Hồ chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục 1 và 2

  • 07:15 | Thứ Ba, 19/05/2020
  • Hồ chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục 1 và 2
  • Hồ chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục 1 và 2
  • Hồ chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục 1 và 2

Hầu hết các mặt quan trọng về Thể dục, thể thao (TDTT) đối với lợi ích con người về sức khỏe và tinh thần đều được Hồ Chí Minh đề cập với các quan điểm đúng đắn, sáng tạo. Tư tưởng Hồ Chí Minh về TDTT bao hàm các quan điểm cơ bản và có vị trí, vai trò to lớn trong nền văn hóa thể chất Việt Nam.

Quan điểm cơ bản nhất: Dân cường thì nước thịnh

“...Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe

... Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng tập" là những câu trong“Lời kêu gọi tập thể dục” của Bác Hồ đăng vào ngày 27-3-1946. Nói về mục tiêu thì dân cường và nước thịnh là hai mục tiêu cao quý của chế độ mới. Dân cường làm nên nước thịnh. Điều này có nghĩa sức khoẻ của nhân dân là một trong những nhân tố to lớn quyết định sự phát triển đất nước đi tới “Dân giàu nước mạnh”. Do đó, TDTT phục vụ đắc lực sức khoẻ nhân dân cũng đồng thời góp phần phục vụ công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Bởi vậy, các quan điểm khác của Hồ Chí Minh đều nhất quán sự định hướng TDTT phát triển mạnh vì sức khoẻ của nhân dân. Thông qua phục vụ sức khoẻ nhân dân, phục vụ sức khoẻ cho mọi người, TDTT góp phần phục vụ tất cả các hoạt động phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục… tức là phục vụ sự nghiệp phấn đấu cho mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh”.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về phát triển TDTT quần chúng

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: “Dưới chế độ dân chủ, Thể thao và Thể dục phải trở thành hoạt động chung của quần chúng, nhằm mục đích làm tăng cường sức khoẻ của nhân dân. Nhân dân có sức khoẻ thì mọi công việc đều làm được tốt.”

Người khuyến khích: “Vậy nên luyện tập Thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước”. Từ đó Hồ Chí Minh chủ trương “Chúng ta nên phát triển phong trào TDTT rộng khắp”. Đó là những quan điểm chung của Hồ Chí Minh về TDTT quần chúng, thể thao cho mọi người.

Về giáo dục thể chất tuổi trẻ học đường, Hồ Chí Minh xác định đây là một bộ phận quan trọng của nền giáo dục quốc dân của nước Việt Nam độc lập và dân chủ: “Một nền giáo dục sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.

Hồ chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục 1 và 2
Trong Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục, Bác viết: "Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng tập"

Từ quan điểm đó, sau này Bác đã chỉ ra một cách cụ thể về giáo dục nói chung và giáo dục thể chất nói riêng, giáo dục toàn diện đó là “Thể dục kết hợp với gìn giữ vệ sinh chung và riêng, trí dục, mỹ dục, đức dục.” Bốn mặt giáo dục đó có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó Thể dục là tiền đề đầu tiên để phát triển các mặt giáo dục khác.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về thể thao thành tích cao

TDTT quần chúng là nền tảng xã hội của thể thao thành tích cao, Hồ Chí Minh rất quan tâm tới thể thao thành tích cao. Nhưng theo Người, thể thao thành tích cao phát triển trên cơ sở TDTT quần chúng. Hồ Chí Minh từng lưu ý rằng, phát triển thể thao thành tích cao vừa phấn đấu giành “vinh quang của dân tộc về mặt thể thao” vừa thúc đẩy TDTT quần chúng vì sức khoẻ cho mọi người dân.

TDTT quần chúng phải được phát triển phong phú đó là sự đa dạng các loại hình, sâu rộng các địa bàn và hầu hết các đối tượng tập luyện. Tính phong phú đó là nền tảng của thể thao thành tích cao. Đồng thời thể thao thành tích cao phát triển mạnh cũng thể hiện tính phong phú của nó về cả loại hình, đối tượng, địa bàn.

Trong thư chúc mừng Đại hội thể thao GANEFO châu Á lần thứ nhất, tổ chức vào cuối năm 1966 ở Campuchia, Bác viết: “Đây là cuộc gặp gỡ lớn để các lực lượng mới trỗi dậy ở châu Á, tỏ rõ cho toàn thế giới thấy khả năng phong phú của mình trong lĩnh vực thể thao”.

TDTT quần chúng mà nổi bật là thể thao trong các trường học, trong lực lượng vũ trang phát triển mạnh, đạt được nhiều thành tích trong thi đấu quốc gia, quốc tế, đó là điều kiện tất yếu, thường xuyên để phát triển thể thao thành tích cao của nước nhà, vươn tới tầm vóc khu vực, châu lục và thế giới. Bởi vậy, cần phải quan tâm tới mọi điều kiện phát triển thể thao quần chúng, nhất là thể thao thế hệ trẻ. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Tuổi trẻ là tương lai của đất nước và của thể thao nước nhà, các cháu phải có đầy đủ phương tiện tập luyện để nâng cao thể lực”.

Phát huy tinh thần dân tộc và giá trị đạo đức nhân văn trong lĩnh vực thể thao

Hồ Chủ tịch chỉ ra cho thể thao Việt Nam rằng: “Phong trào và thành tích thể thao của thế giới phát triển mạnh, Việt Nam ta hãy cố gắng tiến kịp”.

Cuối năm 1966, đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Đại hội thể thao GANEFO lần thứ nhất đạt thành tích tốt. Ngay sau khi về nước được Bác Hồ tiếp, Người rất vui bởi vì thể thao Việt Nam đã phát huy cao tinh thần dân tộc, giành vinh quang về cho đất nước, nhân dân. Bác khen ngợi các VĐV rằng: “Tất cả các cháu giành được huy chương, nhiều cháu giành được HCV, thế là rất tốt” và Người cũng căn dặn: “Các cháu hãy cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng là những VĐV của dân tộc Việt Nam anh hùng”.

Tinh hoa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới

Hồ Chí Minh rất coi trọng những giá trị đạo đức và nhân văn trong thể thao. Người nhắc nhở VĐV Việt Nam rằng “Các cháu đừng vì thắng lợi mà kiêu căng, tự mãn” và căn dặn “các cháu luôn luôn nhớ phải khiêm tốn học tập cái hay, cái giỏi của các bạn. Trong thi đấu thắng không kiêu, bại không nản, thế mới là VĐV tốt”.

Đấu trường thể thao còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận là dịp để tăng cường sự bình đẳng dân tộc, chủng tộc và đoàn kết giữa các dân tộc, hiểu biết lẫn nhau.

Đó là những nét cơ bản trong nội dung của các quan điểm cơ bản về TDTT của Hồ Chí Minh. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về TDTT có vai trò định hướng sự hình thành và phát triển nền TDTT của chế độ mới từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 cho đến ngày nay và cả mai sau.

Ngày Thể thao Việt Nam 27-3

Ngày 29-1-1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 25/CT về việc lấy ngày 27-3 hàng năm làm "Ngày Thể thao Việt Nam". "Ngày Thể thao Việt Nam" được tổ chức hàng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động văn hoá thể thao lành mạnh. "Ngày Thể thao Việt Nam" bắt nguồn từ những sự kiện lịch sử buổi ban đầu của nền TDTT cách mạng.

Vào ngày 31-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương thuộc Bộ Thanh niên, tiền thân của ngành TDTT ngày nay. Ngành TDTT mới ra đời nhiệm vụ là liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục để nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc nhằm tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam.

Để tăng cường và mở rộng các hoạt động TDTT và trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tiếp Sắc lệnh số 33 ngày 27-3-1946 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục.

Cũng trong ngày 27-3-1946, trên các báo Cứu Quốc, Việt Nam khoẻ và nhiều tờ báo khác đăng lời "Hồ Chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục: Sức khoẻ và thể dục".

Đây là văn kiện lịch sử, được coi như cương lĩnh đầu tiên về xây dựng nền TDTT cách mạng của nước Việt Nam mới, thể hiện tập trung Tư tưởng Hồ Chí Minh về TDTT. Với những ý nghĩa lịch sử sâu sắc đó, ngày 27-3 được Nhà nước ta lấy làm "Ngày Thể thao Việt Nam" hàng năm.

Theo TTXVN

Những lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh về Thể dục thể thao

Ở các lĩnh vực công tác, học tập, lao động, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, mọi thành công của chúng ta ngày nay, kết quả dù lớn hay nhỏ đều bắt nguồn từ tư tưởng, từ sự lãnh đạo tài tình của Bác. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đem lại độc lập, tự do, dân chủ và dần tiến lên xây dựng đất nước giàu mạnh. Người ra sức chăm lo đến sức khỏe, tuổi thọ người dân. Bác quan tâm đặc biệt việc cải thiện thể trạng, nòi giống con người Việt Nam. Bác Hồ - lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, là danh nhân văn hóa thế giới. Bác là người thầy thiên tài, người khai sinh nền Thể dục thể thao cách mạng nước nhà. Bác là người ông, người cha vô vàn kính yêu của mọi cán bộ, huấn luyên viên, vận động viên. Bác đã đi xa nhưng Người vẫn sống mãi trong công cuộc xây dựng nước Việt Nam độc lập, hòa bình, dân chủ, giàu mạnh, văn minh. Lời dạy của Bác cần thường xuyên tập thể dục cho thân thể cường tráng, khỏe mạnh “Tinh thần đầy đủ để giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới” mãi là định hướng cho toàn Ngành. Những lời dạy của Bác về thể dục thể thao là linh hồn, là ngọn đuốc sáng soi dọi, chỉ lối dẫn đường cho nhiệm vụ thể dục thể thao cách mạng hôm nay và mãi về sau. Việc tập luyện thể dục, thể thao của Bác là tấm gương mẫu mực nhất cho chúng ta hôm nay và các thế hệ con cháu noi theo. Đến nay chúng ta còn chưa sưu tầm, tìm được đầy đủ việc tập luyện lúc còn trẻ của Người khi học tại Huế, thời gian dạy học tại Phan Thiết, hoặc suốt 30 năm trời kiếm sống ở 28 quốc gia khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước. Năm 1941, Người về Cao Bằng gây dựng, lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, Bác Hồ tập các môn gì, tập luyện như thế nào trong điều kiện ăn ở thiếu thốn, chống lại cái rét buốt mùa đông miền biên ải; Hay quãng thời gian khẩn trương tiến hành khởi nghĩa cướp chính quyền tháng 8-1945 ở Hà Nội, Bác tập luyện vào lúc nào trong ngày?! Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) cùng 15 năm tiếp sau đó Bác lãnh đạo cả nước vừa lao động xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vừa chống đế quốc Mỹ xâm lược, đấu tranh thống nhất đất nước. Tháng 9-1969 Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta. Người đã để lại muôn vàn tình thương yêu cũng như những lời dạy về công tác thể dục thể thao là kho báu vô giá. Tuy vậy, với những văn kiện, tư liệu hiện có như: Các Sắc lệnh 14, 38 ban hành quý 1-1946; Lời hô hào toàn dân tập thể dục của Bác ngày 27-3-1946; Thư gửi Hội nghị Cán bộ TDTT toàn miền Bắc tháng 3-1960; Bài nói chuyện với cán bộ, giáo viên Trường Trung cấp TDTT Trung ương ngày 14-12-1961; các bài thơ Học đánh cờ, Tây Phong Lĩnh trong tập Nhật ký trong tù; Những lời căn dặn của Bác với công nhân, nông dân, cán bộ giảng dạy, giáo viên, học sinh, sinh viên… Những bài nói chuyện của Bác, các cuộc tiếp đón các đoàn thể thao nước ngoài, các lần gặp gỡ nhân dân, công nhân, bộ đội, công an, học sinh… Đặc biệt những tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các hồi ký của các đồng chí lão thành cách mạng, các cán bộ được làm việc gần hoặc phục vụ Bác; những thước phim tư liệu, ảnh của các nhà báo trong nước và quốc tế ghi lại cảnh luyện tập thể dục, đánh võ, đi bộ, cưỡi ngựa, chơi thể thao, tắm sông suối…. của Bác Hồ hồi thập niên 40, 50, 60 của thế kỷ 20 ở chiến khu Việt Bắc, tại Thủ đô Hà Nội, các chuyến công du nước ngoài…là một kho báu đồ sộ của Người dành cho Ngành Thể dục thể thao, tình cảm yêu thương bao la của Bác với cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên… Đây là di sản vô cùng quý báu, niềm vinh dự và tự hào của nền thể dục thể thao cách mạng. Chúng ta có nhiệm vụ nghiên cứu, tìm hiểu một cách nghiêm túc thấu đáo. Để từ đây không ngừng quán triệt, học tập làm theo lời dạy của Người, đặng phục vụ cuộc vận động toàn dân hăng hái “Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” của Ngành, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Bộ Chính trị Trung ương Đảng phát động. Chúng ta hứa quyết tâm thực hiện những lời dạy của Bác, ra sức xây dựng thành công nền thể dục thể thao vì sự nghiệp cao cả Bác đã chỉ rõ “Dân cường thì quốc thịnh”. Đó là nền thể dục thể thao rộng khắp toàn dân, dân tộc, khoa học và tiên tiến để thỏa lòng mong mỏi của Bác giản dị đầy tha thiết: “Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục”.

Tư tưởng quý trọng con người của Bác

Tháng 3-1959 đến nói chuyện tại Hội nghị Cán bộ công đoàn toàn quốc (miền Bắc), Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Chúng ta phải quý trọng con người”. Tư tưởng quý trọng con người của Bác đã nảy nở và hình thành từ rất sớm. Mùa Xuân năm 1941, sau 30 năm từ nước ngoài về đến Cao Bằng, hoạt động bí mật trong điều kiện cực kỳ ngặt nghèo, Bác không những duy trì việc tập luyện cho riêng mình mà còn nung nấu làm sao cho mọi người cùng được tập luyện, đặng giữ gìn tăng cường sức khỏe. Trong cương lĩnh lịch sử của Mặt trận Việt Minh do Bác khởi thảo xác định rõ mục đích của thể dục thể thao là hướng tới phục vụ CON NGƯỜI. Bản cương lĩnh viết “Cần phải khuyến khích và giúp đỡ nền thể dục thể thao quốc dân làm cho nòi giống thêm khỏe mạnh”.

Hồ chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục 1 và 2


Chủ tịch Hồ Chí Minh rèn luyện thể thao. Ảnh: Tư liệu

Quý trọng con người là một trong những đức tính cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại hiếm có người sánh bằng. Sự quý trọng con người, coi con người là vốn quý nhất của Bác. Người nói “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm no áo mặc, ai cũng được học hành”. Tháng 7-1955 đến nói chuyện tại Hội nghị sản xuất miền Bắc, Bác Hồ dạy rằng: “Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi… Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân”. Từ năm 1920, tại đại hội Tua (Pháp), trong phát biểu của mình, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã phản đối kịch liệt mọi hành động vi phạm đến con người. Người cực lực lên án thực dân Pháp đối xử vô cùng tàn nhẫn với nhân dân Đông Dương, nhân dân các nước thuộc địa hồi đầu thế kỷ 20. Lòng quý trọng con người của Bác xuất phát từ nguyên lý con người làm nên tất cả. Con người cải tạo xã hội, cải tạo thiên nhiên. Đó là con người lao động, là trí thức, công nhân, nông dân, bộ đội, thanh thiếu niên, học sinh- sinh viên. Tháng 3-1960, đến dự Đại hội Thi đua miền Bắc, Người dạy: “Thi đua làm ra sản phẩm nhiều-nhanh-tốt-rẻ phải đi đôi với đảm bảo an toàn lao động, phải biết quý trọng con người!”. Ngày 31-3-1960, gửi thư cho Hội nghị Cán bộ Thể dục thể thao toàn miền Bắc, Bác chỉ rõ yếu tố con người: “Muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khỏe. Muốn giữ sức khỏe thì nên thường xuyên tập thể dục thể thao…”. Trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9-1960) khẳng định: “Con người là vốn quý nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ và bồi dưỡng sức khỏe của con người là mục tiêu cao quý của các ngành Y tế và Thể dục thể thao dưới chế độ ta”. (Văn kiện Đại hội Đảng tập 1, trang 77, Nxb Sự thật, Hà Nội). Trước khi đi xa, Người viết di chúc căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Từ lúc bôn ba hải ngoại đến khi là lãnh tụ tối cao của dân tộc, là chủ tịch đứng đầu Nhà nước công nông lãnh đạo toàn dân làm hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, đến đâu Bác cũng nhắc nhở cán bộ, nhân dân “Quý trọng con người, giữ gìn sức khỏe”. Nêu một số thí dụ trên, để chúng ta nhìn nhận rõ ràng hơn việc nghiên cứu, học tập lý tưởng, quan điểm thể dục thể thao của Bác. Trước hết là cùng nghiên cứu thấy được ở Bác sự quý trọng con người một cách thiết tha. Lòng thương yêu con người của Bác là kết tinh tinh hoa của truyền thống đạo lý dân tộc Việt Nam, của chủ nghĩa nhân văn khoa học. Trên cơ sở thấu hiểu đặc điểm lớn này của Bác, chúng ta mới có thể nghiên cứu có kết quả những lời dạy của Bác và học tập gương rèn luyện thể dục thể thao để có sức khỏe, đặng phục vụ cách mạng, phục vụ công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh hùng cường.

Vai trò, vị trí thể dục thể thao trong xã hội theo quan điểm của Bác

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2-9-1945 lúc bấy giờ hết sức cam go. Ngân khố, kho tàng gần như trống rỗng. Nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp cả nước. Trong khi đó thực dân Pháp dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Đồng bào Nam Bộ đã phải đương đầu với quân đội Pháp chỉ sau Lễ tuyên ngôn độc lập 21 ngày. Tổ quốc lâm nguy, muôn vàn khó khăn nghiêm trọng đặt lên vai Chính phủ Việt Nam non trẻ. Vốn sẵn có lòng quý trọng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh chèo lái con thuyền cách mạng thật tài tình. Thông cảm và hiểu sâu sắc người Việt Nam trải nghìn năm nô lệ, hơn 80 năm sống dưới ách đô hộ của phong kiến, đế quốc, đồng bào mình đang mong muốn điều gì! Bác càng thấm thía: Đói khổ, bệnh tật, sự áp bức bóc lột tàn bạo của đế quốc Pháp, phát xít Nhật đã tàn phá hao mòn sức lực dân ta một cách thê thảm. Vì vậy mà Bác thường xuyên nhắc nhở, chăm lo đến việc tập luyện thể dục, hoạt động thể thao. Ngay trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Pháp vô cùng khó khăn, thiếu thốn, Bác vẫn coi trọng việc chăm lo sức khỏe của mọi người. Đầu mùa hè năm 1910, Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh dừng lại tại Phan Thiết. Anh xin dạy học ở trường Dục Thanh với vai trò giáo viên môn Thể dục là chính. Ngoài ra, thày Thành còn dạy Quốc ngữ và Hán văn, đồng thời phụ trách các hoạt động dã ngoại của nhà trường. Thầy Thành luôn nhắc nhở: “Cái quý nhất của con người là sức khỏe. Các em chịu khó tập thể dục là giữ gìn cái quý báu nhất của con người. (Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, tập 1, Nxb Lý luận, Hà Nội, 1992, tr. 44). Ngày 14-6-1946, Bác Hồ viết bài “Noi gương anh em tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu”, ký bút danh Q.T đăng trên báo Cứu quốc số 226, Bác khen ngợi thành tích của anh em tự vệ chiến đấu, trong đó có việc đến các tỉnh gây dựng phong trào thể dục. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tr.255). Ngày 17-9-1946, Tết Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ gửi thư cho học sinh. Người căn dặn: “…phải siêng năng tập thể dục thể thao cho mình mẩy được nở nang và ra sức giúp việc cho Nhi đồng cứu vong Hội”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tr.16). Ngày 10-11-1946, sau 4 tháng đi thăm nước Pháp về, Bác đến dự Lễ khai mạc Thanh niên thể thao quốc tế tổ chức tại Quảng trường Nhà Hát lớn Hà Nội do Trường Thể dục Việt Nam tổ chức. Phát biểu tại buổi lễ, Người căn dặn: “Trong thanh niên còn nhiều người rất yếu ớt, cán bộ, học sinh của Trường Thể dục phải làm cho toàn thể đồng bào càng khỏe, phải phổ thông hóa, đại chúng hóa, dân chủ hóa thể dục… Hiện thời, ở nông thôn cũng như thành thị còn rất nhiều đồng bào yếu ớt. Mang danh cán bộ thể dục thể thao, các học sinh có bổn phận tổ chức cho đồng bào cùng tập luyện. Có như vậy công phu tập luyện của các em mới hữu ích”. (Báo Cứu quốc số 402 ngày 11-11-1946). Ngày 19-12-1946, Bác gửi thư cho tướng Trần Tu Hòa. Trong thư Người nói rõ Chính cương của Việt Minh về văn hóa là: Phát triển thể dục, đức dục, bãi bỏ học phí nhập học do người Pháp đặt ra”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, Tr.118). Ngày 9-11-1949, Bác Hồ gửi thư cho giáo viên và học viên lớp “Chuẩn bị tổng phản công” của Trường Trung học Lục quân Trần Quốc Tuấn nhân ngày khai giảng. Bác căn dặn học viên: Luyện tập thân thể cho mạnh mẽ Nghiên cứu kỹ thuật cho thông thạo Trau dồi tinh thần cho vững chắc Hun đúc đạo đức của người quân nhân cách mạng cho vững vàng. (Báo Nhân dân số 326, ngày 21-1-1955; Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr.456). Ngày 24-10-1955, Bác gửi thư cho học sinh nhân ngày khai trường. Người nêu lên nội dung giáo dục toàn diện, trong đó coi trọng tất cả các mặt đức, trí, thể, mỹ: - Thể dục: Làm cho thân thể khỏe mạnh, đồng thời cần giữ gìn vệ sinh và vệ sinh chung. - Trí dục: Ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới; - Mỹ dục: Để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp. - Đức dục: Là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tr.74). Ngày 2-11-1956, Bác đến thăm Đại hội toàn quốc lần thứ II Đoàn Thanh niên cứu quốc. Nói chuyện với Đại hội, Bác căn dặn: Thanh niên phải gương mẫu 4 điểm: 1)- Giữ vững đạo đức cách mạng, khiêm tốn, cần cù, hăng hái, dũng cảm. Phải tránh tư tưởng kiêu ngạo, công thần, tự tư, tự lợi. 2)- Xung phong trong mọi công tác. 3)- Cố gắng học tập chính trị, văn hóa, nghề nghiệp để tiến bộ mãi. 4)- Luôn luôn rèn luyện thân thể cho khỏe mạnh. Khỏe mạnh thì mới có đủ sức để tham gia một cách dẻo dai bền bỉ nhưng công việc ích nước lợi dân. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tr.263-264). Ngày 18-9-1958, Bác dự cuộc họp Ban Bí thư Trung ương Đảng nghe báo cáo về vấn đề thể dục thể thao. Người lưu ý công tác tuyên truyền phải làm nổi bật được tầm quan trọng của thể dục thể thao đối với sản xuất, quốc phòng. (Biên bản Hội nghị Ban Bí thư, lưu tại Cục Lưu trữ VP Trung ương Đảng). Ngày 18-12-1959, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác báo cáo về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Về quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Người nêu rõ: “Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước chú trọng đặc biệt việc giáo dục thanh niên về đức dục, trí dục và thể dục. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tr.593). Ngày 13-3-1960, Bác lên thăm và nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Thái Nguyên. Người căn dặn công nhân, bộ đội, cán bộ và đồng bào Thái Nguyên cần đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 10, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tr.99). Bác Hồ đi thăm và nói chuyện với đồng bào, cán bộ các tỉnh: Cao Bằng (21-2-1961), Tuyên Quang (25-3-1961), xã Đại Nghĩa, tỉnh Hà Đông (7-10-1961), xã Quảng An, Hà Nội (29-9-1962), Nam Định (22-5-1963), rồi đến Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng…. ở đâu, Bác cũng đều nhắc đến tầm quan trọng sức khỏe, phải năng luyện tập thể dục thể thao, ăn ở vệ sinh. Cùng với nội dung nêu trên, từ năm 1956 đến mùa hè năm 1969, Bác Hồ có hàng trăm cuộc tiếp đón, gặp gỡ, thăm hỏi các đoàn thể thao các nước bạn đến thăm và thi đấu hữu nghị tại Việt Nam. Đặc biệt có các hoạt động thể thao lớn: Giải Bóng chuyền Việt-Trung-Triều-Mông (1958), Giải Bóng đá Quân đội Hữu nghị các nước (SKDA) 1963, Đại hội Thể thao Các lực lượng mới trỗi dậy (GANEFO) 1963, GANEFO châu Á 1966. Ở Bác, Người rất coi trọng các tài năng thể thao. Mỗi giải thi đấu trong nước hay quốc tế, hay tin thành tích của các vận động viên, Người đều có các cuộc tiếp đón gặp gỡ các vận động viên cùng huấn luyện viên lập lên kết quả. Điều đó càng nói lên sự quan tâm cụ thể, toàn diện của Bác với công tác thể dục thể thao đất nước.

ST

Hồ chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục 1 và 2
In bài viết
Hồ chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục 1 và 2
Gửi mail
Hồ chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục 1 và 2
Lưu nội dung