Doanh nghiệp có vốn nhà nước là gì

Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 với một số điểm sửa đổi liên quan đến nhóm doanh nghiệp nhà nước sẽ tác động không nhỏ đến đại bộ phận doanh nghiệp thuộc nhóm này, nổi bật trong số đó thay đổi định nghĩa doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, cũng cần phân biệt doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Để làm rõ các vấn đề trên, Công ty Luật Thái An với đội ngũ luật sư nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn pháp luật và giải quyết tranh chấp kinh doanh, đầu tư, thương mại… sẽ chia sẻ một số kiến thức tới bạn đọc trong bài viết dưới đây về quản trị doanh nghiệp.


1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước

Cơ sở pháp lý điều chỉnh doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước là

  • Luật Doanh nghiệp năm 2020
  • Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014
  • Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp

2. Doanh nghiệp có vốn nhà nước

a) Khái niệm Doanh nghiệp có vốn nhà nước

Doanh nghiệp có vốn nhà nước là những doanh nghiệp có nhà nước là một thành viên hoặc một cổ đông nắm giữ một tỷ lệ phần vốn góp nhất định. Nhà nước có thể là chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu với các cá nhân, tổ chức khác.Tùy thuộc vào tỷ lệ vốn góp của Nhà nước trong doanh nghiệp mà quyền hạn và nghĩa vụ của Nhà nước với doanh nghiệp cũng khác nhau.

Vốn nhà nước góp tại doanh nghiệp được hiểu là bao gồm các loại vốn từ ngân sách nhà nước, vốn tiếp nhận có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; vốn từ quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn khác được Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Theo quy định tại Điều 6 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014, hình thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp bao gồm:

1. Đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

2. Đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đang hoạt động.

3. Đầu tư bổ sung vốn nhà nước để tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

4. Đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp.

Như vậy, doanh nghiệp có vốn nhà nước là doanh nghiệp mà ở đó nhà nước là một chủ đầu tư, một cổ đông nắm giữ phần vốn góp từ 0% đến 100% vốn điều lệ. Nhà nước có thể là chủ sở hữu duy nhất hoặc đồng sở hữu đối với các tổ chức, cá nhân khác. Phụ thuộc vào phần vốn góp của nhà nước là dưới 50%, trên 50% hay 100% vốn điều lệ mà quyền và nghĩa vụ của nhà nước với doanh nghiệp cũng sẽ khác nhau.

\===>>> Xem thêm: Định giá tài sản góp vốn thế nào?

b) Hình thức tổ chức Doanh nghiệp có vốn nhà nước

Doanh nghiệp có vốn nhà nước có thể được tổ chức và hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc Công ty cổ phần. Trong đó Nhà nước đóng vai trò làm chủ sở hữu duy nhất hoặc một thành viên, cổ đông bình đẳng có quyền lợi, nghĩa vụ phụ thuộc vào tỷ lệ vốn góp như các thành viên khác của doanh nghiệp.

3. Doanh nghiệp nhà nước

a) Khái niệm Doanh nghiệp nhà nước

Thực tế thì khái niệm doanh nghiệp nhà nước từng được thay đổi nhiều lần trong lịch sử, chủ yếu là các thay đổi về tỷ lệ vốn sở hữu để xác định doanh nghiệp nhà nước. Theo quy định tại Khoản 11 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì

“Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật này”.

Như vậy pháp luật hiện hành xác định rõ ràng doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp có chủ sở hữu lớn nhất là Nhà nước (theo Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ).

Khoản 8, Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 quy định:

Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm vốn từ ngân sách Nhà nước, vốn tiếp nhận có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước; vốn từ quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn khác được Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Theo Khoản 5, Điều 4 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP quy định:

Vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác là vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do cơ quan đại diện chủ sở hữu làm chủ sở hữu phần vốn góp.

Từ đó ta có thể thấy khái niệm “Doanh nghiệp có vốn nhà nước” sẽ rộng hơn và bao hàm khái niệm “Doanh nghiệp nhà nước”. Hay nói cách khác doanh nghiệp nhà nước là một loại của doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Loại doanh nghiệp này đặc biệt ở chỗ Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết nên có quyền nắm giữ quyền kiểm soát, quản lý, vận hành hoạt động của doanh nghiệp cao hơn bất cứ thành viên hay cổ đông nào trong doanh nghiệp. Các thành viên trong doanh nghiệp nhà nước ngoài những điều kiện như doanh nghiệp thông thường còn phải đáp ứng thêm một số điều kiện riêng biệt để tránh nạn tham ô, lạm quyền, gây tổn thất cho Nhà nước.

b) Hình thức tổ chức Doanh nghiệp nhà nước

Căn cứ Điều 88 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:

  • Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm:
  • * Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con;
    • Công ty TNHH một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

\===>>> Xem thêm: Vốn điều lệ của công ty TNHH một thành viên

Doanh nghiệp có vốn nhà nước là gì
Các điểm khác nhau giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước – Nguồn ảnh: Internet

  • Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này. Bao gồm:
  • * Công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con;
    • Công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Điều 90 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau: Cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo một trong hai mô hình sau đây:

  • Thứ nhất: Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát.
  • Thứ hai: Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát

\===>>> Xem thêm: Nhiệm vụ và quyền hạn của Giám đốc công ty TNHH

4. Tóm lược ý kiến tư vấn về vấn đề doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước

Tóm lại hai khái niệm Doanh nghiệp có vốn nhà nước và Doanh nghiệp nhà nước có những điểm khác biệt nhất định. Dù cả hai đều giống nhau ở điểm là đều có nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước, tuy nhiên có sự khác biệt về thẩm quyền nhà nước trong doanh nghiệp.

Điều này là bởi, với Doanh nghiệp nhà nước thì Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết nên có quyền nắm giữ quyền kiểm soát, quản lý, vận hành hoạt động của doanh nghiệp cao hơn bất cứ thành viên hay cổ đông nào trong doanh nghiệp.

5. Dịch vụ luật sư doanh nghiệp của Luật Thái An

Công ty Luật Thái An có nhiều kinh nghiệm tư vấn luật và giải quyết tranh chấp liên quan đến các doanh nghiệp có vốn nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước. Khi có có bất kỳ nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý nào liên quan đến loại hình doanh nghiệp nêu trên hãy liên hệ ngay với Luật Thái An để được hỗ trợ kịp thời với mức phí dịch vụ ưu đãi.

\===>>> Xem thêm: Dịch vụ luật sư doanh nghiệp

Lưu ý:

  • Bài viết trên được các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Thái An – Đoàn Luật sư TP Hà Nội thực hiện phục vụ với mục đích phố biến kiến thức pháp luật cho cộng đồng hoặc nghiên cứu khoa học, không có mục đích thương mại. Bài viết căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, tại thời điểm Bạn đọc bài viết này, rất có thể các quy định pháp luật đã bị sửa đổi hoặc thay thế.

Khái niệm về doanh nghiệp nhà nước là gì?

Luật này quy định về doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.

Tại sao gọi là doanh nghiệp nhà nước?

Doanh nghiệp nhà nước (hay Quốc doanh) bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật Doanh nghiệp 2020.. So với Doanh nghiệp tư nhân, Doanh nghiệp Nhà nước thường được cho là kém hiệu quả và lợi nhuận thấp hơn.

Doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là như thế nào?

Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ...

Doanh nghiệp nhà nước lấy vốn từ đâu?

(TBTCO) - Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp. Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, không can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp.