Công văn hướng dẫn về sử phạt hành chính sai năm 2024

https://stp.binhdinh.gov.vn/hoat-dong-xay-dung-kiem-tra-van-ban-qppl-va-quan-ly-vi-pham-hanh-chinh/1302-1302.html /themes/egov/images/no_image.gif

Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp Bình Định https://stp.binhdinh.gov.vn/assets/images/logo.png

Tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CPngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (sau đây gọi tắt là Nghị định số 81/2013/NĐ-CP) quy định: “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần. Trường hợp hành vi vi phạm đã bị lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt, vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm đó, thì người có thẩm quyền xử phạt phải áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phù hợp để chấm dứt hành vi vi phạm. Khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi đó, người có thẩm quyền xử phạt có thể áp dụng thêm tình tiết tăng nặng quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính hoặc xử phạt đối với hành vi không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt và xử phạt đối với hành vi vi phạm đã lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt.

Trường hợp hành vi vi phạm đã bị ra quyết định xử phạt nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm chưa thi hành hoặc đang thi hành quyết định mà sau đó vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm đó, thì hành vi vi phạm này được coi là hành vi vi phạm mới”.

Vậy, hiểu như thế nào cho đúng với quy định “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần”.Thực tế cho thấy, việc hiểu và áp dụng quy định này như thế nào cho đúng với tinh thần mong muốn của nhà làm luật, giới hạn trong nội dung quy phạm trên chưa được hiểu và áp dụng một cách thống nhất. Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, khi lập biên bản vi phạm hành chính rồi mà phát hiện có sai sót thì không được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, lập lại biên bản vi phạm hành chính mới, bởi vì biên bản vi phạm hành chính chỉ lập một lần, ngoài ra Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định hướng dẫn thi hành không có quy định về việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, lập lại biên bản vi phạm hành chính.

Quan điểm thứ hai cho rằng, khi lập biên bản vi phạm hành chính rồi mà phát hiện có sai sót thì được quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, lập lại biên bản vi phạm hành chính, vì:

Thứ nhất, việc pháp luật quy định “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần”, điều này được hiểu không chỉ biên bản mà quyết định xử phạt cũng chỉ được ban hành một lần. Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót và phải kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền”; tại khoản 8 và khoản 9 Điều 1 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) quy định cụ thể việc sửa đổi, bổ sung, đính chính và hủy bỏ, ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính.

Như vậy, mặc dù Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định quyết định xử phạt chỉ được ban hành một lần nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 97/2017/NĐ-CPlại quy định quyết định về xử lý vi phạm hành chính đã ban hành mà có sai sót thì được sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ, ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính. Quyết định về xử lý vi phạm hành chính sai thường do biên bản lập sai, do đó muốn sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ quyết định thì cũng phải sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ biên bản mới hợp lý.

Thứ hai, biên bản vi phạm hành chính là một dạng văn bản trong hoạt động quản lý nhà nước nên theo khoản 3 Điều 18 Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ quy định về công tác văn thư, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 09/2010/NĐ-CP ngày 08/02/2010 của Chính phủ thì: “Văn bản đã phát hành nhưng có sai sót về nội dung phải được sửa đổi, thay thế bằng văn bản có hình thức tương đương của cơ quan, tổ chức ban hành văn bản. Văn bản đã phát hành nhưng có sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày, thủ tục ban hành phải được đính chính bằng văn bản hành chính của cơ quan, tổ chức ban hành văn bản”.

Do đó, khi đã lập biên bản vi phạm hành chính mà có sai sót thì người có thẩm quyền có quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, lập lại biên bản vi phạm hành chính.

Quan điểm kháclại cho rằng, trường hợp biên bản vi phạm hành chính đã lập, nhưng sau đó, cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện ra những sai sót trong biên bản vi phạm hành chính thì không được hủy bỏ biên bản vi phạm hành chính đã lập để lập lại biên bản vi phạm hành chính mới. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính. Do vậy, trường hợp vụ việc đã lập biên bản vi phạm hành chính nhưng sau đó, cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện ra những sai sót trong biên bản vi phạm hành chính đã lập thì có thể lập biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính để sửa đổi, bổ sung những nội dung có sai sót trong biên bản vi phạm hành chính đã lập.

Biên bản xác minh này cũng phải được lập theo đúng thủ tục, trình tự quy định của pháp luật và có đầy đủ chữ ký của những người có liên quan như: cá nhân hoặc đại diện tổ chức vi phạm; người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại (nếu có) và là tài liệu gắn liền với biên bản vi phạm hành chính trình người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt, đồng thời, lưu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.

Theo tác giả của bài viết, hoàn toàn thống nhất với quan điểm thứ ba, bởi vì việc lập biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính để sửa đổi, bổ sung những nội dung có sai sót trong biên bản vi phạm hành chính đã lập không vi phạm nguyên tắc mỗi hành vi vi phạm hành chính chỉ lập biên bản một lần và không làm thay đổi bản chất vụ việc, không tăng trách nhiệm cho người vi phạm nhưng lại đảm bảo mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật./.