Sự cần thiết phải xã hội hóa dịch vụ công năm 2024

Để thu hút tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công thì vai trò của Nhà nước rất quan trọng. Theo đó, Nhà nước cần chuyển vai trò từ “người chèo đò” sang thành “người lái đò”, đặt ra khuôn khổ pháp lý và giám sát việc cung cấp dịch vụ chặt chẽ để tạo nên một “sân chơi” bình đẳng.

Đây là nhấn mạnh của ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tại hội thảo công bố báo cáo “Hành trình chuyển đổi: Vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam”, tổ chức ngày 22/12.

Tư nhân vẫn bị hạn chế tham gia vào nhiều lĩnh vực

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, tại Việt Nam có một số ngành, lĩnh vực không cho phép tư nhân tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Danh mục này gồm 20 ngành, lĩnh vực được quy định tại Nghị định 94/2017/NĐ-CP như vật liệu nổ công nghiệp, sản xuất vàng miếng, phát hành xổ số kiến thiết, in đúc tiền, phát hành tem bưu chính Việt Nam, truyền tải và điều độ hệ thống điện quốc gia, vận hành hệ thống đài thông tin duyên hải, dịch vụ không lưu…

Như vậy, về lý thuyết, các doanh nghiệp (DN) tư nhân được tham gia cung cấp tất cả những hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục này và danh mục cấm kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, trên thực tế, rất nhiều ngành, lĩnh vực hiện nay tư nhân vẫn không được phép kinh doanh do chưa xây dựng được cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện công việc này.

Một vấn đề nữa cản trở sự tham gia của tư nhân vào cung cấp dịch vụ công là quy trình cấp phép, giao dự án lựa chọn chủ đầu tư của cơ quan nhà nước trong một số lĩnh vực. Cụ thể, dù không có quy định cấm hoặc hạn chế DN tư nhân hoạt động, nhưng để có thể hoạt động được, các DN buộc phải được cơ quan nhà nước cấp phép hoặc ký hợp đồng. Nếu quá trình cấp phép và ký hợp đồng này chỉ dành cho các DN nhà nước mà không có sự đấu thầu, cạnh tranh với các DN tư nhân thì cũng không khác gì độc quyền nhà nước.

Ví dụ như, hiện nay, lĩnh vực khai thác than không thuộc diện độc quyền nhà nước. Tuy nhiên, các mỏ than đá chỉ được cấp cho Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc - hai DN nhà nước, khai thác.

“Theo pháp luật về khoáng sản, điểm a khoản 1 Điều 22 Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, than là loại khoáng sản không tổ chức đấu giá quyền khai thác. Mặt khác, các DN tư nhân mới thành lập ngay lập tức không thể cạnh tranh về năng lực với hai DN nhà nước lớn nhiều kinh nghiệm này” – ông Tuấn nói.

Sự cần thiết phải xã hội hóa dịch vụ công năm 2024
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: D.T

Đối với một số lĩnh vực khác như hạ tầng sân bay, đường bộ, bến cảng, luồng tuyến đường thuỷ và hàng hải, việc tham gia của các nhà đầu tư tư nhân cũng vẫn cần có sự cấp phép của Nhà nước và dựa trên các quy hoạch dự án có sẵn. Chính vì vậy, việc một DN tư nhân có được phép tham gia cung cấp các dịch vụ này hay không thực tế vẫn dựa vào cơ chế xin cho chứ chưa có sự đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư một cách bình đẳng.

“Như vậy, hiện đang có tình trạng là quy định pháp luật chính thức hạn chế tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công chỉ dừng lại ở 20 ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, trên thực tế thì sự tham gia của khu vực tư nhân tại rất nhiều ngành, lĩnh vực khác bị hạn chế vì nhiều lý do khác nhau. Vấn đề mấu chốt nằm ở việc các quy định bắt buộc phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc đấu thầu lựa chọn nhà thầu chưa đầy đủ. Điều này khiến cho việc DN tư nhân có được tham gia cung cấp dịch vụ công hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan nhà nước quản lý lĩnh vực đó” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Cần giám sát chặt chẽ chất lượng dịch vụ

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu VCCI, có một thực tế tương đối rõ ràng rằng, người sử dụng có sự hài lòng đối với dịch vụ công do tư nhân cung cấp cao hơn so với dịch vụ công do các đơn vị nhà nước cung cấp. Do đó, gần như tuyệt đại đa số dư luận đều ủng hộ quan điểm chung về việc cho phép các đơn vị tư nhân cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiên, các lo ngại về mặt giá cả, chất lượng dịch vụ, mức độ sẵn có của dịch vụ vẫn còn lớn.

Thêm vào đó, các yếu tố như năng lực xây dựng khung pháp lý và giám sát thực hiện khung pháp lý từ Nhà nước đối với dịch vụ công còn yếu, đạo đức của tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ, mức độ minh bạch trong đấu thầu dịch vụ và nguy cơ các đơn vị tư nhân biến thành sân sau của quan chức nhà nước cũng là những lo ngại phổ biến…

Nhắc lại một vụ việc trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng nước sạch sinh hoạt, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, sự cố ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn cung cấp cho nhà máy nước sạch sông Đà cuối năm 2019, khiến chất lượng nước sinh hoạt cung cấp cho nhiều khu vực ở Hà Nội không đảm bảo chất lượng và vụ việc đã ảnh hưởng đến việc cấp nước cho khoảng 250.000 hộ dân ở Hà Nội trong nhiều tuần lễ.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự việc diễn ra một phần là do chính sách cổ phần hóa các công ty cấp nước. Tuy nhiên, rà soát lại quy định về quản lý chất lượng nước sinh hoạt thì có thể thấy chúng khá lỏng lẻo. Cụ thể, theo ông Tuấn, theo các quy định hiện tại, đơn vị cung cấp nước sạch chỉ có nghĩa vụ xét nghiệm định kỳ nước đầu ra với tần suất 1 lần/tuần với các chỉ tiêu nhóm A và 6 tháng hoặc 2 năm một lần đối với các chỉ tiêu nhóm B và C.

Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất nước sạch không phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động chất lượng nước đầu vào cũng như đầu ra, dữ liệu xét nghiệm không được truyền về cho cơ quan nhà nước giám sát; cơ sở sản xuất nước cũng không cần có cơ chế dự phòng kiểm soát rủi ro khi nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm…

"Với một cơ chế kiểm soát chất lượng nước lỏng lẻo như vậy thì kể cả tư nhân hay Nhà nước vận hành cơ sở sản xuất thì an ninh nước sạch cũng đều rất mong manh. Như vậy, trong vụ việc này, vấn đề nằm ở việc Nhà nước không có đủ khuôn khổ pháp lý để giám sát và bảo đảm chất lượng dịch vụ công, chứ không nằm ở việc đơn vị quản lý vận hành là công hay tư" - ông Tuấn nói.

Từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu VCCI khuyến nghị, để quản lý các đơn vị tư nhân cung cấp dịch vụ công, Nhà nước không thể áp dụng biện pháp mệnh lệnh như đối với các đơn vị công lập, mà buộc phải sử dụng công cụ pháp luật. Do đó, việc xây dựng các quy định pháp luật để quản lý là điều hết sức cần thiết, trong đó, việc cấp phép và giám sát chất lượng dịch vụ là vấn đề quan trọng nhất.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Hưng – đại diện Công ty Yusen Logistics, chia sẻ thêm khuyến nghị, để gia tăng thu hút tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công, Nhà nước nên có lộ trình cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập đang thực hiện cung cấp dịch vụ công, giúp cho “sân chơi” thực sự là cuộc cạnh tranh giữa các DN với nhau, còn Nhà nước chỉ đóng vai trò quản lý.

Cùng với đó, cơ quan quan lý cần làm chặt chẽ hơn khâu hậu kiểm theo nguyên tắc quản lý rủi ro, để kiểm tra việc tuân thủ quy định của các đơn vị cung cấp dịch vụ công, đi kèm với đó là có chế tài xử lý nghiêm khắc khi đơn vị cung cấp dịch vụ vi phạm để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.../.