Thủ tục nghĩa là gì

Mục lục bài viết

  • 1.Khái niệm thủ tục hành chính nhà nước
  • 2. Đặc điểm của thủ tục hành chính nhà nước
  • 3. Thẩm quyền ban hành các thủ tục hành chính nhà nước
  • 4. Phân loại thủ tục hành chính nhà nước
  • 5. Nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong thực hiện thủ tục hành chính nhà nước.

1.Khái niệm thủ tục hành chính nhà nước

Theo nghĩa chung nhất, thủ tục là phương thức, cách thức giải quyết công việc theo một trình tự nhất định, một thể lệ thống nhất, gồm một loạt nhiệm vụ liên quan chặt chẽ với nhau nhằm đạt được kết quả mong muốn.

Hoạt động của các cơ quan nhà nước cần phải tuân theo pháp luật, trong đó có những quy định về trình tự, cách thức sử dụng thẩm quyền của từng cơ quan để giải quyết công việc theo chức năng nhiệm vụ được giao. Khoa học pháp lý gọi đó là những quy phạm thủ tục.

Thủ tục hành chính là”Trình tự, cách thức giải quyết công việc của cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền trong mối quan hệ nội bộ hành chính và mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức công dân”.

Thủ tục hành chính được quy định để các cơ quan nhà nước có thể thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước, bao gồm: trình tự thành lập các công sở; trình tự bổ nhiệm, bãi nhiệm, điều động cán bộ, công chức; trình tự lập quy, áp dụng quy phạm pháp luật để đảm bảo các quyền chủ thể, trình tự điều hành, tổ chức các tác nghiệp hành chính...

2. Đặc điểm của thủ tục hành chính nhà nước

Thứ nhất, thủ tục hành chính được điều chỉnh bằng quy phạm thủ tục là cơ sở pháp lý cho các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng của mình.

Thủ tục hành chính là một bộ phận cấu thành của hệ thống quy phạm thủ tục. Hệ thống quy phạm thủ tục là toàn bộ các quy tắc pháp lý quy định về trình tự, trật tự thực hiện thẩm quyền của các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết công việc công việc nhà nước và thực hiện nghĩa vụ hành chính đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức và công dân.

Đó cũng chính là các hệ thống các nguyên tắc quản lý và điều hành bắt buộc các cơ quan nhà nước cũng như các công chức phải tuân theo trong giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của mình.

Hoạt động quản lý chủ yếu là hoạt động áp dụng pháp luật mà ở đó, hành vi áp dụng pháp luật liên quan chủ yếu đến việc xác định tình trạng thực tế của vụ việc, lựa chọn quy phạm pháp luật tương ứng và ra quyết định về vụ việc đó.

Thứ hai, thủ tục hành chính là trình tự thực hiện thẩm quyền trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Xét trong quá trình giải quyết công việc của các cơ quan hành chính nhà nước thì thủ tục hành chính là cách thức, trình tự mà các cơ quan hành chính nhà nước áp dụng để giải quyết các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Trình tự này có thể từ dưới lên, từ cấp trên xuống mà cũng có những trình tự thực hiện song hành.

có thể thấy thủ tục hành chính được phân biệt với thủ tục lập pháp và thủ tục tố tụng pháp. Thủ tục lập pháp là trình tự, cách thức xây dựng Hiến pháp và ban hành luật thuộc thẩm quyền của cơ quan lập pháp; thủ tục tố tụng tư pháp thuộc thẩm quyền của cơ quan tư pháp liên quan đến những hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, định tội.

Thứ ba, thụ tục hành chính rất đa dạng và phức tạp. Tính đa dạng phức tạp được biểu hiện như sau:

Do nhiều cơ quan và công chức nhà nước thực hiện;

Quy định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia mối quan hệ hành chính, trong đó bao gồm cả công việc của Nhà nước và công dân;

Việc quy định thủ tục hành chính phải kết hợp với những khuôn mẫu ổn định tương đối và chặt chẽ với các biện pháp thích ứng cho từng loại công việc và từng loại đối tượng;

Nền hành chính nhà nước hiện nay đang chuyển từ hành chính cai quản sang hành chính phục vụ đã tác động mạnh mẽ vào thủ tục hành chính;

Thực hiện chủ yếu ở công sở nhà nước, gắn liền với công tác văn thư và tổ chức ban hành, quản lý văn bản, giấy tờ;

Do chủ thể cơ quan hành chính nhà nước xây dựng để giải quyết công việc nên phụ thuộc rất nhiều vào ý chí chủ quan của chủ thể ban hành.

Trong bối cảnh của quá trình hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay, các thủ tục hành chính có yếu tố nước ngoài cần phải phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ tư, thủ tục hành chính có tính năng động hơn so với các quy phạm nội dung của luật hành chính, đòi hỏi phải thay đổi nhanh hơn để thích ứng và phù hợp với nhu cầu thực tế của đời sống xã hội. Đây chính là yếu tố cần nhận thức đúng đắn giúp cho các nhà ban hành các quy định thủ tục hành chính ban hành các quy định phù hợp với thực tế khách quan và tiến trình phát triển kinh tế xã hội.

3. Thẩm quyền ban hành các thủ tục hành chính nhà nước

Thủ tục hành chính phải được xây dựng phù hợp với pháp chế xã hội chủ nghĩa, phù hợp với luật pháp hiện hành của Nhà nước. Theo đó, chỉ những cơ quan nhà nước có thẩm quyền do pháp luật quy định mới được ban hành thủ tục hành chính.

Ngoài luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ, chỉ có Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ mới có thẩm quyền quy định các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các quy định đó. Đối với một số quy định thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ, ngành trung ương nhưng cần phải có quy định riêng để phù hợp với đặc điểm của một số địa phương thì các Bộ, ngành Trung ương có văn bản ủy quyền cho Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quy định. Các quy định này của Ủy ban Nhân dân tỉnh , thành phố phải có sự thống nhất của Bộ, ngành quản lý về lĩnh vực đó và phải được công bố công khai như quy định thủ tục hành chính của Bộ, ngành.

Theo quy định của Nghị định số: 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính:

Thủ tục hành chính phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành hoặc trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành; do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành.

4. Phân loại thủ tục hành chính nhà nước

Theo đối tượng quản lý của Nhà nước

Các thủ tục hành chính được xây dựng cho từng lĩnh vực quản lý nhà nước và được phân loại theo cơ cấu, chức năng của bộ máy quản lý nhà nước hiện hành.

Ví dụ:

- Thủ tục cấp giấy phép xây dựng

- Thủ tục đăng ký kinh doanh

- Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

- Thủ tục hộ tịch, hộ khẩu

Theo công việc của cơ quan Nhà nước Cách phân loại này, đơn giản có khả năng áp dụng rộng rãi.

Theo cách phân loại này, thủ tục hành chính bao gồm:

- Thủ tục thông qua và ban hành văn bản: Thủ tục thông qua và ban hành quyết định hành chính, thủ tục thông qua và ban hành văn bản hành chính.

- Thủ tục tuyển dụng cán bộ, công chức: thủ tục tuyển dụng cán bộ quản lý, tuyển dụng cán bộ kỹ thuật, tuyển dụng nhân viên...

- Thủ tục khen thưởng cán bộ, công chức.

Đặc điểm của các thủ tục trên là chúng gắn liền với hoạt động cụ thể của các cơ quan, phản ánh tính đặc thù trong quá trình vận dụng các thủ tục đó vào thực tiễn. Cách phân loại này có ý nghĩa thực tiễn quan trọng, giúp cho các chủ thể thủ tục hành chính định hướng dễ dàng và chính xác hơn trong giải quyết các công việc có liên quan.

Theo chức năng chuyên môn Cách phân loại này thường được áp dụng trong các cơ quan có chức năng quản lý chuyên môn.

Các cơ quan chuyên môn thực hiện các hoạt động của mình phải đảm bảo những thủ tục cần thiết theo yêu cầu chung của Nhà nước. Theo cách phân loại này, có các loại thủ tục hành chính như sau:

- Thủ tục cung cấp các dịch vụ thông tin

- Thủ tục kiểm tra mức độ an toàn trong lao động

- Thủ tục hải quan

Theo quan hệ công tác

Theo quan hệ công tác phân thành ba nhóm thủ tục sau đây:

- Thủ tục hành chính nội bộ: Thủ tục hành chính nội bộ là thủ tục thực hiện các công việc nội bộ trong cơ quan nhà nước, trong hệ thống cơ quan nhà nước và trong bộ máy nhà nước nói chung. Chúng bao gồm các thủ tục quan hệ lãnh đạo, kiểm tra của các cơ quan nhà nước cấp trên với cơ quan nhà nước cấp dưới; quan hệ hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan cùng cấp, ngang cấp, ngang quyền; quan hệ công tác giữa chính quyền cấp tỉnh với các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chuyên môn của ủy ban nhân dân cấp trên.

Thủ tục hành chính nội bộ thường là thủ tục ban hành những quyết định chủ đạo, thủ tục ban hành quyết định quy phạm, thủ tục ban hành các quyết đinh cá biệt nội bộ, thủ tục khen thưởng kỷ luật, thủ tục lập các tổ chức và thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ nhà nước.

- Thủ tục hành chính thực hiện thẩm quyền, Là thủ tục tiến hành giải quyết các công việc liên quan đến quyền và lợi hợp pháp của công dân.

Thủ tục hành chính thực hiện thẩm quyền gồm: thủ tục cho phép, thủ tục ngăn cấm hay cưỡng chế thi hành, thủ tục trưng thu, trưng mua, trưng dụng.

Thủ tục cho phép, là thủ tục giải quyết các yêu cầu, đề nghị của công dân trong trường hợp công dân muốn thực hiện các hành vi phải xin phép nhà nước. Các cơ quan nhà nước giải quyết bằng các quyết định hành chính cá biệt.

Thủ tục trưng thu, trưng dụng, trong một số trường hợp theo luật định, cơ quan hành chính có thẩm quyền được thực hiện quyền trưng thu, trưng dụng trưng mua

Thủ tục hành chính văn thư Đây là những thủ tục liên quan đến toàn bộ các hoạt động lưu trữ, xử lý, cung cấp công văn giấy tờ và đưa ra các quyết định dưới hình thức văn bản để phục vụ cho việc giải quyết một công việc nhất định. Loại thủ tục này có liên quan chặt chẽ với hoạt động văn thư và thường xuyên xảy ra trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

Ví dụ: Thủ tục đăng ký kinh doanh thuộc nhóm các thủ tục hành chính được phân theo từng lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước nhưng cũng có thể được xem là một loại thủ tục văn thư.

5. Nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong thực hiện thủ tục hành chính nhà nước.

Quy định rõ ràng chế độ công vụ Thủ tục hành chính liên quan đến thể chế quản lý, tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, quy chế làm việc và sự phối hợp giữa các cơ quan hành chính. Do vậy, các cơ quan hành chính nhà nước phải quy định một cách hợp lý về thể chế quản lý thích hợp, phân công, phân nhiệm rõ ràng để tránh tình trạng vô trách nhiệm, giảm bớt phiền hà khi giải quyết công việc. Cụ thể là các cơ quan phải xây dựng được quy chế hoạt động chuẩn của cơ quan để tổ chức điều hành các hoạt động trong nội bộ cơ quan được suôn sẻ và làm căn cứ, trong đó cần phải nêu rõ mục tiêu hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của lãnh đạo cơ quan và các phòng ban chức năng liên quan cũng như sự phối hợp giữa họ với nhau trong quá trình giải quyết công việc cho dân.

Công khai hóa các thủ tục hành chính nhà nước

- Niêm yết tại công sở;

- Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng;

- Các chương trình phổ biến pháp luật;

- Bản thân cơ quan và công chức nhà nước phải gương mẫu thực hiện.

- Không tuỳ tiện thay đổi hoặc bổ sung các thủ tục thiếu căn cứ;

Thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính nhà nước Các cơ quan nhà nước cần rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của cơ quan trong các văn bản quy phạm pháp luật của các cấp có thẩm quyền.

Thực hiện đầy đủ các giai đoạn trong giải quyết công việc cụ thể Gồm 4 giai đoạn:

- Khởi xướng vụ việc;

- Xem xét và ra quyết định giải quyết vụ việc;

- Thi hành quyết định xử lý;

- Khiếu nại và xem xét lại quyết định đã ban hành khi phát hiện có tình tiết mới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực và đạo đức công vụ trong thực hiện thủ tục cải cách hành chính

- Về trình độ nghiệp vụ: Phải được được đào tạo bài bản về chuyên môn lĩnh vực công tác và bố trí công việc phù hợp chuyên môn; - Về đạo đức công vụ: Phải nhận thức rõ bản chất của hành chính là phục vụ để khi thực thi thái độ và hành vi đều phải thể hiện rõ tính phục vụ tận tình và hết trách nhiệm.

- Có sự phân công trách nhiệm rõ ràng và sự hợp tác chặt chẽ trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính:

+ Quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan, công chức trong việc thực hiện thủ tục hành chính;

+ Quy định phương thức phối hợp giữa các bộ phận trong cơ quan;

+ Quy định phương thức phối hợp giữa các cơ quan nhà nước.