Có cái hồ gươm nào không ở sài gòn k

Một người bạn thân của tôi, một nhà thơ Mỹ tên là Frederick Turner, người đã nhiều lần lọt vào đề cử giải Nobel Văn chương – khi sang Hà Nội thăm tôi, tôi đã đưa ông lên tầng cao ở Hàm Cá Mập vừa ngồi uống bia, vừa ngắm Hồ Gươm. Dường như cái hồ đặc biệt này đã hút hồn ông. Mà thú thực, Hồ Gươm đẹp thật – một vẻ đẹp không tàn phai qua thời gian. Một vẻ đẹp vĩnh cửu. Nhạc sĩ – ca sĩ Trần Thụ đã từng viết giai điệu: “Hồ Gươm thân yêu của Thủ đô – Hồ Gươm bông hoa của thành phố – tỏa hương mát lành…”. Turner cứ trầm ngâm, lặng lẽ ngắm Hồ Gươm trên một tầng cao, lặng lẽ thưởng thức bia Hà Nội, rồi chợt lúc thốt lên: “Đây là cái hồ giữa thủ đô đẹp nhất so với những cái hồ ở những thủ đô khác mà tôi từng đến”. Thấy bạn ngợi ca rất thành thật, tôi đọc tặng ông bài thơ “Hồ Gươm” của tôi:

Mảnh nắng chiều hiện tấm lưng rùa vàng Mặt hồ thầm truyền thuyết Vẻ đẹp ấy đâu chỉ riêng tôi biết Sao lén như nhặt được của rơi

Gió ùa lên níu tôi vẩn vơ ngồi Ngồi đến nỗi muốn xanh vào liễu biếc Muốn tĩnh lặng Ngọc Sơn hương ngát Và nhô lên đột ngột Tháp Rùa

Em mảnh mai xõa tóc cỏ non tơ Ngỡ em thu cả nước hồ vào dáng Trong viên sỏi ai vừa vô tình ném Có tình yêu tôi gửi xuống đáy sâu

Hồ Gươm, Trong phẳng lặng có gì cuồn cuộn thế Ngỡ báo táp giữa ngực tôi thủ thỉ Và đâu đây tiếng hát người câm

Gương mặt Turner rạng rỡ khi nghe dịch ý bài thơ này qua tiếng Anh. Chiều ấy thật ấn tượng. Đúng là “Bia ngon nhắm với Hồ Gươm”.

Từ lâu. Hồ Gươm đã như cột mốc đầu tiên – “Cột mốc số 0” của người Việt Nam. Ai đi xa cũng muốn ngắm nhìn Hồ Gươm lúc khởi hành. Ai trở về cũng muốn gặp Hồ Gươm đầu tiên. Biết bao người lính từ Hà Nội vào chiến trường ngày chống Mỹ đã có kỷ niệm chia tay với Hồ Gươm của riêng mình. Tôi cũng đã có một đêm như thế trước ngày vào Quảng Trị năm 1972. Và có lẽ, cũng tự mỗi người, ai cũng tự chọn cho mình một cộc mốc số 0 không riêng của mình. Có thể đó là tất cả Hồ Gươm. Có thể đấy là Tháp Rùa nhô lên giữa hồ. Có thể đấy là nhà Thủy Tạ. Có thể đấy là Đền Ngọc Sơn. Có thể… và có thể với bất cứ chỗ nào đã gắn với kỷ niệm của họ. Hồi còn xe điện thì có lẽ cái bến xe điện Hồ Gươm ở ngay chỗ Hàm Cá Mập nhìn xuống thường được coi là cột mốc số 0. Đến hôm nay, khi Việt Nam hội nhập thế giới mạnh mẽ, Hồ Gươm lại thành cột mốc số 0 của bao khách du lịch từ mọi quốc gia đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Hà Nội, của Việt Nam.

Trong Cuộc thi thiết kế công trình Cột mốc Km số 0 thuộc dự án “Đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Hoàn Kiếm”, Ban tổ chức đề xuất 4 vị trí để xây dựng Cột mốc Km0:

  • Vị trí 1: Khu vực ngã tư phố Đình Tiên Hoàng – Hàng Khay (vị trí đồng hồ Thụy Sỹ hiện nay);
  • Vị trí 2: Phía bên bờ hồ đối diện tượng Lý Thái Tổ;
  • Vị trí 3: Sân trước tượng đại Lý Thái Tổ;
  • Vị trí 4: Do người dự đề xuất, nằm trong khuôn khổ Dự án

Tôi không tham gia cuộc thi vì không phải là chuyên ngành của tôi, nhưng với tư cách nhà báo thì tôi muốn đề xuất cột mốc số 0 là khu đất mà có tượng đài “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Nơi đây, khi xưa là nơi đặt bia tưởng vọng nhà truyền đạo Alexandra de Rhodes. Người đã truyền bá sâu rộng chữ quốc ngữ ở Việt Nam. Đây là một vị trí gồm nhiều quần thể văn hóa. Trước hết cạnh hồ phía đảo đất giữa mặt nước có đền Ngọc Sơn. Nếu Hồ Gươm là Nhất nguyên thì Tháp Rùa và Đền Ngọc Sơn tạo nên lưỡng nghi. Từ lưỡng nghi này mà ta mới nhận ra tứ tượng. Nối đền Ngọc Sơn với bờ hồ là Cầu Thê Húc nên thơ. Đầu cầu bên bờ là Tháp Bút “Tả Thanh Thiên”. Bước qua đường là sang Đền Bà Kiệu và khoảnh đất nhỏ mà khi xưa đặt bia tưởng vọng nói trên. Khi dựng cụm tượng đại, người ta đã dỡ bỏ bia nằm lăn lóc, có người mới mang về Bảo tàng Lịch sử. Nếu làm công trình cột mốc Km số 0 ở vị trí này thì khôi phục luôn cả bia tưởng vọng, vì ở Sài Gòn vẫn còn con đường mang tên ông bên hông Dinh Độc Lập.

Đấy là nói theo chiều hướng thiết kế công trình. Còn theo tôi có hai cách chẳng cần phải xây dựng gì thêm, chỉ cần công nhận là xong. Cách thứ nhất là coi toàn bộ Hồ Gươm là cột mốc Km số 0. Một cột mốc độc đáo nhất thế giới. Một cột mốc bằng một cái hồ. Một cột mốc bằng nước. Mở đầu trường ca “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi đã coi Hồ Gươm là khởi sự của trường ca: “Đây Hồ Gươm” rồi mới đến “Hồng Hà”, rồi mới đến “Hồ Tây”. Ông đã miêu tả rất đẹp : “Hà Nội đẹp sao – Ôi nước Hồ Gươm xanh thắm lòng – Bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng”. Nhân đây cũng nhấn thêm chữ “xanh” vì trước khi có tên là “Hồ Hoàn Kiếm” hay “Hồ Gươm” thời Hậu Lê thì thời Trần, gọi là Hồ Lục Thủy. Đây chính là nơi luyện tập của thủy binh nhà Trần, những anh hùng sông nước đã từ đây đi tới chiến thắng Bạch Đằng đánh bại quân Nguyên Mông lần thứ III vô cùng hiển hách. Ý nghĩa cột mốc Km số 0 còn ẩn giấu cả một hành trình lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam. Nếu Trần Thụ gọi Hồ Gươm là “Bông hoa của thủ đô” thì Văn Ký lại ví von “Hồ Gươm xanh như ánh mắt em xanh”. Hồ Gươm vừa hùng tráng vừa lãng mạn như truyền thuyết của nó mà nhạc sĩ – kiến trúc sư Hoàng Phúc Thắng đã ví von như “Giọt lệ ngàn năm giữa lòng thành phố” để thấy thêm ở đó còn có cả sự bi thương và khát vọng hòa bình của cả dân tộc.

Cách thứ hai, nếu muốn cụ thể hơn thì chọn cột mốc Km số 0 là chính Tháp Rùa – một cột mốc sừng sững giữa hồ qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử. Chỉ cần thống nhất được ý tưởng thì không cần phải tốn kém gì khi thiết kế và xây dựng. Nó đã vốn có. Chỉ do bị khuất lấp bởi những gì đó như sương khói thường mờ ảo nơi mặt hồ. Chỉ cần một ánh nắng trong lành của bình minh chiếu dọi thì nó sẽ hiện lên sừng sững trước thời gian.