Ảnh hưởng của Kinh Thi đến văn học Việt Nam

Câu nói trên vốn xuất phát từ lời đối thoại của Rodrigue với Bá tước Don Gormas: “Et pour leurs coups d'essai veulent des coups de maitre” (Tạm dịch: Đường kiếm đầu tiên sẽ là đường kiếm bậc thầy) trong vở bi kịch “Le Cid” (Thủ lĩnh - 1636) của nhà viết kịch người Pháp Pierre Corneille (1606 - 1684). Câu này vốn bắt nguồn từ câu ngạn ngữ Pháp: “Coup dessai coup de maitre” (Thử nghiệm đồng thời là thành công).

Đường kiếm bậc thầy

“Kinh Thi Việt Nam” được Trương Tửu (1913 - 1999) hoàn thành và ra mắt bạn đọc lần đầu tiên năm 1940. Nhưng ngay sau đó cuốn sách bị chính quyền thực dân Pháp thu hồi. Năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, nắm quyền cai trị Đông Dương, cuốn sách trở lại với bạn đọc (Hàn Thuyên xuất bản cục - Tạp chí Văn Mới, số 53, ngày 5-7-1945). Từ đó về sau, “Kinh Thi Việt Nam” được tái bản nhiều lần.

Trong một cuộc trò chuyện song đôi, Nguyễn Mạnh Tiến - chàng du tử của “Những đỉnh núi du ca - Một lối tìm về cá tính HMông” và tôi đã cùng bình luận về một công trình khác đương thời. Đó là luận án Văn chương “Hát đối đáp nam nữ thanh niên ở An Nam” của Nguyễn Văn Huyên (1908 - 1975) được bảo vệ tại Đại học Sorbonne (Pháp) cũng là đường kiếm đầu tiên - đường kiếm bậc thầy của vị Tiến sĩ người Việt Nam. Luận án sau đó được xuất bản tại Pháp.

Ảnh hưởng của Kinh Thi đến văn học Việt Nam
Tọa đàm ra mắt sách “Kinh Thi Việt Nam” của GS Trương Tửu tại Trường ĐHSP Hà Nội.

“Kinh Thi Việt Nam” nếu so sánh về quy mô nghiên cứu thì chưa thể vươn đến vị trí của “Hát đối đáp nam nữ thanh niên ở An Nam” nhưng vẫn có chỗ đứng riêng biệt. Đối với nghiên cứu Văn học ở Việt Nam, “Kinh Thi Việt Nam” có tầm vóc lớn với tương quan thành tựu nghiên cứu trong nước và đương thời.

Nguyễn Mạnh Tiến bình luận trong chủ đề chủ nghĩa dân tộc lãng mạn - trưng dụng các thành tố folklore mà nhất các bài ca dân gian để định dạng bản sắc dân tộc Việt Nam vốn phổ biến đầu thế kỷ XX và cả sau này, thì: “Kinh Thi Việt Nam" là cuốn sách tốt nhất được viết bằng tiếng Việt. Còn "Hát đối đáp nam nữ thanh niên ở An Nam” là cuốn sách tốt nhất được viết bằng tiếng Pháp”.

Song ảnh hưởng của Trương Tửu trong nghiên cứu văn học Việt Nam từ thập niên 40 (của thế kỷ trước) trở đi rộng rãi hơn cuốn sách nói trên của Nguyễn Văn Huyên bởi vì rất ít người biết đến những công trình nghiên cứu viết bằng tiếng Pháp của Nguyễn Văn Huyên. Mạch ngầm nghiên cứu về Trương Tửu sau 1975 vẫn âm thầm và bất ngờ trỗi dậy ở Trịnh Bá Đĩnh và Nguyễn Hữu Sơn, dẫu rằng, họ kế thừa thành tựu nghiên cứu của các bậc tiền bối.

Còn Nguyễn Văn Huyên thì ngoài khối học giả đọc Pháp ngữ, chỉ được người Việt Nam phát lộ trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây sau khi các công trình của ông được dịch ra chữ Việt và in trong bộ sách hai tập với tên gọi khá khiêm tốn và đồng phục lúc đó “Góp phần nghiên cứu Văn hóa Việt Nam” (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1994).

Trong tiểu luận “Tiếp nhận và chuyển đổi hệ hình phê bình phân tâm học văn học ở Việt Nam” (Đỗ Lai Thúy (chủ biên): "Những cạnh khía của Lịch sử Văn học", Nhà xuất bản Hội Nhà văn - SongThuy bookstore, 2016), Nguyễn Mạnh Tiến đánh giá: “Có thể nói "Kinh Thi Việt Nam" là chuyên luận đầu tiên của Trương Tửu với tư cách nhà nghiên cứu khảo cứu, giữ một vị trí quan trọng trong tư tưởng học thuật Trương Tửu”.

Về mặt phương pháp, Nguyễn Mạnh Tiến bình luận “Kinh Thi Việt Nam" được tiến hành phân tích dựa trên nhiều khoa học, mang tính liên ngành, phù hợp với tạng “bách khoa” của học giả Trương Tửu, trong đấy, thuyết Mácxít và thuyết Freud là hai trụ đỡ chính”.

Tìm đến cội rễ tinh thần dân tộc

Nhà nghiên cứu Văn Tâm (1933-2004) trong Từ điển Văn học (bộ mới) cho rằng: “Trương Tửu - Nguyễn Bách Khoa là một trong những cây bút ở Việt Nam sớm vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng. Phương pháp khoa học này khiến ông khá thành công ở một số sách biên khảo sử học, nhất là trong tác phẩm nghiên cứu văn học dân gian chứa đựng không ít tổng kết chính xác có ích lâu dài: "Kinh Thi Việt Nam”.

Nghiên cứu ca dao Việt Nam theo tinh thần mác xít, Trương Tửu cho rằng: Chúng ta có một Kinh Thi quý giá không kém gì Kinh Thi của người Trung Quốc. Bổn phận chúng ta ngày nay là phải ghi chép nó, san định nó, chú thích nó. Đọc ca dao là chúng ta tìm đến cội rễ tinh thần của dân chúng Việt Nam. Ca dao Việt Nam ngoài là những tài liệu xã hội học quan trọng, còn có giá trị nghệ thuật không kém giá trị nghệ thuật của bất kỳ nền văn nghệ bình dân ở một dân tộc nào trên thế giới.

Còn Tiến sĩ Phan Mạnh Hùng (Khoa Văn học - Trường Đại học Khoa hoạc Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) bình luận: Trong công trình "Kinh Thi Việt Nam", Trương Tửu đã đề xuất và thảo luận hai vấn đề lớn mang tính khoa học và thực tiễn: Mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị; văn nghệ là sản phẩm của xã hội phản ánh cá tính riêng của tác giả và tâm lý dân tộc. Nhiều luận điểm ông đưa ra được đúc kết từ tư liệu thực tế đến nay còn có giá trị tham khảo.

Ảnh hưởng của Kinh Thi đến văn học Việt Nam
Sách “Kinh Thi Việt Nam”.

Viết "Kinh Thi Việt Nam", Trương Tửu mong muốn: Đọc "Kinh Thi Việt Nam" bây giờ sẽ là tìm trong quá khứ của dân chúng Việt Nam cái sức mạnh để đảm bảo cho lòng tin của chúng ta ở tương lai của dân chúng Việt Nam. Đọc nó sẽ còn tìm đến cái hay, cái đẹp, cái khéo của âm điệu và tiếng nói Việt Nam là tìm đến cái hương hoả văn chương của cha ông để lại, do đó mà kiến thiết nền thi ca Việt Nam hiện đại. Đọc nó còn là tìm cho mình một gốc rễ tinh thần, một lạc thú tinh thần hiếm có”.

“Kinh Thi Việt Nam” trở lại văn đàn

Với một bản in độc lập ở Nhà xuất bản Thế giới (1951), Hoa Tiên xuất bản (1974), Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin (2000), từ năm 2002, “Kinh Thi Việt Nam” được in trong các tuyển tập “Nguyễn Bách Khoa: Khoa học & Văn chương” (Trịnh Bá Đĩnh tuyển chọn, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, 2002); “Trương Tửu: Tuyển tập Lý luận Phê bình” (Trịnh Bá Đĩnh - Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn, Nhà xuất bản Lao động - Trung tâm VHNN Đông Tây, 2007).

Năm 2014, Hội Nhà văn Hà Nội đã vinh danh Trương Tửu với Giải thưởng trọn đời cho cả bộ 3 Tuyển tập: “Trương Tửu - Tuyển tập Nghiên cứu Phê bình” (2007), “Trương Tửu - Tuyển tập Văn xuôi” (2009) và “Trương Tửu - Tuyển tập Văn hóa” (2013). Đó là 3 mảng hoạt động nghiên cứu, sáng tác và phê bình của nhà văn - Giáo sư Trương Tửu cho văn học nước nhà. Tất nhiên, “Kinh Thi Việt Nam” gặp mặt trong Giải thưởng trọn đời.

Năm 2018, “Kinh Thi Việt Nam” - Đường kiếm đầu tiên - đường kiếm bậc thầy trở lại với bạn đọc ở hình thức một tác phẩm độc lập, đúng vào dịp 105 năm Ngày sinh nhà văn - Giáo sư Trương Tửu (18/11/1913 - 16/12/1999).

Giáo sư - nhà nghiên cứu phê bình Văn học Trương Tửu (1913-1999) còn có các bút danh khác là Nguyễn Bách Khoa, Mai Viên… Ông từng làm Giám đốc Văn chương Nhà xuất bản Hàn Thuyên, Ủy viên Hội Văn hóa Việt Nam, tham gia Bí thư Ðoàn Liên đoàn Văn nghệ kháng chiến Liên khu IV; giảng dạy tại Trường Dự bị đại học Liên khu IV và hai trường Đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa Hà Nội.

Cái “nháy mắt” với Khổng Tử

“Ngay từ tiêu đề, cuốn sách đã không hề giấu giếm cảm hứng và tham vọng về sự xác lập các giá trị mang tính cách đặc trưng dân tộc. "Kinh Thi Việt Nam" học theo nhưng cũng là cái “nháy mắt” với đức Khổng Khâu, người san định Kinh Thi Trung Hoa, rằng Việt Nam cũng hoàn toàn có một mạch nguồn phong dao phong phú, sinh động và đủ sức tồn tại trong vị thế riêng, góp phần tạo dựng nền văn hiến nước Nam lâu đời” (Tiến sĩ Văn học Mai Anh Tuấn).

Kiều Mai Sơn

1. Mở đầu

Vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, nhà thơ Tản Đà sau những thất vọng trong đời sống tình cảm đã bỏ nhà lên thành phố. Cuộc sống thành thị lúc bấy giờ đã ảnh hưởng mạnh đến tư tưởng, tình cảm và thái độ trước cuộc sống hiện tại của Tản Đà, điều này khiến ông có những thay đổi trong quan niệm văn chương. Sinh thời, Tản Đà đã từng coi văn chương là một thú chơi, một cuộc chơi tùy hứng. Bởi vậy, khi bàn đến vẻ đẹp của tác phẩm văn chương, ông thường quan tâm nhiều đến vẻ đẹp của ngôn từ và cho đó là những vẻ đẹp đích thực của văn chương hơn là những nội dung xã hội được đề cập trong tác phẩm. Khi dấn thân vào cuộc sống mới ở thị thành, Tản Đà là người đầu tiên đã mạnh dạn thay đổi quan niệm của mình về nghề viết văn. Khi đã xem công việc viết văn cũng là một nghề như bao nghề khác để kiếm sống, thì cũng là lúc ông quyết định dấn thân vào nghề này và sau đó “đem văn chương đi bán phố phường” (Hầu trời). Tản Đà là một trong những nhà văn đầu tiên coi tác phẩm văn chương là một sản phẩm hàng hóa đích thực và sau ông, các nhà văn Việt Nam đã ý thức sâu sắc hơn về điều này.

Phan Quý Bích cho rằng, khi ngắm nhìn những công trình lớn như Nhà hát lớn, Phủ toàn quyền và cầu Long Biên, nhiều nho sĩ của buổi cựu học đã về nhà bẻ bút lông để bắt tay vào học cầm bút sắt. Gợi ý này đã phần nào cho chúng ta thấy những tác động trực tiếp của kinh tế thị trường tới đội ngũ sáng tác.

2. Tác động của kinh tế thị trường tới nhà văn

Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng, văn học giai đoạn trước đổi mới vẫn trượt theo quán tính cũ nên đã có một sự chênh lệch rất lớn giữa yêu cầu bạn đọc và thực trạng văn học, vì vậy sách viết ra không được bạn đọc đón nhận, họ đi tìm đọc sách dịch hoặc đọc văn chương cổ điển trong nước. Cái gọi là “quán tính cũ” mà Nguyên Ngọc nhắc đến ở đây chính là văn học vẫn nằm ngoài quy luật kinh tế thị trường khi mà nhà văn vẫn coi văn học chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền, động viên cổ vũ (một nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước thời chiến). Năm 1986, đất nước bước vào thời kì đổi mới, thực hiện nền kinh tế thị trường với sự năng động và mang tính thực dụng của nó khiến chúng ta không thể nhìn cuộc sống bằng nhãn quan sử thi thuần khiết như những năm chiến tranh. Những thước đo giá trị cũ, những chuẩn mực cũ giờ đây khi cọ xát với cuộc sống xô bồ, hỗn tạp của thời hiện tại đã không còn giữ nguyên giá trị. “Trong chiến tranh, mọi quan hệ xã hội và con người dồn lại và thu hẹp vào một quan hệ duy nhất: sống - chết… Ngọn lửa chiến tranh thiêu cháy cả những cái nhỏ nhen, nhiêu khê của cuộc sống thường ngày. Hòa bình thì khác hẳn. Hòa bình tức là đối mặt với cái bình thường hàng ngày, cái bình thường của muôn thuở” [5]. Điều này không chỉ tác động trực tiếp đến đời sống xã hội nói chung, mà nó còn tác động đến mọi mặt của đời sống văn học từ khâu sáng tác đến khâu xuất bản. Đối với nhà văn, khi những giá trị trong đời sống biến thiên một cách mạnh mẽ, bản thân nhà văn cũng phải không ngừng tìm tòi đổi mới cách viết của mình để phù hợp với thời cuộc. Nhà văn Nguyễn Khải đã từng bày tỏ: “Bữa xưa chúng tôi nói chuyện đạo, bữa nay gặp, lại toàn nói chuyện đời” [2]. Đời sống trong kinh tế thị trường thời mở cửa, hội nhập quốc tế buộc những người cầm bút cần phải có những thay đổi trong đối tượng miêu tả, cũng như trong diễn ngôn để phù hợp với tâm lí, nhu cầu, thị hiếu của người đọc hôm nay, đồng thời cũng đã tạo những điều kiện tối ưu để nhà văn thả sức bung phá: “Thời nay rộng cửa, gợi được nhiều thứ để viết. Tôi thích cái hôm nay, ngổn ngang, bề bộn, màu đỏ với màu đen, đầy rẫy những biến động, những bất ngờ mới thật là mảnh đất phì nhiêu cho các cây bút thả sức khai vỡ” [2]. “Cái bình thường hàng ngày” lên ngôi đã như một cú hích làm thay đổi tư duy của người sáng tạo, giúp họ tránh được cái nhìn phiến diện một màu đậm chất lý tưởng hóa trước đây. Đó cũng là nền tảng để người cầm bút thiết lập một cái nhìn “phi sử thi”, “giải tượng đài” mà chúng ta vẫn thường nói đến trong văn học hôm nay, khi kiến tạo hình ảnh người anh hùng để nó chân thực hơn, đậm chất “người”. Một quan niệm mới mẻ về chiến tranh: chiến tranh là đồng nghĩa với chết chóc và hủy diệt, “là cõi lang thang không nhà không cửa” (Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh). Hay một ý nghĩ chân thực đến tận đáy lòng của một tiểu đoàn trưởng tên Ngoãn khi nghĩ về mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ: “Về với Hân rồi ra sao thì ra, đóng góp cho đất nước, cho quân đội biết mấy cho vừa. Mình ở quân đội chừng ấy năm là được rồi. Nhà cửa thì vậy, vợ con thì vậy. Mình không lo lấy thân mình, ai lo cho đây” (Thượng Đức của Nguyễn Bảo). Bình thường hóa hình ảnh người anh hùng, không “phong thánh” cho những nhân vật lịch sử, đó là cách mà các nhà văn đương đại đã rút ngắn khoảng cách giữa văn chương và cuộc đời, tạo sự kết nối giữa văn học đặc tuyển và văn chương bình dân. Trong tiểu thuyết lịch sử Hội thề của Nguyễn Quang Thân, nhà văn đã miêu tả khá tỉ mỉ hình ảnh đầy chất dân dã có phần thô lậu của vị vua Lê Lợi trong ngày chiến thắng: “Nguyên Hãn thấy nhà vua cầm đùi gà nhai, uống rượu cần cùng với tướng sỹ, khuy áo không cài hết cúc hở cả rốn… đến mức Nguyên Hãn phải quay mặt bỏ đi”. Trong Phẩm tiết, Nguyễn Huy Thiệp không để Quang Trung xuất hiện trong bối cảnh những chiến công hiển hách. Người anh hùng “được nhìn từ con mắt của Vinh Hoa… nói đúng hơn, từ mối quan hệ với người đàn bà này”. Một “bậc anh tài” lẫy lừng trời đất, vậy mà khi gặp Vinh Hoa “đẹp mơn mởn như lộc mùa xuân”  lại “thốt nhiên rùng mình, hoa mắt, đánh rơi cốc rượu quý cầm tay” để rồi khi nghe tin cha Vinh Hoa bị xử tội, nhà vua cuống cuồng “đang đêm xõa tóc, đi chân đất, vừa đi vừa vấp, chạy vào báo cho Vinh Hoa việc Khải mất”. Khi các tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh, Phẩm tiết, Hội thề ra đời, đã từng có những cuộc tranh cãi lớn với những luồng ý kiến trái chiều: người tung hô, kẻ phản ứng dữ dội. Điều này là một minh chứng sinh động cho sự tác động lớn của kinh tế thị trường tới văn học. Suy cho cùng, vấn đề chính là nằm ở thị hiếu của người tiếp nhận.

Tiếp nhận là một khái niệm của lý luận văn học để chỉ về mối quan hệ giữa nhà văn - tác phẩm - bạn đọc. Tiếp nhận cũng là vấn đề then chốt của đời sống trong kinh tế thị trường. Sản phẩm không được tiếp nhận trên thị trường cũng đồng nghĩa nó sẽ bị loại bỏ. Sự phản ứng dữ dội thuộc về những người coi trọng và tôn thờ những giá trị truyền thống mà họ cho là thiêng liêng, là vĩnh cửu. Những luồng ý kiến ủng hộ của số đông vừa để bảo vệ quan điểm chúng tôi đang viết, đọc văn chứ không phải đang chép, đọc sử, đồng thời cũng cho thấy tinh thần cầu tiến, ý thức đổi mới tư duy của tác giả/ độc giả khi cho rằng, việc thể hiện như trong các tác phẩm trên mới thực sự là chân thực, mang tính biện chứng, nó thể hiện tinh thần dân chủ chỉ có được ở thời kì hội nhập và đó cũng chính là điều làm nên sự khác biệt, đổi mới của văn học hôm nay.

Thực tiễn văn học cho thấy, nếu nhà văn nào đáp ứng được kịp thời những yêu cầu của đời sống thì tác phẩm của họ sẽ được bạn đọc đón nhận với tất cả sự hứng thú, say mê. Trường hợp Nguyễn Nhật Ánh (nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi) là một điển hình. Đã có khá nhiều bài viết giải mã về hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh. Dù mỗi người đều có những lý giải riêng về hiện tượng này, nhưng tựu chung lại, ai cũng công nhận một điều: sức hút của tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh chính là sự kết hợp hài hòa của hai yếu tố giáo dục và giải trí. Sự kết hợp tuyệt vời giữa hai yếu tố này chính là chiếc chìa khóa vạn năng để tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh chinh phục số đông bạn đọc (không chỉ bạn đọc nhỏ tuổi mà cả những người lớn tuổi). Nhà văn đã giáo dục cho các em (và cả người lớn) lòng yêu quê hương đất nước, sự trân trọng tình bạn, sự gắn kết với gia đình, làng xóm không phải bằng những lời giáo huấn mang đầy chất áp chế, mệnh lệnh mà tạo dựng và bồi đắp cho các em những phẩm chất này qua những hành động, lời nói, trò chơi đậm chất hồn nhiên, tinh nghịch, sinh động của tuổi thơ. Có thể nói, nhà văn đã cho các em có một tuổi thơ đúng nghĩa. Còn người lớn lại được “trở về lại với tuổi thơ” mà ai cũng từng ước mong, hoài niệm.

3. Tác động của kinh tế thị trường đến ngôn ngữ văn chương

Nếu cho rằng, ngôn từ là chất liệu cơ bản của một tác phẩm văn học thì ở bình diện này, sự thay đổi đã diễn ra khá triệt để trong văn chương đương đại dưới sự tác động của kinh tế thị trường.

Trước đây, lớp ngôn từ trang trọng, đậm chất ngợi ca dày đặc trong các tác phẩm phù hợp với một thời đại sử thi, thì hôm nay nó trở thành lạc điệu trước một xã hội mà mọi giá trị đã biến thiên không ngừng. Trong nhiều tác phẩm văn xuôi đương đại, chúng ta thấy sự hiện diện của một lớp ngôn từ mới, đậm chất thế tục, mang nhiều dấu ấn của ngôn ngữ hàng ngày. Các kiểu nói suồng sã, thân mật (như “mày”, “tao” thậm chí thô tục như “thằng chó”, “thằng phò đực”, “tiên sư mày”… tràn ngập trong các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Thuận, Nguyễn Bình Phương…) sở dĩ được bạn đọc chấp nhận là bởi nó đã diễn tả khá trung thực đời sống hỗn tạp và các mối quan hệ đa chiều giữa con người và con người của xã hội đương đại. Ví dụ: “Khẩn bảo: Không ưa thì dưa có dòi… Tân chuyển sang gãi cổ tố cáo Cẩu là loại nhân cách thối hoăng, loại trâu buộc ghét trâu ăn(Ngồi của Nguyễn Bình Phương); “Mai Lan bảo: Mày chưa đến tuổi vị thành niên. Nó động vào mày, tao kiện cho sạt nghiệp. Con My bảo: Mẹ biết thừa con và nó ngủ với nhau(Pari 11 tháng 8 của Thuận).Qua những đối thoại này chúng ta được chứng kiến trạng thái sống hỗn loạn của con người trong xã hội đương đại, dù ở bất kì nơi đâu. Không phải ngẫu nhiên mà trong một số tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Nguyễn Đình Tú… đã xuất hiện một tần suất lớn các câu nói tục tĩu, các tiếng chửi thề ở đủ các hạng người. Với cách diễn tả đặc biệt này, nhà văn không chỉ muốn thể hiện văn chương là bản sao của đời sống, mà còn muốn bày tỏ niềm lo âu về một trạng thái nhân tính nghèo nàn, xuống cấp đang diễn ra hàng ngày ở mọi lứa tuổi, trong mọi không gian sống.

Ngoài việc sử dụng các kiểu nói thô tục, sống sượng, văn học đương đại hôm nay còn tràn ngập ngôn ngữ thân thể mà chúng ta vẫn thường hay gọi là ngôn ngữ “sex”. Sự xuất hiện ngôn ngữ “sex” trong văn học phản ánh những tác động rất lớn từ đời sống xã hội hiện đại. Vẻ đẹp của cơ thể con người, đặc biệt là vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ nếu trước kia phải che đậy, giấu kín hoặc chỉ được mô tả dưới những hình ảnh ẩn dụ, thì ngày nay, nó luôn được ngưỡng mộ, tôn vinh một nét đẹp hoàn hảo của con người cá nhân. Trong văn xuôi đương đại hôm nay, vẻ đẹp này cũng là đối tượng được các nhà văn quan tâm. Họ đã không ngần ngại khi đi vào miêu tả một cách chi tiết, tỉ mỉ những bộ phận gợi dục như: ngực, mông, đùi, lưỡi… Trong các tiểu thuyết của Thuận, tần số các lần mô tả “bộ ngực non nhu nhú’, “đôi mông tròn rắn chắc”, “cặp đùi dài thon thả”… xuất hiện khá dày đặc. Trong tiểu thuyết Ngồi của Nguyễn Bình Phương, vẻ đẹp của người phụ nữ được nhà văn miêu tả ở vẻ đẹp phồn thực, khơi gợi sự ham muốn: “Dưới mái nhà đó là những người đàn bà lưng ong, tay vượn, tóc sổ tung với đôi chân ngắn mở rộng và núm vú như hai hòn than màu hồng rực đặt ngay ngắn trên đỉnh bộ ngực trần màu nâu nhạt”; “Thân thể Minh vẫn cân xứng, chắc chắn, ngực vẫn tròn trịa và cứng”. Ở tiểu thuyết lịch sử Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, vẻ đẹp của các nhân vật nữ cũng được miêu tả gắn với vẻ đẹp phồn thực: “Nước da trắng nõn nà, thân hình cô tròn trĩnh, mặt bụ bẫm phúng phính, đôi vú ấm giỏ rõ to”. Ngoài vẻ đẹp phồn thực, bản năng tính dục của người đàn bà cũng được nhà văn thể hiện không chút giấu giếm, che đậy: “Xuân không nghe thấy gì nữa, môi cô đang gắn vào môi anh. Cô đắm chìm trong đê mê”(Xuân Từ Chiều của Y Ban); “Tiệp thấy mình bạo dạn và lão luyện, sự nhịp nhàng của thịt da đằm thắm ngọt ngào” (Gia đình bé mọn củaDạNgân). Cũng phải thấy rằng, nhu cầu và những ham muốn tình dục là một nhu cầu tự nhiên ở con người bình thường, nó thể hiện một phần của bản năng sống. Nhưng trước đây nó không được, hoặc không dám thể hiện một cách công khai. Đời sống dân chủ từ sau đổi mới đã cho phép nhà văn dám nói thẳng, nói thật những điều mà họ nghĩ.

4. Tác động của kinh tế thị trường đến người tiếp nhận văn học

Không chỉ tác động đến người sáng tác, mà kinh tế thị trường còn tác động đến cả người tiếp nhận văn học. Ngoài những ảnh hưởng tiêu cực do sự xuống cấp của văn hoá đọc hiện nay, thì kinh tế thị trường có tác động tiêu cực, thông qua quy luật cung - cầu (yêu cầu ngày càng cao của người tiếp nhận văn học) đã thúc đẩy các nhà văn đổi mới cách viết cũng như việc xuất bản sách.  Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho rằng: “Công việc của nhà văn bắt đầu từ đâu? Tôi nghĩ rằng phải bắt đầu từ việc nghiên cứu bạn đọc, đúng hơn là phải nghiên cứu tâm lý dân tộc trong cả một khoảng thời gian dài. Trên cơ sở đó, nhà văn dọn món ăn tinh thần cho cả thời đại mình” [9]. Người tiếp nhận văn học hôm nay ở mọi lứa tuổi không chỉ đòi hỏi những cuốn sách có nội dung hay, mà còn cần những ấn phẩm trình bày đẹp, bắt mắt, được in trên những loại giấy trắng và nhẹ với kiểu chữ sắc nét, dễ đọc. Về chất lượng nội dung của tác phẩm, phải thấy rằng những giải thưởng danh giá hàng năm của các Hội văn học nghệ thuật có uy tín đã góp phần định hướng rất lớn lượng độc giả tìm đọc. Cách đây vài năm, khi tiểu thuyết Một mình một ngựa của Ma Văn Kháng ra đời, hàng tuần liền bạn đọc có thể dễ dàng tìm thấy tác phẩm trên kệ sách của các quầy bán sách. Nhưng sau khi Hội nhà văn Hà Nội công bố trao giải cho tác phẩm thì chỉ vài ngày sau đã không thể tìm mua nổi cuốn sách này, và sau đó nó đã được nối bản liên tục. Tương tự như vậy, trường hợp tác phẩm Đội gạo lên chùa của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sau khi được Hội nhà văn Việt Nam trao giải thưởng, tuy cuốn sách có độ dày lên đến trên 800 trang, nhưng cũng đã được bạn đọc săn lùng mua với con số kỉ lục.

5. Kết luận

Nền kinh tế thị trường trong thời kì đổi mới và hội nhập từ 1986 là chất xúc tác, tác động rất lớn cả mặt tích cực và tiêu cực đến sự tồn tại và phát triển của văn học Việt Nam hiện đại. Việc chạy theo kinh tế thị trường đã khiến một số tác giả có cái nhìn lệch lạc, dung tục về cuộc sống, nhưng cũng chính kinh tế thị trường là chất liệu giúp các nhà văn có cái nhìn “đời” hơn, để từ đó có những tác phẩm gần gũi, chân thực với cuộc sống. Sự tương tác này góp phần không nhỏ cho sự phát triển văn học Việt Nam trong thời kỳ mới - vừa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường vừa phản ánh chân thực đời sống con người Việt Nam đương đại.

Tài liệu tham khảo

[1]     Y Ban (2008), Xuân từ chiều, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.

[2]     Nguyễn Khải (1997), “Tâm sự văn chương”, Báo Văn nghệ Trẻ, số 56.

[3]     Nguyễn Xuân Khánh (2006), Mẫu thượng ngàn, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.

[4]     Dạ Ngân (2005), Gia đình bé mọn, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.

[5]     Nguyên Ngọc (1991), “Văn xuôi sau 1975 - Thử thăm dò đôi nét về quy luật phát triển”, Tạp chí Văn học, số 4.

[6]     Bảo Ninh (2011), Nỗi buồn chiến tranh, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.

[7]     Nguyễn Bình Phương (2013), Ngồi, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.

[8]     Nguyễn Huy Thiệp (2016), Giăng lưới bắt chim, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.

[9]     Thuận (2005), Paris 11 tháng 8, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam (số 5 - 2017)

Tác giả: PGS.TS. Lê Dục Tú