Cán bộ và công tác cán bộ là gì

C.Mác và Ph.Ăng ghen đã chỉ rõ: “Muốn thực hiện tư tưởng thì cần có những con người sử dụng lực lượng thực tiễn”. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “Muốn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Người chĩ rõ: “Đảng phải sử dụng cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây quý báu”, “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Vì vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác cán bộ và xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng. Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: Công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là "then chốt" của nhiệm vụ "then chốt", có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ; sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là một trong những phương hướng đã được Đại hội Đảng XIII xác định.

Những năm gần đây, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận về công tác cán bộ. Trong đó phải kể đến Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo;” Nghị quyết số 26-NQ/TW (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Để quy chuẩn nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác, đặc biệt từ khi Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ra đời, đã có nhiều văn bản của Đảng về công tác đánh giá cán bộ. Trong đó nổi bật là Quy chế đánh giá cán bộ, công chức (ban hành theo Quyết định số 286-QĐ/TW ngày 8/2/2010 của Bộ Chính trị khóa X). Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá cán bộ, Bộ Chính trị (khóa XII) có Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04/8/2017 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và Quy định số 90-QĐ/TW ngày 04/8/2017 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Tiêu chuẩn cán bộ và khung tiêu chí đánh giá từng loại cán bộ được ban hành theo Quy định số 89-QĐ/TW, Quy định số 90-QĐ/TW đã thể hiện quyết tâm của Đảng trong đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, đấu tranh không khoan nhượng với tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, lợi ích nhóm trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đây cũng là công cụ để Đảng kiểm soát quyền lực cán bộ, nhân dân giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên trong việc sử dụng quyền lực được giao.

Tiếp tục khẳng định vai trò của cán bộ và công tác cán bộ giai đoạn hiện nay, trong văn kiện Đại hội Đảng XIII, “xây dựng, chỉnh đốn Đảng về cán bộ” lần đầu tiên được nhắc đến với tư cách là nội dung thứ năm nhằm tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh hơn nữa vị trí, vai trò của cán bộ và công tác cán bộ mà Đảng ta đã vốn coi là nhiệm vụ then chốt của then chốt, cụ thể là "Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Dành sự quan tâm đặc biệt để xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, đồng thời tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên phát huy năng lực, sở trường trong công tác, ngay đầu nhiệm kỳ XIII, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Điều này một lần nữa khẳng định đây là vấn đề được Đảng rất quan tâm, qua đó giúp cán bộ, đảng viên tự tin hơn, dám bước qua những lối mòn, những thách thức, có thêm những cơ hội để cống hiến cho đất nước, cho nhân dân. Kết luận số 14-KL/TW là sự cụ thể hóa một trong những phương hướng của nhiệm kỳ XIII đã được Đảng xác định là xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, Kết luận 14-KL/TW cũng nêu vấn đề “khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm”. Những dự liệu này góp phần tạo niềm tin và động lực để cán bộ, đảng viên dám dấn thân cống hiến vì lợi ích chung. Việc xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm là giải pháp căn cơ đối với công tác cán bộ, qua đó thúc đẩy sự phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương và rộng hơn là sự phát triển của cả đất nước. Đây chính là cơ chế tạo động lực cho sự đổi mới, bứt phá, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam phồn thịnh, phát triển đúng như tinh thần Đại hội XIII của Đảng đã xác định.

Bên cạnh đó, để tạo bước đột phá, siết chặt kỷ luật kỷ cương đối với đội ngũ lãnh đạo quản lý các cấp, ngày 03/11/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Quy định này thay thế Quy định số 260-QĐ/TW ngày 2/10/2009 của Bộ Chính trị và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Quy định số 41-QĐ/TW có nhiều điểm mới, khắc phục những điểm chưa phù hợp so với quy định trước đây đồng thời thể hiện quyết tâm chính trị cao trong xử lý cán bộ theo hình thức miễn nhiệm, từ chức. Những nội dung trong Quy định số 41-QĐ/TW có nhiều điểm mới, rõ ràng hơn, lượng hóa, nhân văn hơn, sát với thực tế hiện nay hơn so với Quy định số 260-QĐ/TW và các quy định khác về việc từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước. Quy định nêu rõ kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức với cán bộ khi có đủ căn cứ. Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm. Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy định thì có thẩm quyền xem xét cho cán bộ miễn nhiệm, từ chức. Quy định cũng đã định lượng hóa cụ thể về sự tín nhiệm, uy tín của cán bộ để xem xét việc miễn nhiệm và từ chức, cụ thể là: khi cán bộ có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định sẽ là căn cứ để miễn nhiệm; cán bộ có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định sẽ là căn cứ để cho cán bộ từ chức. Những điểm mới này sẽ khắc phục được tình trạng cán bộ mắc sai phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, miễn nhiệm nhưng lại xin từ chức để giảm bớt khuyết điểm. Việc ban hành Quy định số 41-QĐ/TW là một bước hoàn thiện hơn công tác quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng ta, để việc từ chức của những cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu về năng lực trình độ dần trở thành nét "văn hóa", "lẽ tự nhiên" hơn.

Từ ngày thành lập Đảng đến nay, nhất là trong thời kỳ đổi mới, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo quản lý nói riêng luôn được Đảng ta chú trọng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong đó xác định cán bộ, công tác cán bộ là vấn đề then chốt. Các nghị quyết, quy định, kết luận của Đảng cần sớm được luật hóa để thực thi trong cuộc sống. Thực hiện nghiêm túc các quy định này sẽ tạo ra những thay đổi về nhận thức trong công tác cán bộ, từ đó tăng cường trách nhiệm từ lựa chọn cán bộ, rèn luyện cán bộ đáp ứng yêu cầu về năng lực, phẩm chất: “có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.