Phân tích có sở khoa học của yêu cầu đọc đúng âm chuẩn

PHẦN I. MỞ ĐẦU

     Tôi còn nhớ có một nhà văn đã từng nhắc nhở chúng ta: “Ngôi trường Tiểu học, người thầy giáo tiểu học là những hình ảnh thân thiết sẽ theo suốt cuộc đời mỗi con người như một thứ hành trang tinh thần có sức dìu đỡ, động viên để vượt khó khăn và sống cho xứng đang. Trình độ văn hóa của chúng ta có thể bộc lộ rõ và phổ biến ở các ngôi trường Tiểu học, hãy chăm lo tỉ mỉ và chu đáo hơn nữa cho con người ngay từ tuổi thơ. Hãy bắt đầu từ trường Tiểu học. Ta muốn khắc sâu trong tâm trí những người dân Việt Nam về sự giàu có, về rừng vàng, biển bạc của đất nước” Có lẽ khởi nguồn của lời nhắc nhở này chính bởi bậc Tiểu học là bậc học đặt nền móng cho việc hình thành nhân cách học sinh. Đây là bậc học cung cấp những tri thức khoa học ban đầu về tự nhiên, xã hội, trang bị những phương pháp và kĩ năng ban đầu về hoạt động nhận thức thực tiễn. Bên cạnh đó nó còn bồi dưỡng, phát huy tình cảm đạo đức và nhân cách tốt đẹp của con người trong tương lai.Các môn học ở Tiểu học có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau. Đặc biệt môn Tiếng Việt có vị trí quan trọng vào bậc nhất trong tất cả các môn học ở Tiểu học. Ngay từ ngày đầu đến trường, các em đã được làm quen với bộ môn này. Đó là chiếc chìa khóa mở cánh cửa tri thức, đưa các em đế với kho tàng văn hóa của nhân loại.

     Tập đọc là một phân môn có vị trí quan trọng hàng đầu trong chương trình Tiếng Việt ở tiểu học. Dạy tốt phân môn Tập đọc không những rèn luyện cho học sinh kĩ năng đọc mà còn phát triển cho các em vốn từ ngữ phong phú tạo điều kiện để các em học tốt các phân môn khác. Thông qua môn Tập đọc rèn cho các em kĩ năng đọc như­: Đọc đúng, đọc nhanh, đọc chính xác, rõ ràng, diễn cảm  để học sinh có những hiểu biết về kiến thức văn học, ngôn ngữ và ng­ược lại. Đầu tiên trẻ phải học đọc sau đó trẻ phải đọc để học. Đọc giúp các em lĩnh hội đ­ược ngôn ngữ, dùng trong giao tiếp và hoạt động học tập. Nó là điều kiện để cho học sinh có khả năng tự học và tinh thần học tập cho cả đời. Phân môn Tập đọc còn trau dồi cho học sinh kiến thức Tiếng Việt, kiến thức văn học, kiến thức đời sống giáo dục tình cảm, thầm mĩ. Các quá trình đó có liên quan mật thiết với nhau, bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Qua việc đọc, học sinh chiếm lĩnh đ­ợc tri thức văn hóa của dân tộc, tiếp thu nền văn minh của loài ng­ười thông qua sách vở, biết đánh giá cuộc sống xã hội, t­ư duy. Qua hoạt động học, tình cảm thẩm mĩ của các em được nâng cao nên tầm hiểu biết để nhìn ra thế giới xung quanh và quá trình nhận thức của các em có chiều sâu hơn. Đọc đúng, đọc hay cũng là kĩ năng của ngôn ngữ văn học. Qua đó có tác dụng tình cảm, đạo đức cao đẹp cho ngư­ời học sinh. Đồng thời phát huy óc sáng tạo và khả năng tư­ duy nh­ư quá trình phân tích tổng hợp cho các em.

      Phân môn Tập đọc có nhiệm vụ rèn kĩ năng đọc cho học sinh. Đọc là một hoạt động của lời nói, là quá trình chuyển dạng chữ viết sang lời nói âm thanh , là quá trình chuyển tiếp hình thức chữ viết thành đơn vị nghĩa không có âm thanh.

     Cả hai hình thức trên đều không thể tách rời nhau. Chính  vì vậy, dạy đọc có một ý nghĩa rất to lớn ở tiểu học. Nó đã trở thành một đòi hỏi cơ bản đầu tiên đối với người đi học. Đọc là một khả năng không thể thiếu đựơc của con người trong thời đại văn minh.

     Ở lớp 2, các thể loại văn bản ở các bài Tập đọc được biên soạn theo các chủ để với nội dung rất phong phú, đa dạng. Không chỉ với mục đích rèn đọc mà nó còn giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, yêu thiên nhiên, giáo dục đạo đức lối sống, giúp HS tiếp cận với những thông tin thời sự cập nhật qua các văn bản hành chính, giúp HS có kĩ năng ứng xử giao tiếp trong cuộc sống. Song do một số các lỗi phát âm thường gặp như: l / n, thanh hỏi / thanh ngã, mà các em không thấy được hết ý nghĩa của văn bản, vẻ đẹp của quê hương đất nước thông qua các bài Tập đọc đó.

     Hơn nữa, trong những năm học gần đây, việc sửa lỗi phát âm đang được Bộ GD & ĐT xem là một trong những vấn đề trọng tâm cần phải giải quyết. Đặc biệt là địa bàn thì HS không chú ý phát âm đúng do ảnh hưởng của môi trường sống, giao tiếp. Điều này làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng phân môn Tập đọc ớ lớp 2A3 do tôi phụ trách.

     Từ những bất cập trên đã thôi thúc tôi nghiên cứu và mạnh dạn áp dụng phương pháp đổi mới để sửa lỗi phát âm thành công trong đề tài: “Một số biện pháp sửa lỗi phát âm qua phân môn Tập đọc cho HS lớp 2”.

     Để áp dụng thành công các biện pháp rèn đọc cho HS lớp 2, tôi đã nghiên cứu thực trạng dạy và học Tập đọc lớp 2 và đề xuất các giải pháp với các giáo viên trong tổ, khối nhằm nâng cao chất lượng dạy Tập đọc lớp 2.

     Để cập nhật thông tin, tôi tìm tòi, đọc tài liệu liên quan, nghiên cứu SGK, chương trình, nội dung môn Tiếng Việt và phân môn Tập đọc, đối chiếu, so sánh với thực tế giảng dạy.

    Sau khi nghiên cứu tôi đã áp dụng phương pháp mới, dạy thử nghiệm ở lớp và đánh giá kết quả dạy học theo phương pháp mới trong năm học 2018-2019.

PHẦN II. NỘI DUNG

     1. Cơ sở lý luận:

     1.1 Một số khái niệm cơ bản của đề tài:

     Đất nước ta đang bước vào thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong thời đại bùng nổ thông tin, xu thế quốc tê hóa, toàn cầu hóa trong kinh tế, vấn đề hội nhập và phát triển để gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc đòi hỏi phải có sự đổi mới trong giáo dục- đào tạo.

     Vì vậy, dạy tiếng mẹ đẻ một  cách cẩn thận, khoa học là cực kì quan trong để giúp HS học tập, chiếm lĩnh tri thức, có kĩ năng giao tiếp hàng ngày.

     Ta thấy kĩ năng đọc là vô cùng quan trọng giúp cho con người tự học, sử dụng được các nguồn thông tin. Muốn dạy đọc hiệu quả mỗi GV phải hiểu bản chất của quá trình đọc.

     Đọc là một dạng hoạt động ngôn ngữ, là quá trình chuyển dạng hình thức chữ viết sang lời nói có âm thanh và thông hiểu nó (đọc thành tiếng), là quá trình chuyển trực tiếp từ hình thức chữ viết thành đơn vị nghĩa không có âm thanh (đọc thầm).

     Như vậy, nhiệm vụ sửa lỗi phát âm là rèn kĩ năng đọc đúng, đọc rõ ràng, rành mạch, đọc thông thạo, lưu loát rồi đọc hiểu và đọc hay (tức là đọc diễn cảm).

     1.2. Mục tiêu, ý nghĩa, vai trò của vấn đề sửa lối phát âm cho HS:

     Rèn đọc có ý nghĩa cực kì quan trọng với HS tiểu học, đó là yêu cầu  cơ bản, đầu tiên với mỗi người. Vì suốt thời gian học tập từ nhỏ đến lớn HS sử dụng hoạt động đọc nhiều nhất. Các em đọc bài học, đọc bài ghi, đọc SGK, đọc bài tập, sách báo. Đọc để chiếm lĩnh ngôn ngữ dùng trong giao tiếp và học tập, đọc là công cụ để học tập tốt và tạo ra hứng thú, động cơ học tập.

     Chính vì vậy, bản thân tôi luôn nghiên cứu các phương pháp để rèn đọc cho HS một cách hệ thống và hiệu quả.     

     1.3. Những yêu cầu cần đạt của vấn đề sửa lỗi phát âm cho HS lớp 2:

     Trong chương trình Tiếng Việt lớp 2 thì phân môn Tập đọc chiếm thời lượng nhiều nhất 3 tiết / tuần.

     Mục tiêu môn Tập đọc lớp 2 là: Phát triển kĩ năng đọc và nghe nói cho HS.

+ Đọc thành tiếng ( phát âm đúng, ngắt nghỉ hợp lí, cường độ hợp lí, tốc độ vừa phải, tốc độ đọc 50 tiếng / phút).

+ Đọc thầm và hiểu nội dung.

+ Nghe và nắm được cách đọc đúng; nghe - hiểu các câu hỏi của GV; nghe - hiểu nhận xét ý kiến.

+ Nói: Rèn kĩ năng biết trao đổi với các bạn, biết trả lời các câu hỏi của bài đọc.

      Trau dồi vốn Tiếng Việt, vốn văn học, phát triển tư duy, mở rộng hiểu biết của HS về cuộc sống.

     Bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm và tâm hồn lành mạnh, trong sáng, tình yêu cái đẹp, cái thiện và thái độ ứng xử đúng mực trong cuộc sống, hứng thú đọc sách, yêu thích Tiếng Việt.

     Như vậy ta thấy Tập đọc là một phân môn thực hành để rèn kĩ năng đọc cho HS. Bản thân tôi luôn nghiên cứu để nắm vững vị trí, vai trò, mục tiêu của môn Tập đọc để tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy đọc hiệu quả cho HS.

      2. Thực trạng của việc sửa lỗi phát âm cho HS lớp 2:

      Chương trình thay sách giáo khoa mới đã được 9 năm, bản thân tôi luôn áp dụng đổi mới phương pháp dạy học hiệu quả ở các môn học, đặc biệt là việc đổi mới phương pháp dạy học Tập đọc được đồng nghiệp đánh giá cao. Tuy nhiên do ảnh hưởng của phương ngữ địa phương phát âm không chuẩn ân đầu l / n nên HS thường đọc, nói sai và  không phân biệt được cách phát âm chuẩn.

Ví dụ : Học đến giữa lớp 2, thậm chí cuối lớp 2 vẫn còn có HS nếu lần đầu tiên tiếp xúc với văn bản mới thì đọc chậm, chưa đúng tốc độ, thậm chí nhiều tiếng còn phải dừng lại để đánh vần hoặc có HS còn đọc sai tiếng, kéo theo sai cả nội dung văn bản. Đặc biệt nằm ở vùng có phương ngữ lệch chuẩn nên việc ngọng các tiếng có chứa phụ âm đầu l / n còn khá phổ biến.

Chẳng hạn, khi đọc bài : “ Bé nhìn biển” ( TV lớp 2, tập 2 , trang 65) ở khổ thơ cuối là :

Nghìn con sóng khỏe

Lon ta lon ton

Biển to lớn thế

Vẫn là trẻ con

Thì có HS lại đọc:

Nghìn con sóng khỏe

Non ta non ton

Biển to nớn thế

Vẫn nà trẻ con

Ngoài ra cũng chưa kể hết việc HS đọc ngọng các cặp phụ âm khác như ch/ tr, s/ x hoặc thanh hỏi, thanh ngã, đọc ngọng, sai các vần như iu/ ưu, iêu/ ươu... Chẳng hạn ngay như HS lớp tôi khảo sat, khi đọc bài “ Ngày hôm qua đâu rồi?” ( TV lớp 2, tập 1 , trang 10) có dòng thơ

                             Ra ngoài sân hỏi bố

          Thì một HS đọc sai thành : Ra ngoài sân họi bố

     Chúng ta có thể thấy ngay rằng việc đọc sai sẽ dẫn đến nhiều tác hại như làm sai lệch nội dung của văn bản, viết sai, hiểu sai ý định biểu đạt của văn bản trong khi yêu cầu cơ bản của tiết Tập đọc là rèn kĩ năng đọc.

     Như chúng ta đã biết một bộ phận giáo viên tiểu học khi nói và đọc mắc một sai lầm là đọc ngọng,  thiếu dấu ,đọc , nói lẫn giữa phụ âm đầu là l- n hoặc với những tiếng có phụ âm quặt lưỡi như s - x; r-d; ch - tr đều đọc cố nhấn để phát âm cho rõ nên làm mất cái hay, cái tự nhiên khi đọc. Điều này làm cho các em cảm thấy xấu hổ mất tự tin khi đọc, hạn chế việc đọc của các em mất đi sự hứng thú với môn học này.

      Chính vì vậy khi dạy Tập đọc chúng ta phải chú ý quan tâm đến tất cả các đối tượng học sinh trong lớp mình và khi dạy học chúng ta phải phụ thuộc vào trình độ của học sinh, phải hướng dẫn cho các em đọc đúng, phát âm chuẩn. Nếu học sinh đọc chưa tốt, đọc còn ngọng, sai và ấp úng thì giáo viên phải dừng lại ở bước 1 là luyện đọc đúng. Nếu học sinh đọc đúng, đọc tốt rồi thì giáo viên dành cho luyện đọc nâng cao ( bước 3). Động viên các em và giao nhiệm vụ cho cả lớp cùng giúp bạn bằng cách không trêu ghẹo, đùa mà tạo cơ hội cho bạn sửa chữa.

      Từ những bất cập và hạn chế của HS, tôi đã học tập, tích lũy kinh nghiệm quý báu của đồng nghiệp, nghiên cứu tài liệu, nâng cao nghiệp vụ, áp dụng phương pháp nâng cao kĩ năng rèn đọc cho HS.

     Để lựa chọn phương pháp, hình thức  rèn đọc phù hợp với từng đối tượng HS thì việc khảo sát chất lượng đọc của HS là vô cùng quan trọng. Qua đó GV nắm bắt được điểm mạnh, điểm yếu của các em để có biện pháp giúp đỡ kịp thời, phù hợp ở mối tiết học.

     Chính vì vậy, ngay từ đầu năm học, tôi đã kiểm tra kĩ năng đọc của HS để nắm bắt nguyên nhân các em đọc chưa tốt và phân loại thành các nhóm, thể hiện ở bảng sau:

Tổng số HS

HS đọc ngọng âm đầu l/ n

HS đọc ngọng thanh hỏi/ thanh ngã

HS đọc sai vần

57

10

4

3

     Sau khi phân loại chất lượng đọc, tôi thành lập các đôi bạn cùng tiến, các nhóm học tập giúp đỡ nhau rèn đọc trong giờ truy bài, tiết hướng dẫn học để em đọc tốt kèm các em đọc yêu. Ngay trong các tiết Tập đọc, tôi chia thành các nhóm rèn đọc có đối tượng HS đọc tốt và đọc yếu, sửa đọc giúp nhau rất hiệu quả.

     Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, tôi gặp gỡ, trao đổi riêng với từng phụ huynh có HS đọc yếu cụ thể về chất lượng đọc để phụ huynh kết hợp chặt chẽ với GV kèm cặp, rèn đọc cho HS hiệu quả.

     3. Các biện pháp sửa lỗi phát âm cho học sinh:

     Biện pháp 1: Chuẩn bị bài chu đáo của GV và HS:

     a) Chuẩn bị của GV:

     Muốn dạy học đạt hiệu quả thì sự chuẩn bị bài của GV có vai trò vô cùng quan trọng. Bởi vì có nắm vững được nội dung, mục tiêu mỗi bài Tập đọc và sự hiểu biết sâu sắc về “vốn tập đọc” của HS thì GV mới tổ chức quá trình dạy học thành công. Muốn thành công, GV cần chuẩn bị những nội dung sau:

     * Nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa.

     Việc nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa sẽ giúp GV nắm được nội dung, mục tiêu môn học, hiểu rõ được kĩ năng rèn đọc cho HS và thấy được mối liên quan giữa các bài Tập đọc để lựa chọn phương pháp, hình thức dạy học phù hợp, thu hút HS tích cực học tập.

     Với mỗi bài Tập đọc, tôi thường đọc rất nhiều lần bài đọc để hiểu rõ nội dung, mục tiêu văn bản, tìm ra cách đọc phù hợp với từng câu, từng đoạn, cả bài, lỗi sai mà HS hay mắc phải để tìm phương pháp hướng dẫn HS luyện đọc.

     Để tiến hành dạy Tập đọc tốt tôi tìm hiểu kĩ trình độ đọc của HS, nắm vững điểm mạnh của các em về kĩ năng đọc thành tiếng và đọc hiểu để phát huy và tìm ra hạn chế về phát âm sai để luyện đọc trong tiết học. Sự hiểu biết này giúp tôi tổ chức dạy phân hóa, tạo điều kiện phát triển năng lực đọc cho từng HS.

     Sau khi xác định được nội dung, mục tiêu mỗi bài Tập đọc, tôi xây dựng kế hoạch dạy học chi tiết, thể hiện rõ hoạt động của thầy và trò, dự kiến các tình huống sai, thời gian hợp lí từng hoạt động, lựa chọn đồ dùng, phương tiện, phương pháp, hình thức dạy học phù hợp, hiệu quả với HS.

      b) Chuẩn bị của HS.

     Muốn tiết học thành công thì việc chuẩn bị bài của HS là một nhân tố quan trọng. Vì vậy tôi đã hướng dẫn các em chuẩn bị chu đáo.

     Mỗi bài tập đọc, tôi dặn dò, yêu cầu HS đọc trước nhiều lần, tập sửa những lỗi phát âm mình thường mắc trước ở nhà; tập ngắt nghỉ đúng dấu câu (với bài văn xuôi ), tập ngắt nhịp thơ (với bài thơ), tập đọc phân vai với các bài có nhân vật.

     Tôi kết hợp với phụ huynh trong buổi họp đầu năm cùng giúp đỡ, kèm cặp, rèn đọc cho HS. Tôi phân tích để phụ huynh thầy tầm quan trọng của môn Tập đọc, có đọc thông thì HS mới viết thạo, mới học tốt các môn học khác.

Ví dụ : Bài “ Bạn của Nai Nhỏ” ( TV2 , tập 1 , trang 22)

Tôi dặn dò HS đọc thành tiếng trước bài từ ba đến năm lần cho bố mẹ nghe, tập ngắt nghỉ đúng dấu câu.

Dùng bút chì gạch chân dưới những từ các em thấy khó đọc và luyện đọc nhiều lần : Nai Nhỏ, nói, nước uống, lão Hổ, đuổi bắt, Dê Non, lo lắng, nào nữa.

Qua phần chuẩn bị bài chu đáo như vậy, đến giờ tập đọc các em sẽ yêu thích, hứng thú với bài đọc, GV dành thời gian sửa lỗi cho các em đọc yếu và rèn đọc diễn cảm cho các em đọc tốt, các em khắc sâu nội dung bài đọc.

     Biện pháp 2:  Hướng dẫn sửa lỗi phát âm cho HS.

     1. Sửa đọc lỗi phát âm l / n :

     Trước hết giáo viên phải nắm chắc được nghĩa của các từ có phụ âm hay đọc ngọng  như l- n để định hình được lời nói và chữ viết. Giáo viên cần xem lại phương thức phát âm phụ âm đầu l- n và tự mỗi giáo viên phải luyện bằng thời gian dài  và phải kiên trì.

     2. Nắm lại phương thức phát âm và vị trí phát âm của phụ âm đầu l/ n:

     2.1 Bộ máy phát âm: Bộ máy phát âm của người gồm 13 bộ phận đó là Khoang yết hầu, khoang miệng, khoang mũi, môi, răng, lợi, ngạc cứng, ngạc mềm, lưỡi con, đầu lưỡi, mặt lưỡi trước, mặt lưỡi sau, nắp họng. Khi phát âm không khí từ phổi đi ra thanh hầu làm dây thanh rung động và tạo ra những sóng có tần số khác nhau; những sóng âm với tần số này sẽ được cộng hưởng ở các khoang phát âm (Khoang miệng, khoang mũi, khoang yết hầu). Sự khác biệt giữa các khoang phát âm ở mỗi người tạo nên những âm sắc khác nhau mà ta thường gọi là những giọng nói khác nhau. Theo đặc điểm sinh học, các âm được phân thành nguyên âm và phụ âm. Sự khác biệt giữa nguyên âm và phụ âm được nhận diện chủ yếu qua cách phát âm.

     Nếu một âm khi phát âm luồng không khí từ phổi đi qua các khoang phát âm mà không bị cản ở bất cứ một vị trí nào thì âm đó là nguyên âm. Nếu một âm khi phát âm luồng không khí từ phổi đi qua các khoang phát âm mà bị cản ở một vị trí nào đó thì âm đó là phụ âm.

     2.2. Cách phát âm và vị trí phát âm của n và l

- /n/ là phụ âm tắc, vang, đầu lưỡi răng: Trước khi phát âm, đầu lưỡi đặt ở mặt sau của răng làm điểm cản hoàn toàn luồng hơi đi ra từ phổi qua khoang miệng, sau bật ra, lưỡi thẳng, đầu lưỡi hơi tụt lại, tạo thành âm: Nờ

- /l/ là phụ âm xát, vang bên, đầu lưỡi quặt: Trước khi phát âm, đầu lưỡi ở vị trí lợi hàm trên làm điểm cản một phần luồng hơi đi ra từ phổi qua khoang miệng, thoát ra hai bên cạnh của lưỡi, đầu lưỡi cong lên, lưỡi chuyển động theo chiều đi xuống, tạo thành âm: Lờ

- Phát âm âm vị n: Phát âm n, hơi thoát ra mũi. Khi phát âm n, hơi thoát ra miệng sẽ nghe thành l; ngược lại phát âm l, hơi thoát ra mũi sẽ thành n. Thế nên bịt mũi, không phát âm chuẩn n. Trong khi phát âm l, bịt mũi sẽ chuẩn. Khi phát âm âm vị n ta để đầu lưỡi sát chân răng hàm trên. Lúc này miệng hơi mở. Bật nhanh đầu lưỡi xuống, hàm dưới hơi trễ; luồng hơi từ họng đi qua hai lỗ mũi tạo thành âm n (nờ).

- Phát âm âm vị l: l là phụ âm biên, khi phát âm chuẩn, hơi không thoát ra thẳng giữa miệng mà thoát ra hai bên lưỡi. Để đầu lưỡi sát chân răng hàm trên. Lúc này miệng hơi mở. Cuốn nhanh đầu lưỡi lên; luồng hơi từ họng đi qua hai mép lưỡi tạo thành âm l (lờ).

Ví dụ : Khi dạy bài “ Có công mài sắt, có ngày nên kim”.

HS lớp tôi thường phát âm sai các tiếng có âm đầu n do ảnh hưởng phát âm địa phương nên các em không phân biệt được n / l.

Khi phát hiện lỗi sai : “ nắn nót, nó” thánh “ lắn lót, ló” tôi gọi các em đọc giỏi phát âm mẫu rồi yêu cầu các em đọc sai phát âm lại.

Cũng có em phát âm lại 3- 4 lần vẫn chưa được, tôi hướng dẫn các em phân biệt âm n / l như sau :

Khi phát âm “ n” là một âm mũi, sờ tay vào mũi sẽ thấy mũi rung, lưỡi áp vào lợi trên. Còn khi phát âm “ l” mũi không rung, đầu lưỡi cong, hơi bật mạnh.

Sau đó tôi yêu cầu HS luyện phát âm “ nắn nót, nó” bằng cách nếu bịt chặt mũi lại không phát âm rõ tiếng “ nắn nót, nó”, nhưng bịt chặt mũi vẫn phát ra âm rõ tiếng có âm đầu “ l” trong bài như “ làm, lạ” để HS tự phân biệt được mình đang phát âm âm nào để rèn ý thức đọc đúng.

    2.3. Luyện phát âm đúng các phụ âm đầu l - n:       

     Mục đích luyện phát âm là để cho bộ máy phát âm hoạt động thuần thục, nhất là luyện đầu lưỡi thẳng khi phát âm N (nờ) và cong khi phát âm L (lờ) cho quen, mềm mại, linh hoạt.

     Cách luyện: Hai âm vị trên được phát âm nhiều lần, lúc đầu phát âm với tốc độ chậm, sau nhanh dần. Lúc đầu phát âm từng âm vị, sau phát âm đổi chỗ xen kẽ l, n; n, l tốc độ chậm rồi nhanh, mục đích làm tăng thêm sự linh hoạt của đầu lưỡi.

     Tiếp theo là luyện phát âm tiếng, từ (Có chứa l / n) ( Cách tiến hành tương tự)

     2.4 . Luyện phát âm các tiếng, từ có phụ âm đầu l, n kết hợp với tìm hiểu nghĩa của các từ bằng cách tra Từ điển Tiếng Việt.

      Mục đích rèn luyện ở đây có gắn với việc hiểu nghĩa của từ. Cách luyện:

+ Mở từ điển Tiếng Việt đọc lần lượt các từ của mục từ có phụ âm đầu l, n kết hợp xem nghĩa của từ, từ loại của từ.

+ Đọc mục từ có phụ âm nào trước cũng được.

+ Đọc có so sánh nghĩa của những từ có phụ âm đầu N, L mà vần giống nhau:

Ví dụ:  lặng/nặng

Lặng: lặng lẽ, thầm lặng, lặng thinh; nặng: gánh nặng, dấu nặng, nặng nhọc.

Hoặc: Lăng/năng

Lăng: Lăng mộ, cây bằng lăng, lăng xăng

Năng: năng khiếu, năng động, năng lực, năng suất.

+ Nhớ nghĩa viết từ, tạo câu có nghĩa và nhẩm đọc.

+ Phối hợp luyện phát âm đúng các tiếng, từ có phụ âm đầu L, N trong giờ dạy học tất cả các bộ môn.

     2.5 . Luyện đọc các câu, đoạn văn thơ có các từ ngữ có phụ âm đầu l, n

      Mục đích để nhớ phát âm và từ ngữ mang âm được phát gắn với nghĩa đi vào hoạt động giao tiếp bằng văn tự (chữ viết). Lúc này chữ viết nhắc nhớ lại nghĩa, nhớ lại âm và bật ra âm đúng.

- Cách đọc và cách luyện:

+ Chọn câu văn, thơ, đoạn văn có nghĩa hấp dẫn, hay, vui vẻ, hài hước.

Ví dụ:

1. Phụ nữ Việt Nam thường lên núi lấy lá non về làm nón.

2. Năm nay lũ lớn liên tiếp về làm năng suất lúa nếp của bà con nông dân thấp lắm.

3. Lúc nào lên núi lấy nứa về làm nón nên lưu ý nước lũ.

4. Nếu nói lầm lẫn lần này thì lại nói lại. Nếu lầm lẫn lần nữa thì lại nói lại. Nói cho đến lúc luôn luôn lưu loát hết lầm lẫn mới thôi.

5. Lúa nếp là lúa nếp làng

Lúa lên lớp lớp lòng nàng lâng lâng.

6. Con lươn nó lườn trong lọ.

7. Cơm còn lưng lửng nồi.

8. Lê Lương Nam rất nỗ lực rèn luyện.

9. Nồi niêu nhà nó luôn vứt lung tung.

10. Cái Lan nổi trần lôi đình, nói năng nóng nảy.

11. Hắn là anh lính nô lệ.

12. Người lính len lỏi, luồn sau vào nội thành để nắm binh lực địch.

13. Chiếc thuyền nan lúng liếng trên mặt nước rồi lật úp.

14.Nước luồn qua khe núi dồn lại ở chỗ này.

15. Cành na gẫy cứ lủng lẳng trên nóc chuồng gà.

16. Từ trên núi xuống, bọn lính lùng sục khắp nơi.

17. Lan cứ lúng ba lúng búng không nói nên lời.

18. Dạo này, cô nàng đã nói năng nhã nhặn, làm lụng có nền nếp.

19. Nghe Lan nói, lời lẽ thật não nuột.

20. Cái Nụ ăn nói thật nanh nọc.

21. Nói nát nước nát cái mà cái Luyến vẫn chưa nghe.

22. Ông nội vừa nạt nộ, vừa khuyên bảo nó bằng lời lẽ tình cảm.

23. Màu nâu non là màu nâu nhạt, tươi, nữ giới thường cắt áo màu này.

24. Chị Nõn nén lòng, nghẹn ngào nói trong nước mắt.

25. Nam Linh láu lỉnh l ắm, chạm vào nó cái gì là nó biết nói lảng ngay.

26. Lê Lưu Luyến nói năng lưu loát.

27. Cô Nương có nước da nõn nà, nói năng lưu loát, hay nũng nịu, làm duyên, làm dáng.

28. Nòng nọc sống dưới nước, lớn lên sống trên cạn.

29. Vì anh nóng nảy nên làm hỏng linh tinh cả.

30. Nấu nướng cần đầy đủ nồi niêu, củi lửa.

+ Đọc nhiều lần, thuộc lòng để nhẩm đọc bất cứ lúc nào.

+ Chọn câu dễ (ít từ có chứa phụ âm đầu N, L) đọc trước, câu khó (Câu có nhiều từ phụ âm đầu là L, N) đọc sau.

+ Đọc câu tốt rồi chuyển sang đọc đoạn văn, đoạn thơ, đọc toàn bài.

+ Giáo viên và học sinh có ý thức rèn luyện đọc đúng ở tất cả các bộ môn dạy và học trong chương trình. Giáo viên luôn có ý thức đọc đúng và chú ý rèn sửa lỗi phát âm khi các em mắc.

      2.6 . Luyện phát âm l, n qua các câu chuyện có chứa nhiều từ ngữ chứa phụ âm đầu n, l.

      Mục đích luyện phát âm trong hoạt động nói, một hoạt động đòi hỏi nhớ âm-nghĩa đã cao hơn nhớ tự động và phát âm chuẩn tự động, không có văn tự kích thích.

      Cách kể câu chuyện:

+ Chọn câu chuyện ngắn kể trước, câu chuyện dài kể sau.

+ Lúc đầu kể chậm, vừa kể vừa nhớ cách phát âm, sau kể nhanh dần.

+ Kể chuyện một mình và kể cho người khác nghe để kiểm tra phát âm.

+ Kể nhiều lần.

+ Kể trên lớp cho nhau nghe và chỉnh sửa.

Ví dụ : Câu chuyện “ Suối nhỏ và vũng nước”. ( Truyện đọc lớp 2, trang 84)

 Trong câu chuyện có một số các từ ngữ khó mà khi phát âm, HS hay nhầm lẫn như : len lỏi, lạch nước, nấp, lẫn, núi cổ, nắng, Núc Nác, ......

Bằng việc kể đi kể lại câu chuyện này nhiều lần, HS sẽ ghi nhớ, phát âm đúng những từ ngữ khó.

      2.7. Luyện phát âm l, n qua các bài hát có từ ngữ chứa phụ âm đầu l, n

     Âm nhạc luôn là một hoạt động lôi cuốn và rất được yêu thích. Hoạt động âm nhạc bao gồm hoạt động biểu diễn văn nghệ theo chủ đề dưới các hình thức sinh hoạt văn nghệ, giáo viên khuyến khích học sinh thể hiện bài hát có sự tham gia cùng giáo viên hoặc giáo viên hát cho học sinh nghe. Cho nên phần luyện phát âm này có rất nhiều điều kiện để thầy và trò cùng luyện mà không nhàm chán.

Các cách luyện:

+ Hát một mình và hát cho người khác nghe để kiểm tra phát âm.

+ Hát nhiều lần.

+ Hát trong giờ dạy âm nhạc.

Đặc biệt hoạt động âm nhạc có thể được tổ chức ở mọi lúc mọi nơi như kết hợp với thể dục buổi sáng, khi đi dạo chơi. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi nhất  giúp cho việc luyện phát âm chuẩn l, n.

Ví dụ : Bài hát “ Múa vui”, “ Nu na nu nống”, “ Thật là hay”....

Tôi cho HS hát các bài hát này vào đầu giờ, giờ truy bài để HS ghi nhớ, luyện phát âm chuẩn. Đây vừa là hình thức luyện tập cũng vừa là trò chơi, giúp các em hứng thú, ghi nhớ nhanh.

      2.8 . Luyện phát âm l, n trong giao tiếp hàng ngày :

      Mục đích: Đây là mục đích cuối cùng luyện phát âm có phụ âm đầu l, n đi vào hoạt động giao tiếp mang tính tự động.

     * Cách luyện:

+ Nói, hỏi người giao tiếp với mình bằng những câu, từ ngữ có phụ âm đâu l, n.

+ Trả lời bằng những câu có từ ngữ có phụ âm đầu l, n.

Ví dụ:

a. - Bà Nụ ơi ! Ruộng lúa  nếp nhà bà có tốt không ?

- Cảm ơn bà Na, sào lúa nếp nhà tôi tốt lắm.

b.- Dạo này nước lại thiếu nên lo lắm.

c. – Chết, cô xem lại chứ. Lan nó không nói linh tinh như thế đâu !

    2.9 . Câu hỏi kiểm tra lẫn n / l.

1. Năm nay lúa nếp Thanh Lâm có tốt không ?

2. Cô Lan nâng niu hay nuông chiều học sinh ?

3. Lũ lụt năm nay liệu có lớn không?

4. Thầy Nam luôn lo lắng vì sự non nớt của Lâm ?

5. Cô giáo Liên Hương ăn mặc luôn nên nã phải không?

6. Gia đình Việt Nam có nền nếp văn hóa và có là nền tảng xã hội không ?

7. Lê Lợi có nằm gai nếm mật làm cuộc khởi nghĩa Lam Sơn không ?

8. “ Nước non nặng một lời thề / Nước đi đi mãi không về cùng non” là câu thơ của ai ?

9. Em làm lụng, nấu nướng, nội trợ có tốt không ?

10. Não nùng là nỗi buồn như thế nào ?

    Biện pháp 3:  Sửa đọc lỗi phát âm sai một số vần khó:

     Trong quá trình luyện đọc có một số HS đọc chưa đúng còn thừa hoặc thiếu tiếng, từ. Tôi cho các em biết làm chủ tia mắt khi đọc để đọc không sót tiếng, không thừa tiếng, không lạc dòng.

     Muốn vậy, tôi yêu cầu HS đọc nhiều lần bài tập đọc và rèn luyện đọc nhiều lần bài tập đọc và rèn luyện các em thói quen đọc thầm theo bạn và theo cô giáo để rèn đọc tốt.

     Có một số HS khi đọc các tiếng có vần khó còn nhầm lẫn. Như vậy để rèn đọc đúng cho HS, ngoài luyện đọc theo mẫu, tôi còn kết hợp biện pháp cấu âm.

Ví dụ :

+ Bài “ Có công mài sắt, có ngày nên kim”, HS phát âm sai “ nguệch ngoạc” thành “ ngệch ngạc”

+ Bài “ Cây dừa”, HS đọc “ hũ rượu” thành “ hũ riệu”

+ Bài “ Quà của bố” , HS đọc “ niềng niễng” thành “ nêng nêng”, “ ngó ngoáy” thành “ ngó ngáy”.

     Để khắc phục lỗi sai như trên, tôi hướng dẫn các em phân tích tiếng để thấy được sự khác biệt giữa lỗi phát âm và cách phát âm mẫu theo chuẩn, sau đó, GV phát âm mẫu để sửa lỗi cho HS như sau :

+ Tiếng “ rượu” gồm âm đầu r , vần ươu, thanh nặng = > rượu.

+ Tiếng “ riệu” gồm âm đầu r, vần iêu, thanh nặng => riệu.

+ Tiếng “ nguệch” gồm âm đầu ng, vần uêch, thanh nặng => nguệch.

+ Tiếng “ ngoạc” gồm âm đầu ng, vần oac, thanh nặng => ngoạc.

+ Tiếng “ ngạc” gồm âm đầu ng, vần ac, thanh nặng => ngạc.

     Qua phần hướng dẫn như trên, gặp các tiếng có vần khó  với HS yếu các em sẽ biết đánh vần để đọc đúng.

     Ngoài việc sửa chữa trong mỗi tiết Tập đọc và các môn học khác, thì cuối mỗi buổi học tôi còn giao những bài tập đọc nhỏ để học sinh tự luyện đọc ở nhà và về nhà đọc trước bài của ngày hôm sau. Hàng ngày kiểm tra về cách đọc của học sinh và nhận xét. Qúa trình này tôi thực hiện thường xuyên và  luôn khuyến khích các em.

     Biện pháp 4. Tổ chức các hình thức thi phát âm đúng:

- Trong các giờ học, tôi luôn tổ chức các cuộc thi “ Phát âm chuẩn” cho HS. Cuối tuần, tôi tổng kết, động viên, khen ngợi những bạn có nhiều cố gắng. Điều này khiến HS vô cùng hứng thú, tạo tinh thần học tập tích cực khiến giờ học trở nên nhẹ nhàng mà hiệu quả.

- Các giờ hướng dẫn học, tôi lồng ghép cho HS làm những bài tập trắc nghiệm điền các phụ âm l / n, các từ, câu có chứa phụ âm l / n từ dễ đến khó hoặc tự tìm ra những ví dụ khác để làm phong phú nội dung luyện tập phát âm l / n.

- Các giờ ra chơi, hoạt động tập thể tôi cho HS thi hát các bài hát, đọc các bài thơ, bài đồng dao có nhiều phụ âm đầu l / n để HS thi đọc đúng. Tôi cũng chuẩn bị một số phần thưởng nhỏ để khích lệ các em.

- Tổ chức các cuộc hội thảo, chuyên đề về "rèn phát âm chuẩn''. Trong năm học nên tổ chức cuộc thi "Đọc giỏi, kể chuyện hay, viết đẹp ….'' có phần thưởng động viên đối với học sinh đạt kết quả tốt trong cuộc thi.

     Biện pháp 5. Phối hợp với gia đình trong việc sửa lỗi phát âm cho HS:

     Gia đình có vai trò hết sức quan trọng, bởi lẽ “ Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

     Đến trường, trong quá trình giao tiếp với thầy cô và các bạn, HS đã hình thành ý thức phát âm đúng. Khi về nhà, nếu HS sống trong môi trường mà cả gia đình và những người xung quanh không có ý thức phát âm đúng thì HS lại phát âm sai một cách vô thức. Chính vì vậy, vai trò của gia đình trong việc sửa lỗi phát âm cho HS là hết sức quan trọng.

- Ngay trong buổi họp phụ huynh đầu năm học, tôi đã tuyên truyên để PHHS thấy được hậu quả của việc phát âm sai và trao đổi với phụ huynh các biện pháp để rèn phát âm đúng cho HS tại gia đình.

- Tổ chức tọa đàm với PHHS vào các buổi họp PHHS hoặc những lần trao đổi về việc học tập của HS. Tôi liên lạc chặt chẽ với PHHS để theo dõi kết quả việc rèn luyện phát âm đúng của HS đến từng phụ huynh để có biện pháp kịp thời, phù hợp với từng đối tượng HS.

- Bên cạnh đó, PHHS rèn thói quen phát âm đúng để con em mình học theo, tạo cho HS một môi trường giao tiếp lành mạnh.

     4. Hiệu quả:

     Sau khi nghiên cứu và thực hiện những biện pháp sửa lỗi phát âm cho HS, tôi thấy các tiết học trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả hơn, cả lớp đều yêu thích, hứng thú, tích cực học tập và rèn sửa lỗi phát âm. Các em luôn háo hức, chờ đợi tiết Tập đọc để được gọi đọc, thi đọc, để báo cáo kết quả việc sửa lỗi phát âm của mình cho cô và các bạn.

     Trong tiết học, HS đều đọc đúng, rõ ràng, lưu loát với cường độ vừa phải, ngắt nghỉ hợp lí các dấu câu và cụm từ. Các em tích cực, chủ động thi đua rèn đọc, biết nhận xét cách đọc của bạn để phát hiện và sửa lỗi khi bạn đọc sai đồng thời học tập những bạn đọc tốt.

     Đặc biệt, trong lớp đã có nhiều HS sửa lỗi phát âm l / n thành công như : Vi, Trường, Trần Phương Anh,... Còn một số em khi đọc còn nhầm lẫn âm đầu l/ n như An, Khánh , Hưng; sai thanh hỏi/ thanh ngã như Đạt, Phương Huyền nhờ sự giúp đỡ của cô và các bạn đã có nhiều tiến bộ đáng ghi nhận – điểm  đọc đạt khá.

     Qua các đợt kiểm tra, khảo sát trong năm học 2017 – 2018 về việc sửa lỗi phát âm, lớp tôi đã thu được những kết quả như sau:

Tổng số HS

HS đọc ngọng âm đầu l/ n

HS đọc ngọng thanh hỏi/ thanh ngã

HS đọc sai vần

57

4

2

1

     Nhìn vào bảng tổng hợp trên, tôi biết cũng chưa làm được nhiều song trước thực tế là đối tượng SH ở địa phương nơi tôi đang công tác thì theo nhận định chủ quan của cá nhân tôi thi GV phải cố gắng rất nhiều mới đạt được kết quả như vậy. Cho tới nay, hầu như HS lớp 2A3 đã phát âm chuẩn, ít khi đọc ngọng các tiếng có phụ âm đầu dễ lẫn như tôi đã nêu ở trên. Các em biết ngắt nghỉ hợp lí, cường độ cúng như tốc độ đọc vừa phải, không to quá hay bé quá, không còn ê a, ngắc ngứ hay liến thoắng, đạt yêu cầu tối thiểu khoảng 50 tiếng / phút.

     Với phương pháp dạy học như trên, tôi trao đổi để  dạy thực nghiệm ở tố, khối chuyên môn được các đồng nghiệp và BGH đánh giá có tính khả thi cao, áp dụng rộng rãi để rèn đọc ở các lớp có hiệu quả, đặc biệt trong tổ 1, 2, 3.

     Các tiết Hội thi Giáo viên giỏi ở trường đều đạt loại tốt, các tiết thanh tra hoạt động sư phạm của Phòng Giáo dục hay dự giờ đột xuất, tôi đều đạt loại Tốt với 18 điểm trở lên.

     Trong năm học vừa qua, tôi đã dạy thành công nhiều chuyên đề dạy trên giáo án điện tử được đồng nghiệp đánh giá hiệu quả cai, HS đọc bài tích cực, nhiều HS đọc diễn cảm tốt.

     Đế có kết quả như trên, tôi xin chân thành cảm ơn sựu giúp đỡ, tạo điều kiện tận tình của BGH và các đồng nghiệp.

PHẦN 3. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

     1. Kết luận :

     1.1. Đối với giáo viên:

- Giáo viên biết làm mẫu bởi ta đã thống nhất với nhau rằng giáo viên không được quyền yêu cầu học sinh làm cái gì mà chính mình cũng không làm được. Muốn học sinh  phát âm chuẩn trước hết giáo viên phải rèn cho mình phát âm chuẩn theo các bước rèn luyện đã nêu trên.

- Giáo viên phải chú ý quan sát cách đọc, cách nói của học sinh ,biết nghe học sinh đọc nghĩa là có khả năng nhanh chóng nhận ra được những gì học sinh đọc đúng , phát âm chuẩn, đồng thời nhanh chóng nhận ra hiện ra được những phát âm  lệch chuẩn của các em.

 - Biết tái hiện lời đọc, lời nói của học sinh trong thể đối chiếu với lời đọc, lời nói phát âm chuẩn .Giáo viên phải tạo điều kiện cho các em tự quan sát lời đọc của mình một cách khách quan. Muốn thế, thầy cô giáo phải có khả năng thay thế một cái máy ghi âm; ghi và phát lại lời đọc của học sinh với một thái độ chân thành; một mong mỏi tha thiết " cô muốn giúp các em đọc được đúng, đọc hay hơn''.

- Biết phối hợp nhịp nhàng lời mô tả giọng đọc và làm mẫu.Nghĩa là có sự hài hoà giữa những lời yêu cầu, chỉ dẫn về cách phát âm, cách đọc và khả năng biểu diễn những yêu cầu, chỉ dẫn này bằng giọng đọc mẫu của giáo viên.

- Khi luyện tập cho học sinh cần phối hợp đồng bộ tối đa các biện pháp luyện đọc, luyện phát âm.

- Phải lựa chọn ngữ điệu ( từ ngữ, câu, đoạn ) Để luyện đọc cho học sinh sao cho phù hợp, tiết kiệm thời gian luyện tập.

- Mỗi giáo viên thường xuyên nêu cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm trong việc sửa lỗi phát âm cho học sinh. Ở mọi lúc, mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh cần uốn nắn kịp thời khi thấy các em phát âm sai.

     1.2. Đối với học sinh:

- Mỗi học sinh phải tự nhận thức được đọc kém, phát âm sai sẽ làm mất đi vẻ đẹp của tiếng nói của dân tộc và làm hạn chế việc học tập của chính bản thân mình.

- Có ý thức rèn kĩ năng đọc, nói phát âm chuẩn theo hướng dẫn của thầy cô trong học tập cũng như trong sinh hoạt, vui chơi.

- Phải chú ý theo dõi sự hướng dẫn của giáo viên ,chăm chỉ tự tin trong học tập, phải hoà đồng cùng bạn bè, điều gì không hiểu mạnh dạn hỏi thầy cô hoặc bạn bè. Hằng ngày dành thời gian hợp lý cho việc luyện đọc. Luôn luôn có ý thức luyên phát âm đúng ,đọc chuẩn rõ ràng lưu loát rồi diễn cảm.

     2. Khuyến nghị:

- Các cấp lãnh đạo cần tăng cường tổ chức các chuyên đề Tập đọc, đây chính là hình thức học tập, bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm dạy học. Tạo điều kiện cho GV từng bước nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và mở rộng tầm hiểu biết của mình.

- Tăng cường quan tâm việc cung cấp thiết bị, đồ dùng dạy học như tranh ảnh, băng đĩa hình, ti vi, đầu đĩa phục vụ bài dạy.

- Nếu có thể tìm nguồn hỗ trợ nào đó để cung cấp và tạo điều kiện cho HS tiếp xúc với những văn bản đọc ngoài chương trình học để các em có điều kiện tiếp xúc với những văn bản lạ, bớt đi hạn chế khi đọc những văn bản đọc mới.

 - Tổ chức các cuộc hội thảo, chuyên đề về "rèn phát âm chuẩn''. Trong năm học nên tổ chức cuộc thi "Đọc giỏi, kể chuyện hay, viết đẹp ….'' có phần thưởng động viên đối với giáo viên và học sinh đạt kết quả tốt trong cuộc thi.