Phong cách quần chúng của đảng viên

Phong cách quần chúng của đảng viên
Học tập phong cách của Bác, cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn gần dân, gắn bó với dân, giúp dân xóa đói giảm nghèo. Trong ảnh: Cán bộ BĐBP Hà Giang vận động đồng bào dân tộc phát triển kinh tế. Ảnh: Lê Lâm

Phong cách quần chúng của người cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh biểu hiện ở một số vấn đề cơ bản sau:

Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gần dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy, “Cán bộ là người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội). Để hoàn thành trách nhiệm của mình, theo Bác, cán bộ, đảng viên phải được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn vậy, trước hết phải yêu dân, kính dân, phải thân dân, gần dân để hiểu dân. Phải gắn bó với cơ sở, với thực tiễn, phải hành động theo phương châm “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên, đồng thời, chính Người luôn là tấm gương mẫu mực về phong cách gần dân, có mối quan hệ gần gũi, thân thiết với quần chúng nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tận dụng mọi cơ hội có thể để đến với dân. Người thường tranh thủ đi thăm, chuyện trò thân tình với các cụ già, gặp gỡ chiến sĩ và đồng bào các địa phương, để nắm tình hình và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Điều đó trở thành một nhu cầu, một nếp sống, thành điều tâm niệm suốt đời của Người, từ buổi đầu ra đi tìm đường cứu nước đến khi trở thành Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, từ việc lớn đến việc nhỏ, Người đều thể hiện theo tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Theo tài liệu thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, chỉ trong 10 năm xây dựng CNXH ở miền Bắc (1955-1965), không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Bác Hồ đã thực hiện trên dưới 700 lượt đi thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội... từ miền núi đến hải đảo, để thăm hỏi chiến sĩ và đồng bào, xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Tính ra, mỗi năm, có hơn 60 lượt Người đi xuống cơ sở, mỗi tháng, có khoảng 6 lần Người gặp gỡ quần chúng. Đó là một kỷ lục khó ai có thể vượt qua, nhất là đối với một lãnh tụ ở tuổi 70.

Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải đi đúng đường lối quần chúng

Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ sức mạnh và vai trò quyết định của quần chúng nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng. Người thường nói: "Nước lấy dân làm gốc", "Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân". Bác thường xuyên căn dặn các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải coi trọng mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng và phải thể hiện tinh thần phụ trách trước nhân dân. Người thường xuyên căn dặn các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải coi trọng mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng và phải thể hiện tinh thần phụ trách trước nhân dân. Phải sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nêu cao ý thức phục vụ nhân dân; làm việc với thái độ khách quan, công tâm, kịp thời giải quyết những lợi ích chính đáng của quần chúng nhân dân; đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong cách quần chúng không chỉ là cần thiết của cán bộ, đảng viên trong quan hệ với dân, mà còn cần thiết trong quan hệ của cấp trên với cấp dưới, của cán bộ lãnh đạo với cán bộ, đảng viên bình thường. Đối với người lãnh đạo cấp trên, hiểu dân và hiểu cấp dưới đều có tầm quan trọng đặc biệt. Hiểu dân là để hiểu cấp dưới được chính xác hơn, hiểu cấp dưới là để hiểu dân được đầy đủ hơn. Hiểu dân và hiểu cấp dưới, người lãnh đạo càng hiểu chính mình và càng rút ra được những điều bổ ích để bổ sung cho chủ trương, chính sách đã được đề ra.

Ba là, cán bộ, đảng viên phải biết phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của tập thể, lợi ích của nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng... Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên bỏ đi hoặc sửa lại...”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, điều gì có lợi cho nhân dân, cho dân tộc thì điều ấy là chân lý và với Người, phục vụ nhân dân chính là phục tùng chân lý; cán bộ, công chức phải làm “công bộc” cho dân và đó là một việc làm cao thượng. Người nhấn mạnh: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Người chỉ rõ: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, cán bộ, đảng viên phải luôn ghi nhớ người dân chính là chủ nhân tối cao của chế độ mới: “Chính quyền dân chủ có nghĩa là chính quyền do dân làm chủ”, “Nhiệm vụ của chính quyền dân chủ là phục vụ nhân dân; tổ chức, giáo dục, động viên nhân dân xây dựng cuộc sống mới”. Dân chủ cũng có nghĩa là các cơ quan đảng và Nhà nước là tổ chức được dân ủy thác làm công vụ cho dân, công chức nhà nước cũng là những người được dân ủy thác làm công vụ cho mình. Do vậy, họ phải vì lợi ích chung mà gánh vác việc dân, trung thành tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân giống như những người lính vâng lệnh quốc dân mà thi hành nhiệm vụ. Người viết: “Người xưa thường nói: Quan là công bộc của dân, ta cũng có thể nói: Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một một đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết thảy” .

Bốn là, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường yêu cầu cán bộ, đảng viên phải “từ nơi quần chúng mà ra, trở lại nơi quần chúng”

Người đã nhiều lần phê phán tệ xa rời quần chúng, lên mặt "làm quan cách mạng", "quan nhân dân", không thấy mình là đày tớ, người học trò của nhân dân. Bác đã nêu ra một quan điểm rất rõ: Không phải cứ viết lên trán hai chữ "cộng sản" thì đương nhiên sẽ được mọi người quý trọng. Quần chúng nhân dân chỉ quý trọng những người có đức, có tài, hết lòng phụng sự nhân dân. Phải yêu dân, kính dân thì dân mới dành sự yêu kính cho mình.

Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Làm cho dân kính, dân yêu, dân tin, dân phục là vấn đề thuộc về lòng người. Nếu cứ ỷ vào quyền lực chỉ có thể làm cho người ta sợ, ngại, xa lánh và khinh ghét chứ không thể giành được sự tin yêu, kính phục của người khác. Nhân dân từ già đến trẻ thuộc mọi tầng lớp, dân tộc, mọi thế hệ đều gọi Hồ Chí Minh bằng hai tiếng: Bác Hồ. Bởi, Bác đến với mọi người một cách rất tự nhiên và bình dị, mọi nghi thức đối với Người đều trở thành không cần thiết.

Với phong cách quần chúng, tác phong gần dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với mọi người một cách rất tự nhiên và bình dị. Tác phong đó đã làm cho vị lãnh tụ và quần chúng dễ dàng hòa nhập với nhau trong sự đồng cảm sâu sắc, tạo nên sức hút kỳ lạ. Vì vậy, mọi người có thể nói hết những trăn trở, suy nghĩ của mình với Người. Qua đó, Người có thể hiểu được thực tế cuộc sống của nhân dân để đưa ra những chủ trương đúng đắn, hợp với lòng dân, tạo nên sự phát triển của đất nước.

Phong cách quần chúng của Bác là bài học về sự chuẩn mực. Vì vậy, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phong cách quần chúng, là bổn phận, danh dự của những người cán bộ, đảng viên tâm huyết với Đảng, với nhân dân. Đó là giải pháp hữu hiệu nhất để xây dựng người cán bộ cách mạng vừa “hồng”, vừa “chuyên”, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi, toàn diện công cuộc đổi mới và phát triển bền vững đất nước.

Nguyễn Văn Thanh

CNQP&KT - Một trong những phong cách nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay phải học tập và làm theo, đó là phong cách quần chúng, gần dân, lắng nghe dân, yêu thương dân, làm việc gì cũng phải nghĩ đến lợi ích của đất nước, của nhân dân.

Đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong di sản vô giá của Người, trong đó, phong cách sống và làm việc gần gũi, gắn bó với quần chúng nhân dân sẽ “mãi ngàn đời ngát hương thơm” với dân tộc, với các thế hệ người Việt Nam. Bằng tình cảm kính trọng phong cách của Người, cố Đại tá, nhạc sĩ Thuận Yến đã khái quát bằng những ca từ thật xúc cảm trong ca khúc “Bác Hồ một tình yêu bao la”: “Cả cuộc đời rất thanh cao không gợn chút riêng tư, mãi ngàn đời ngát hương thơm trong tâm hồn Việt Nam”.

Cần phải nói rằng, phong cách gần gũi, gắn bó với quần chúng nhân dân bắt nguồn từ sự thấm nhuần sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin: Quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Hồ Chí Minh có lòng tin vô tận đối với quần chúng, luôn chăm lo tăng cường mối liên hệ với quần chúng và coi đó là nguồn sức mạnh tạo nên mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Người nói: “Nước lấy dân làm gốc, gốc có vững, cây mới bền”; “xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Người thường xuyên căn dặn các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải coi trọng mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng, phải thể hiện tinh thần phụ trách trước nhân dân. Người nhấn mạnh: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

“Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”.

(Chủ tịch HỒ CHÍ MINH)

Hồ Chí Minh đã nhiều lần phê phán tệ xa rời quần chúng, lên mặt “quan cách mạng”, “quan nhân dân” không thấy mình là đầy tớ, người học trò của nhân dân. Người nêu lên quan điểm rất rõ: Không phải cứ viết lên trán hai chữ cộng sản thì đương nhiên sẽ được mọi người quý trọng. Quần chúng nhân dân chỉ quý trọng những người có đức, có tài, hết lòng phụng sự nhân dân. Phải yêu dân, kính dân thì dân mới dành sự yêu kính cho mình. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Làm cho dân kính, dân yêu, dân tin, dân phục là vấn đề thuộc về lòng người. Nếu cứ ỷ vào quyền lực chỉ có thể làm cho dân e ngại, xa lánh và chán ghét chứ không thể giành được sự tin yêu, kính phục. Với phong cách gần gũi, cởi mở, người dân từ già đến trẻ thuộc mọi tầng lớp, dân tộc, mọi thế hệ đều gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hai tiếng “Bác Hồ”. Sự thực, Người đến với quần chúng nhân dân một cách rất tự nhiên và bình dị, mọi nghi thức dường như không cần thiết.

Phong cách quần chúng của đảng viên
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nông dân gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: TL

Năm 1961, khi về thăm lại Pắc Pó, Cao Bằng, thấy đồng bào tổ chức đón tiếp, Người nói: "Tôi về thăm nhà mà sao phải đón tôi". Khi đi thăm dân, Người không muốn có nhiều bảo vệ vì nhân dân đã bảo vệ Người. Xuống thăm đồng bào, Người gặp gỡ bà con nông dân ngay trên đồng ruộng, bỏ dép, xắn quần, lội nước nơi bà con đang cấy, hoặc cũng tát nước như một lão nông dân quen thuộc việc đồng áng. Đi thăm tàu bộ đội hải quân, Người cầm lái như thủy thủ. Đến thăm các cháu thiếu nhi, Người cùng nắm tay vui hát bài ca “Kết đoàn”. Tác phong quần chúng bình dị ấy tạo cho quần chúng đến với Người không chút e ngại, cũng bình dị, tự nhiên như họ vẫn sống hằng ngày. Nhờ vậy, mọi người có thể nói hết những suy nghĩ, trăn trở còn Người thì lắng nghe để có thể hiểu được những khó khăn, mong muốn của quần chúng nhân dân. Từ phong cách gắn bó máu thịt, gần gũi với quần chúng nhân dân của Người mà “Những ai đã từng một lần được tiếp xúc với Hồ Chí Minh đều cảm nhận một điều: Người chủ động xóa bỏ mọi nghi thức, đến thẳng với trái tim con người bằng một tình cảm thân thiết, gần gũi như người nhà, thành thực, hồn nhiên, không một chút gắng gượng”.

Những năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong đó cán bộ, đảng viên cần tu dưỡng, rèn luyện theo phong cách, gần gũi, gắn bó với quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã trở thành những người tiền phong gương mẫu trong lời nói và việc làm. Đặc biệt là những cán bộ đảm nhiệm cương vị lãnh đạo, quản lý đã luôn bám nắm cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của quần chúng nhân dân để tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước xây dựng các chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn, hợp lòng dân, được quần chúng nhân dân tin tưởng.

“Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”.

                                                  (Chủ tịch HỒ CHÍ MINH)                           

Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong thực thi công vụ, trong thời gian tới, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện theo phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ thể là:

Một là, phải đặt lợi ích của quần chúng nhân dân lên trên hết. Trong mọi hoạt động của người cán bộ, đảng viên phải luôn dựa vào sức mạnh của dân, xuất phát từ lợi ích của nhân dân, đi đúng đường lối quần chúng.

Hai là, phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Sinh thời, Người thường xuyên căn dặn các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải coi trọng mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 10 năm (1955-1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh có khoảng 700 cuộc đi về các địa phương, đến với bộ đội, công nhân, nông dân, trí thức và các tầng lớp nhân dân miền ngược cũng như miền xuôi. Vì vậy, học và làm theo Bác, cán bộ, đảng viên cần tích cực về cơ sở để nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý.

Ba là, việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho mọi người hiểu rõ. Hết sức tránh tệ quan liêu, xa rời quần chúng, lên mặt “quan cách mạng” cửa quyền, mệnh lệnh, theo kiểu “thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều. Ngồi một nơi chỉ tay năm ngón, không chịu xuống địa phương kiểm tra công tác”.

Bốn là, có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước quần chúng và hoan nghênh nhân dân phê bình mình. Mỗi cán bộ, đảng viên phải hiểu rằng, đã làm việc thì không tránh khỏi khuyết điểm. Không ít người e ngại, khi thực hiện tự phê bình và phê bình sẽ làm mất uy tín cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Có hoạt động thì khó tránh khỏi khuyết điểm. Nhưng khi có khuyết điểm thì phải thật thà tự phê bình, hoan nghênh người khác phê bình mình và kiên quyết sửa chữa”. Đó cũng là cách tốt nhất để làm cho dân tin.

Năm là, cán bộ, đảng viên cần gương mẫu trước dân. Để dân biết, dân tin, dân làm theo, mỗi cán bộ, đảng viên phải “miệng nói, tay làm”, thống nhất lời nói với hành động. Nghiêm túc thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, kiên quyết đấu tranh với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Có như thế người cán bộ cách mạng mới được dân mến, dân tin, dân phục, mới có thể công tâm, sâu sát, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân.

Phong cách sống và làm việc gần gũi, gắn bó với quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là bài học mà còn là chuẩn mực cho việc xây dựng phong cách người cán bộ cách mạng. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để hoàn thiện bản thân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và sự yêu quý của quần chúng nhân dân.

Đại tá, TS. NGUYỄN TIẾN HẢI

Học viện Chính trị

_________________

Tài liệu tham khảo

1. Đặng Xuân Kỳ (chủ biên), Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội 2004.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.1 - t.12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2002.

3. Hồ Chí Minh: Về Nhà nước và pháp quyền, NXB Pháp lý. H.1979.