, Hà Nội.

Trên bức tường căn nhà Thương đang ở cùng với em gái và em trai treo đầy các bức tranh xoắn giấy: có bức tranh hoa sen, có bức là hồ Gươm chiều thu, có bức là cánh đồng mùa gặt. Nhưng đó chỉ là một phần các sản phẩm Thương đang bán ra: Thương Thương Handmade đang sản xuất nhiều thiệp chúc mừng các ngày lễ tết, làm hộp đựng trang sức, làm đồ trang sức... 

Ngoài bán cho người dùng trong nước, sản phẩm của các cô gái, chàng trai khuyết tật ở đây còn đi Đức, Mỹ, Anh, Pháp...

Trong đó, cô gái chỉ có thể nằm Thu Thương có vai trò như một người lên ý tưởng, chốt đơn hàng, giao dịch với khách hàng. Và một điều đặc biệt nữa, dù chưa từng đến trường lớp, chỉ học chữ ở nhà với mẹ, em gái và được các sinh viên tình nguyện dạy tiếng Anh, nhưng Thương đã giao dịch được với khách hàng nước ngoài và gửi mẫu sản phẩm cho khách do cô và một họa sĩ cũng là người khuyết tật ở tận Bình Phước thiết kế qua email. 

Năm 2018, 5 năm sau khi có xưởng sản xuất đầu tiên, Thương Thương Handmade làm ăn rất khá và cô đang chuẩn bị để mở một xưởng sản xuất thứ hai, ngay ở Hà Nội.

Lý do nào một cô gái chỉ có thể nằm lại làm được những điều mà ngay người khỏe mạnh, được học hành cũng rất khó khăn mới đạt được? Thương nói cô không muốn so sánh mình với bất kỳ ai, bởi người nào cũng có điểm mạnh của riêng mình. 

Nhiều người cứ tấm tắc vì sao một cô gái chưa từng đến trường, lại khuyết tật nặng đến nhường ấy lại tự tin như Thương? Cách đây vài năm khi Huyện đoàn Phú Xuyên tổ chức đại hội, ban tổ chức đã mời Thương đến và cô đã... nằm trên một chiếc bàn, trên sân khấu, ngay cạnh chủ tọa đoàn để hát một bài. "Giây phút ấy xúc động lắm" - Thương kể.

Cô gái xương thủy tinh Nguyễn Thị Thu Thương

Một góc xưởng sản xuất của Thu Thương - Ảnh: Dương Liễu

Bán được hàng không phải vì lòng thương hại

Thương nói với chúng tôi về triết lý kinh doanh, về việc cô đang nỗ lực bán hàng bằng chất lượng thực sự chứ không phải vì lòng thương hại của khách hàng với những người khuyết tật như cô và các bạn trong xưởng. "Tôi nhận thấy điều này ở khách hàng. Nếu thương hại thì họ chỉ mua một lần, nhưng họ đã quay lại mua hàng nhiều lần, có nhiều công ty thường xuyên đặt hàng của chúng tôi để làm quà tặng mỗi dịp tết" - Thương nói.

Những ngày đầu tiên làm đồ xoắn giấy, sản phẩm của chính Thương cũng rất xấu, nhưng tính cô cầu toàn nên luôn muốn làm thật tốt, thật đẹp mới thôi. Giờ thì mỗi sáng Thương phải nghe cả chục cuộc điện thoại từ các "xưởng viên" ở Phú Xuyên, người thì hỏi sản phẩm này đưa màu nào thì vừa, mẫu như thế đã hợp lý chưa... Chỉ có thể nằm nhưng khối lượng công việc hằng ngày mà Thương phải đảm đương khiến những người khỏe mạnh cũng phải nể phục.

Em gái ruột của Thương đã nghỉ việc ở ngân hàng để về hỗ trợ công ty của chị. Năm trước Thương chỉ trả lương cho em hơn 4 triệu đồng/tháng, năm nay là 5,2 triệu đồng/tháng (chưa tính khoản nộp cho bảo hiểm xã hội). Lương cho một người thợ làm sản phẩm xoắn giấy ở xưởng của Thương ở mức 2 - 6 triệu đồng/tháng, tùy kết quả công việc. 

Từ năm trước, nhân viên của Thương Thương Handmade đã được nhận tháng lương thứ 13. Mỗi người thợ chỉ phải nộp 300.000 đồng tiền ăn mỗi tháng, tiền ở được hỗ trợ và vì vậy họ đều có tiền để dành gửi về quê hỗ trợ gia đình. Đó là điều gây ngạc nhiên cho chính họ, người thân và cả cho chúng tôi.

"Chị Thương tính quyết liệt lắm, chị ấy quyết gì là không ai có thể ngăn nổi. Gia đình tôi đều nói chị nhỏ xíu thế ăn uống hết bao nhiêu đâu mà phải làm vất vả, nhưng chị ấy quyết rồi, không chỉ lo cho mình mà còn lo cho mọi người. Mở một xưởng, rồi giờ sắp mở thêm xưởng nữa, chị ấy luôn làm việc không ngừng nghỉ" - Nguyễn Diệu Như, em gái của Thương, nói về người chị đặc biệt của mình.

35 tuổi, Thương không nhớ nổi mình đã bị gãy xương bao nhiêu lần, bởi với cô mỗi lần gãy xương là một "niềm đau" không muốn nhớ. Lần Thương bị gãy xương gần nhất là tháng 8-2018, cô phải nằm suốt ba tháng một chỗ đến đầu tháng 11-2018 mới lành. Người khỏe mạnh nếu có gãy xương thì bó bột, nhưng người bệnh xương thủy tinh thì không thể bó bột, Thương phải nằm đúng một tư thế, có khi phải cắt bỏ tay áo mới có thể mặc được áo vì không thể nhấc tay lên.

Thế nhưng vì vẫn được làm việc, Thương vẫn thấy mình hạnh phúc, vẫn còn hơn rất nhiều người... Vì rất hạnh phúc, Thương rất hay hát và luôn cười, nụ cười vô tư và hồn nhiên. Mỗi khi Thương cười lại làm sáng bừng gương mặt người lớn của một cô gái chỉ có thể nằm nhưng đầy nghị lực.

Cô gái xương thủy tinh Nguyễn Thị Thu Thương

Thợ trong xưởng làm đồ handmade của Thương đều là người khuyết tật - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Cô gái xương thủy tinh Nguyễn Thị Thu Thương

Xưởng làm thủ công Thương Thương Handmade - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Cô gái xương thủy tinh Nguyễn Thị Thu Thương

Một sản phẩm thủ công của xưởng - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Cô gái xương thủy tinh Thương Thương - Video: DƯƠNG LIỄU

Một tấm gương nghị lực

Trong 20 người khuyết tật đang sản xuất tại Thương Thương Handmade có Hoàng Phương Thảo (24 tuổi, tỉnh Tuyên Quang). Thảo vẫn nhớ lần đầu tiên biết đến chị Thương qua một chương trình truyền hình.

"Trước kia, cuộc sống của mình gặp rất nhiều khó khăn, không tìm được việc làm. Đến đây mình được sự chỉ dạy của chị Thương từ ăn ở, học tập đến cách vui chơi giải trí. Chị Thương là một tấm gương nghị lực. Mình là người khuyết tật nhưng chị Thương còn khuyết tật hơn mình rất nhiều.

Chị cho mình thấy sự cố gắng để vươn lên, vượt qua mặc cảm trong cuộc sống. Trước đây mình sống khép kín, cảm giác rất tủi thân, như một mình một thế giới. Gặp chị Thương, gặp mọi người đã khiến mình thay đổi, mình hòa đồng với mọi người, chính bản thân mình cũng bất ngờ vì sự thay đổi này" - Thảo bộc bạch.

Còn vui hơn khi Thảo đã có "người thương", hai người gặp và quen nhau từ khi bắt đầu vào làm việc tại đây. Chị Thu Thương chia sẻ hóm hỉnh: "Đã có bốn đôi yêu nhau ở trung tâm rồi, chỉ còn mỗi mình cô đơn thôi".

Cô gái xương thủy tinh Nguyễn Thị Thu Thương
Cô gái yêu hồng gió Đà Lạt

LAN ANH - XUÂN LONG