Đánh giá thực trạng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hiện nay

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trong Chương trình Kinh doanh & Pháp luật, phát sóng trên VTV2 về vấn đề: XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI NHÃN HIỆU. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu hỏi 1: Như phóng sự ngắn mà chúng tôi vừa đề cập phần nào phản ánh thực trạng xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu hiện nay. Luật sư đánh giá như thế nào về thực trạng này? (số lượng, quy mô, tính chất, đối tượng, hình thức xâm phạm…?)

Trả lời:

Cùng với sự phát triển của nền sản xuất hàng hoá, các nhãn hiệu và tên thương mại (một tài sản kinh doanh có giá trị đặc biệt) đóng vai trò quyết định đối với sự tồn tại, phát triển của chủ thể kinh doanh. Việc sử dụng nhãn hiệu trong quá trình tiếp thị hàng hóa không chỉ quan trọng đối với nền kinh tế nội địa mà còn có ý nghĩa to lớn trong thương mại quốc tế. Rõ ràng là nhu cầu và hoạt động của các thương nhân quốc tế là động lực để áp dụng các chế độ pháp lý, cả ở nội địa và quốc tế để điều chỉnh nhãn hiệu. Các nhu cầu của thương mại quốc tế dẫn đến sự hình thành, bắt đầu từ cuối thế kỉ 19, các hiệp ước và công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ khác nhau. Nhãn hiệu được coi là biểu tượng tinh túy của uy tín thương mại

Xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam hiện nay đã và đang trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN), thời gian gần đây, xâm phạm quyền SHCN vẫn gia tăng và diễn biến phức tạp, các hành vi xâm phạm quyền SHCN diễn ra ở hầu hết các đối tượng SHCN như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, cạnh tranh không lành mạnh. Trên thị trường thì hàng hóa giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền ngày càng nhiều và khó phân biệt, đặc biệt những nhóm hàng thuộc lĩnh vực công nghệ cao như thiết bị máy tính, thuốc chữa bệnh hay nhóm hàng hóa phục vụ tiêu dùng như quần áo, mỹ phẩm, …Việc xâm phạm quyền SHCN còn xuất hiện ở nhóm hàng hóa có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thuốc bảo vệ thực vật, sắt thép xây dựng, thực phẩm, đồ uống, …trong khi các cơ quan chức năng đang cố gắng hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền SHCN thì tính chất, mức độ xâm phạm quyền SHCN ngày càng diễn ra nghiêm trọng và phức tạp.

Câu hỏi 2: Vậy, nhãn hiệu có phải đối tượng SHCN bị xâm phạm nhiều nhất không, thưa luật sư? Thường tập trung vào ngành hàng nào, thưa luật sư?

Trả lời:

Các hành vi xâm phạm quyền SHCN diễn ra ở hầu hết các đối tượng SHCN như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, … trong đó xâm phạm diễn ra nhiều nhất đối với nhãn hiệu.

Sở dĩ tình trạng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu diễn ra nhiều hơn là do xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu dễ thực hiện, nhanh chóng và đem lại lợi nhuận trực tiếp. Còn xâm phạm quyền đối với sáng chế ít hơn vì đây là đối tượng liên quan tới sản xuất, yêu cầu người xâm phạm phải hấp thụ và tiêu hóa được công nghệ.

Các vụ vi phạm nhãn hiệu của các Doanh nghiệp nổi tiếng xảy ra trong nhiều lĩnh vực ngành hàng từ hàng hóa tiêu dùng như quần áo, thuốc lá, thực phẩm, đồ uống, …đến các loại máy móc công nghiệp, … Hàng giả, hàng nhái bày bán công khai trên thị trường với giá rẻ chỉ bằng một nửa, thậm chí chỉ bằng một phần ba so với hàng thật.

Như trên thị trường, nhiều khách hàng từng bị nhầm lẫn giữa nhãn hiệu LaVie với nhãn hiệu TaVie do cách đọc cách viết gần giống nhau. Hay việc sử dụng tên thương mại trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay là tên các vùng lãnh thổ như Đông Á, Bắc Á, Đông Nam Á, … trong khi ngân hàng lại nằm ở Việt Nam. Điều này đã khiến cho khách hàng lúng túng khi lựa chọn sản phẩm.

Câu hỏi 3: Từ thực tiễn tư vấn, giải quyết các vấn đề về sở hữu trí tuệ, Luật sư có bình luận gì?

Một thực tế cho thấy, không chỉ xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu trong nước mà ở Việt Nam, đặc biệt là các DNNVV còn có hành vi xâm phạm đối với các nhãn hiệu nước ngoài, phải không thưa Ông?

Trả lời:

Đúng như bạn nói, không chỉ xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu trong nước mà ở Việt Nam, đặc biệt là các DNNVV còn có hành vi xâm phạm đối với các nhãn hiệu nước ngoài.

Có thể lấy sản phẩm máy biến áp truyền tải & phân phối của Tập đoàn ABB, một Tập đoàn hàng đầu trên thế giới về công nghệ điện và tự động hóa có trụ sở tại Zurich, Thụy Sỹ là một ví dụ. Là một nhà sản xuất máy biến áp hàng đầu thế giới, mỗi năm Tập đoàn ABB sản xuất và đưa hơn 2.000 máy biến áp truyền tải và 500.000 máy biến áp phân phối lên lưới điện. Tại Việt Nam, ABB (Công ty TNHH ABB, website: abb.com.vn) là nhà đầu tư nước ngoài duy nhất sản xuất máy biến áp có trụ sở và nhà máy biến áp tại Km9, Quốc lộ 1A, P. Hoàng Liệt, Q. Hoàng Mai, Hà Nội.

Tuy nhiên, trong rất nhiều doanh nghiệp xâm phạm nhãn hiệu và lợi dụng uy tín của nhãn hiệu ABB trên thị trường, có thể nêu điển hình hai Doanh nghiệp vi phạm là Công ty Cổ phần Máy biến thế ABB Việt Nam (trụ sở tại cụm công nghiệp Hà Bình Phương, Thường Tín, Hà Nội) và Công ty TNHH ABB Việt Nam (trụ sở tại Đông Anh, Hà Nội; website: bienapabb.vn). Hai Doanh nghiệp này sử dụng dấu hiệu “ABB” trong tên doanh nghiệp, sản phẩm máy biến thế tương tự với nhãn hiệu và tên thương mại đang được bảo hộ của Tập đoàn ABB, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn với sản phẩm cùng loại của Tập đoàn ABB.

Do đó, để tránh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì bản thân những người có tài sản trí tuệ phải tự bảo vệ mình bằng cách đăng ký quyền SHTT, áp dụng những biện pháp kỹ thuật như sử dụng những nhãn hiệu, liên kết để tránh tình trạng nhãn hiệu bị sử dụng một cách biến dạng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Câu hỏi 4: Rõ ràng, hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu khá phổ biến. Vậy, điều này ảnh hưởng như thế nào đến thị trường, các DN chân chính cũng như người tiêu dùng, thưa Luật sư?

Trả lời:

Trong những năm vừa qua tình hình vi phạm pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu diễn ra ở nước ta có số lượng ngày một nhiều, xảy ra ở nhiều nơi với quy mô, số lượng sản phẩm vi phạm lớn, tính chất nguy hiểm ngày càng cao. Sự vi phạm đó đã xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh.

Những hành vi xâm phạm trên không những gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp mà còn có thể dẫn đến sự phá sản của doanh nghiệp, bởi người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm của doanh nghiệp do nạn hàng giả, hàng nhái. Khiến người tiêu dùng cũng bị thiệt hại khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tình trạng sản xuất buôn bán, hàng giả, hàng nhái cũng làm cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước e ngại không dám đầu tư vào Việt Nam hoặc đã đầu tư nhưng không dám mở rộng sản xuất kinh doanh. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay.

Câu hỏi 5: Như vậy, thiệt hại sau những hành vi xâm phạm đó không hề nhỏ, chưa kể khi xảy ra tranh chấp, uy tín, thương hiệu DN bị ảnh hưởng. Vậy, tại sao thực trạng này vẫn diễn ra theo xu hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, thưa Luật sư?

Trả lời:

Từ thực tiễn tư vấn, giải quyết các vấn đề về sở hữu trí tuệ cũng như nghiên cứu các quy định về sở hữu trí tuệ, tôi nhận thấy nguyên nhân dẫn đến các thực trạng trên là do do buôn bán hàng giả có lợi nhuận cao, một bộ phận người tiêu dùng thích dùng hàng gắn mác thương hiệu nổi tiếng nhưng mua với giá rẻ.

Công tác triển khai và thực thi SHTT tại Việt Nam còn nhiều khó khăn, bất cập. Đáng kể là chế tài xử phạt còn quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe khi hầu hết các vụ việc vi phạm SHTT chủ yếu vẫn còn là xử lý vi phạm hành chính. Về cơ chế, một số văn bản quy phạm pháp luật còn chưa được thống nhất khi chế tài xử lý vi phạm về SHTT được quy định ở nhiều văn bản khác nhau nên gây khó khăn cho các đơn vị thực thi. Cụ thể:

Thứ nhất, việc xác định đối tượng là nhãn hiệu bị giả mạo theo quy định tại khoản 2 Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) là khó khăn: “Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.” Tuy nhiên, trên thực tế việc xác định thế nào là “nhãn hiệu, dấu hiệu khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó” là một việc rất khó khăn đối với người không có chuyên môn về sở hữu trí tuệ, kể cả chủ sở hữu nhãn hiệu và cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Chính sự vướng mắc này mà trên thực tế việc xử lý hành chính đối hành vi xâm phạm nhãn hiệu là rất hạn chế.

Thứ hai, mức phạt quy định tại Điều 11 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP cũng chưa thực sự mạnh để có thể ngăn chặn người có hành vi xâm phạm thực hiện các hành xâm phạm khi mức xử phạt tối đa chỉ ở mức 250.000.000 đồng trong trường hợp hàng hoá vi phạm trên 500.000.000 đồng. Điều này là hết sức bất hợp lý khi đưa ra mức giá trị hàng hoá để làm căn cứ tính mức phạt.

Thứ ba, hình thức xử phạt cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.

Điểm bất cập của việc áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hiện nay là hiệu quả không cao và mang tính hình thức. Trên thực tế, người có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu có thể dựa vào các quy định này để thực hiện hành vi xâm phạm. Chẳng hạn như quy định hành vi vi phạm lần đầu với quy mô nhỏ với hàng hoá vi phạm có số lượng đến 10 đơn vị sản phẩm và có tổng giá trị đến dưới 3.000.000 đồng thì áp dụng hình phạt cảnh cáo. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, đối với hành vi buôn bán kinh doanh trực tuyến (thông qua mạng Internet, mạng xã hội) việc một cá nhân có một lúc hơn 10 đơn vị sản phẩm là rất ít. Bởi lẽ cá nhân này chỉ là một mắt xích trong chuỗi buôn bán hàng hoá trực tuyến. Do đó, rất khó khăn để có thể áp dụng hình phạt cảnh cáo trong những tình huống như thế này.

Mặt khác, phía doanh nghiệp và các chủ thể quyền trong SHTT còn chưa nhận thức được vai trò quan trọng của mình trong giải quyết các vụ việc vi phạm SHTT. Đồng thời, hầu hết các doanh nghiệp còn đang có tâm lý e ngại sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm và ảnh hưởng đến thị phần của mình trên thị trường nên chưa phối hợp với các cơ quan chức năng. Ngoài ra các doanh nghiệp hiện nay (vừa và nhỏ) còn chưa có nguồn lực và KHCN đối với việc này.

Câu hỏi 6: Qua phóng sự ngắn vừa rồi có thể thấy ứng xử của một bộ phận DN khi bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng nhận thức và có đủ nguồn lực để thực hiện. Vậy, DN nói chung, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa nên ứng xử như thế nào trong trường hợp này, thưa Luật sư?

Trả lời:

Thông thường, các nhóm hành vi xâm phạm thương hiệu phổ biến có thể kể đến là: Sử dụng các dấu hiệu, chỉ dẫn thương mại, chỉ dẫn địa lý (dấu hiệu) trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký bảo hộ cho cùng loại hàng hóa, dịch vụ hoặc cho các loại hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc có liên quan. Có thể tiến hành xử lý hành vi xâm phạm bằng việc áp dụng 4 bước sau:

Thứ nhất, xem xét tính pháp lý của thương hiệu

Trước hết, cần đánh giá thương hiệu của doanh nghiệp (về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại) đã được đăng ký bảo hộ chưa? Phạm vi bảo hộ? Cho những loại hàng hóa, dịch vụ nào?. Đây là công việc rất quan trọng, vì về nguyên tắc, quyền sở hữu thương hiệu được xác lập trên cơ sở văn bằng bảo hộ, gắn với từng nhóm hàng hóa, dịch vụ xác định. Nếu chưa được cấp văn bằng bảo hộ, thì doanh nghiệp không có quyền ngăn cấm việc sử dụng các dấu hiệu, chỉ dẫn thương mại, chỉ dẫn địa lý đó.

Thứ hai, đánh giá hành vi xâm phạm

Công việc của giai đoạn này là đánh giá xem dấu hiệu bị cho là xâm phạm trùng hay tương tự với thương hiệu được bảo hộ cho loại hàng hóa, dịch vụ đăng ký kèm theo. Đối với trường hợp dấu hiệu trùng hoặc hàng hóa, dịch vụ trùng thì sẽ dễ dàng trong việc đánh giá, đối với những trường hợp khác thì khó khăn hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể xem xét trưng cầu giám định tại Viện Khoa học sở hữu trí tuệ để có thêm cơ sở đánh giá.

Thứ ba, thu thập thông tin và lưu giữ chứng cứ về hành vi xâm phạm

Doanh nghiệp cần tiến hành các bước thu thập thông tin, chứng cứ về hành vi xâm phạm, tập trung vào các vấn đề: Hành vi xâm phạm diễn ra với quy mô như thế nào, sản xuất hay kinh doanh? Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm có địa chỉ cơ sở sản xuất, kinh doanh ở đâu? Hình thức sử dụng dấu hiệu bị coi là xâm phạm cụ thể? Mức độ thiệt hại của hành vi xâm phạm gây ra cho doanh nghiệp?

Cuối cùng, tiến hành xử lý hành vi xâm phạm

Trên cơ sở các thông tin thu thập được, nếu đủ bằng chứng, tùy theo tính chất và mức độ của hành vi xâm phạm, doanh nghiệp có thể cân nhắc lựa chọn các biện pháp xử lý sau:
– Biện pháp tự bảo vệ: Liên hệ làm việc trực tiếp hoặc gửi thư cảnh báo cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;

– Biện pháp dân sự: Khởi kiện yêu cầu tòa án áp dụng các biện pháp dân sự (buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; xin lỗi, cải chính công khai; bồi thường thiệt hại;…);

– Biện pháp hành chính: Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính (cảnh cáo; phạt tiền; áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung,…);

– Biện pháp hình sự: Tố giác tội phạm, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm có yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Câu hỏi 7: Còn về mặt pháp luật, Luật sư có đề xuất, kiến nghị gì trong việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ để thực thi tốt hơn cũng như giúp các DN bảo vệ tốt hơn quyền của mình?

Trả lời:

Từ những vướng mắc, bất cập nêu trên, để thực thi các quy định pháp luật về quyền sở hữu tốt hơn cúng như giúp các doanh nghiệp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình, thiết nghĩ:

Một là, cần có văn bản giải thích rõ ràng thế nào là “nhãn hiệu, dấu hiệu khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó” việc này có ý nghĩa rất lớn tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thực thi một cách chủ động và chính xác. Đồng thời cũng hạn chế tình trang phải trưng cầu giám định, rút ngăn thời gian xử lý, bảo đảm quyền lợi của chủ văn bằng.

Hai là, tăng mức tiền xử phạt hành chính hiện nay. Trong một số trường hợp mặc dù pháp luật sở hữu trí tuệ cũng như các văn bản hướng dẫn đều có quy định cụ thể mức tiền phạt áp dụng đối với cá nhân tổ chức thực hiện hành vi vi phạm.

Ba là, nên bỏ quy định xử phạt cảnh cáo đối với hành vi vi phạm các đối tượng sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nói riêng, bởi lẽ biện pháp này không có tính răn đe cao, dẫn đến người vi phạm không quan tâm. Vả lại các hành vi xâm phạm này là xâm phạm về tài sản, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nên cần có chế tài mang tính chất tài sản áp dụng đối với người vi phạm.

Bốn là, yêu cầu về tính minh bạch trong xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất trong việc xử lý vi phạm hành chính đó là quá trình xử phạt hành chính cần phải minh bạch hơn. Để đáp ứng được yêu cầu này, nhất thiết các số liệu và thông tin có liên quan phải được công bố công khai. Những hồ sơ của các khoản phạt hành chính, thông tin liên quan đến đối tượng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu cũng phải được minh bạch hơn. Điều này ở một mức độ nhất định có tác dụng trong việc ngăn ngừa và cảnh báo hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Câu hỏi 8: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào các FTAs với các điều khoản về SHTT ngày càng nghiêm ngặt như EVNFTA, CPPPP…, Ông có lưu ý, cảnh báo gì cho các DN trong việc bảo vệ và phát triển nhãn hiệu của mình, thưa Luật sư?

Trả lời:

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nhiều cam kết thúc đẩy lành mạnh hóa thị trường, trong đó có quyền sở hữu trí tuệ thì các doanh nghiệp cần quân tâm hơn đến nhãn hiệu. Điều này không chỉ góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài.

Việc xác định đúng đối tượng và đăng ký nhãn hiệu nó quyết định đến việc thành bại của chính doanh nghiệp. Việc tạo lập một hành lang pháp lý trước khi đưa hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của mình ra thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài rất quan trọng.

Tài sản của doanh nghiệp, doanh ngiệp phải có ý thức bảo vệ. Công tác tự bảo vệ mình cũng rất quan trọng, tự bảo vệ bằng cách kiểm soát, liệu có đối thủ cạnh tranh đăng ký quyền tương tự ngay từ đầu để phản đối, khiếu nại, phối hợp với cơ quan thực thi để bảo vệ cho mình.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trao đổi về tinh trạng Vi phạm sở hữu trí tuệ và biện pháp xử lý trong chương trình sở hữu trí tuệ và cuộc sống. Mời Quý vị đón xem tại đây: