Quan trắc môi trường lao đồng tiếng Trung là gì

Thu Trang

Người lao động làm việc có hợp đồng hay không đều có quyền được bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động; được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện các quy định này tại Điều 18 Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Theo đó, người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để đề ra các biện pháp kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; thực hiện các biện pháp khử độc, khử trùng cho người lao động làm việc ở nơi có yếu tố gây nhiễm độc, nhiễm trùng. Quan trắc môi trường lao động là công cụ giám sát đắc lực nhất để thu thập, phân tính, đánh giá các yếu tố môi trường trong lao động tại nơi làm việc, làm căn cứ đưa ra các biện pháp giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Theo Điều 18 về kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức quan trắc môi trường lao động để đánh giá ít nhất một lần trong một năm đối với các yếu tố độc hại được Bộ Y tế quy định giới hạn tiếp xúc cho phép để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe con người. Ngay sau khi có kết quả quan trắc môi trường lao động để đánh giá yếu tố có hại và kết quả kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải thông báo công khai cho người lao động, cung cấp thông tin khi tổ chức công đoàn, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, có biện pháp khắc phục, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại.

Tại khoản 5 của điều này, Chính phủ quy định chi tiết về việc kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại tại nơi làm việc và điều kiện hoạt động của tổ chức quan trắc môi trường lao động đảm bảo phù hợp với Luật đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Tại Thông tư Liên tịch 08/1998 giữa Bộ Y tế và Bộ LĐTB&XH đã quy định , người sử dụng lao động có trách nhiệm quan trắc môi trường; có trách nhiệm khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động (trong hồ sơ khám bệnh có kết quả đánh giá môi trường lao động và khi người lao động mắc bệnh nghề nghiệp phải được cách ly khỏi môi trường lao động gây bệnh. Còn trong Thông tư 12/2006 của Bộ Y tế quy định một trong các nguyên tắc khám, chẩn đoán bệnh nghề nghiệp phải dựa trên kết quả giám sát môi trường lao động; trước khi khám bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động phải chuẩn bị và gửi các giấy tờ cho cơ sở khám bệnh, trong đó có kết quả giám sát môi trường lao động sớm nhất (không quá 24 tháng kể từ ngày đo).

Kết quả quan trắc môi trường lao động ngoài việc giúp người sử dụng thực hiện trách nhiệm của mình đối với người lao động, giúp người lao động hiểu biết đầy đủ về môi trường làm việc của mình, tham gia giám sát chất lượng môi trường lao động và đòi hỏi quyền lợi khi bị ảnh hưởng còn là dữ liệu khoa học giúp cho công tác nghiên cứu những biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ của các tác hại nghề nghiệp, nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn bệnh nghề nghiệp.

Theo danh sách được mục cập nhật trên Website của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đến ngày 22/01/2016, cả nước có 106 cơ sở đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động theo Thông tư 19/2011/TT-BYT ngày 6/6/2011 của Bộ Y tế. Phần lớn các đơn vị này là Trung tâm Y tế dự phòng/Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường, bệnh viện thuộc Sở Y tế, Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe và môi trường các tỉnh, Viện thuộc Bộ Y tế, phân viện Bảo hộ lao động thuộc Viện nghiên cứu Khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động, Trung tâm Huấn luyện ATVSLĐ (Bộ LĐTB&XH), các bệnh viện thuộc các Bộ ngành và các Công ty TNHH môi trường hoặc Công ty TNHH dịch vụ môi trường

Tuy nhiên, công tác đo, kiểm tra môi trường lao động trên thực tế cho đến nay vẫn còn đang điểm yếu. Theo số liệu từ báo cáo giới thiệu Luật ATVSLĐ của Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật Bộ Tư pháp, Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước VN, việc đo, kiếm tra định kỳ các yếu tố có hại trong môi trường lao động vẫn đang ở mức độ nhỏ, mới đạt khoảng 10% số nơi làm việc. Số liệu từ Bộ Y tế cũng cho thấy, trong giai đoạn 2011-2015, trung bình mỗi năm, mớiđo, kiểm tra môi trường lao động được gần 550.000 mẫu. Số mẫu đo, kiểm tra môi trường lao động vượt tiêu chuẩn cho phép chiếm trên 10% và chưa có xu hướng giảm. Riêng năm 2013, số lượng mẫu đo kiểm tra môi trường tại 63 tỉnh, thành phố và 5 Bộ, ngành thực hiện đạt 413.590 mẫu. Các mẫu đo chủ yếu là mẫu đo vi khí hậu (203.282); mẫu đo ồn (66.025); mẫu đo ánh sáng (69.874); mẫu đo phóng xạ, từ trường (16.292); mẫu đo rung chuyển (8.093); mẫu đo hơi khí độc (đạt 19,0%); mẫu đo bụi (46.677). Riêng số lượng mẫu phục vụ cho chẩn đoán bệnh nghề nghiệp trên toàn quốc còn rất khiêm tốn (chưa đến 200 nghìn mẫu), dẫn đến việc triển khai khám bệnh nghề nghiệp cũng bị hạn chế theo.

Trong khi đó rất nhiều người lao động đang phải làm việc tại môi trường chưa an toàn. Theo một khảo sát gần đây của Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường (thuộc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh) tại 1.022 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố cho thấy phần lớn người lao động phải làm việc trong điều kiện môi trường lao động vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép ở mức cao như tiếng ồn quá lớn, nhiệt độ cao, thiếu ánh sáng khiến người lao động mắc bệnh nghề nghiệp như bụi phổi silic, nhiễm độc benzen, điếc...Qua các đợt khám sức khỏe định kỳ cho gần 6.000 lượt người lao động có đến 32,28% tỷ lệ người lao động có sức khỏe thuộc loại kém, 32,35% trung bình và gần 8% rất kém.

Đánh giá cao vai trò của công tác quan trắc môi trường lao động, nội dung xây dựng văn bản pháp luật về quan trắc; đánh giá, kiểm soát, quản lý các yếu tố có hại tại nơi làm việc; quản lý, tổ chức quan trắc môi trường được xếp đầu tiên trong 10 khoản thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Y tế tại Luật ATVSLĐ.

Box: Thực trạng môi trường lao động và sức khỏe người khai thác mỏ

Qua các số liệu nghiên cứu của nhiều tác giả cho thấy, công nhân khai thác mỏ phải tiếp xúc với tiếng ồn hầu hết vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép và cao nhất ở khu vực khoan, nghiền đá có nơi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10-18 dBA. Tỷ lệ mắc bệnh điếc nghề nghiệp của công nhân nghiền sàng than, khoan than, khoan đá từ 8 - 23,6 %.

Trong quy trình khai thác mỏ có nhiều công đoạn phát sinh bụi như đào, xúc, múc, khoan đá, nổ mìn, vận chuyển, nghiền sàng, bốc dỡ đất đá than, quặng. Vì vậy có nhiều vị trí lao động bị ô nhiễm bụi nghiêm trọng, nồng độ bụi toàn phần cao từ 30 - 100mg/m3, vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép (TCVSCP) từ 15 30 lần, nồng độ bụi hô hấp có nơi vượt TCVSCP từ 9 11 lần, hàm lượng silic tự do trung bình từ 15 21%. Tỷ lệ mắc bệnh bụi phổi - silic trong công nhân khai thác than từ 3-14%, trong đó khai thác hầm lò là chủ yếu (chiếm 70%) và bệnh viêm phế quản mạn tính là khoảng 19,3%.

Bệnh rung chuyển nghề nghiệp cũng hay gặp trong công nhân khai thác mỏ bao gồm bệnh rung cục bộ tần số cao do sử dụng máy khoan cầm tay và bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân do lái các xe chuyên dụng trên 20 tấn: Bệnh rung chuyển cục bộ ở công nhân khoan có biểu hiện rối loạn vận mạch bàn tay khoảng 4,3%, tổn thương xương khớp cổ tay và khuỷu tay là 15%; tỷ lệ giảm độ giãn cột sống thắt lưng ở lái xe là 42,3%; hội chứng đau thắt lưng có tỷ lệ là 12,7%.

Ngoài ra do điều kiện lao động ẩm ướt, tỷ lệ bệnh da nghề nghiệp của công nhân khai thác than là khoảng 40,8%, trong đó bệnh nấm da có tỷ lệ mắc cao nhất là 27,5%. Một điều cần hết sức lưu ý là do tính chất lao động của khai thác mỏ, người lao động phải cùng một lúc tiếp xúc với nhiều yếu tố tác hại nên họ có thể bị mắc từng loại bệnh nghề nghiệp riêng lẻ hoặc kết hợp hai hay thậm chí vài bệnh nghề nghiệp. Thí dụ, công nhân khoan có thể cùng một lúc bị mắc bệnh điếc nghề nghiệp và bệnh bụi phổi nghề nghiệp, hoặc vừa mắc bệnh điếc nghề nghiệp lại vừa mắc bệnh rung cục bộ tần số cao; công nhân khai thác và chế biến mỏ kim loại có thể vừa mắc các bệnh bụi phổi nghề nghiệp lại vừa bị nhiễm độc nghề nghiệp do thành phần kim loại của quặng mỏ hoặc kết hợp thêm cả viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp.