Đánh giá phim hoàng kim giáp năm 2024

Đối với khán giả Việt Nam, Hoàng kim giáp không tránh khỏi bị so sánh với Dạ yến - bộ phim có cùng môtuýp về hình ảnh, âm thanh, cũng có một dàn “sao” lấp lánh và câu chuyện tranh giành quyền lực, nhưng khởi chiếu sớm hơn nửa năm. Nếu Phùng Tiểu Cương vẽ Dạ yến bằng nhiều gam màu rực rỡ - xanh, đỏ, đen xen kẽ màu trắng tinh khôi - thì đạo diễn họ Trương chỉ chọn màu vàng tượng trưng cho vương quyền. Ông dựng lên một hoàng cung lộng lẫy, xa hoa, một cuộc sống cầu kỳ nhưng ngột ngạt. Tiếng mõ báo hiệu chuyển canh của đám hoạn quan lanh lảnh khắp cung điện, chẳng khác gì hồi chuông báo tử, khiến cho thần kinh của những người đang sống trong đó như vỡ tung.

Trên cái nền ấy là cuộc sống của gia đình Hoàng đế. Hoàng hậu xinh đẹp (Củng Lợi đóng) ốm đau được chính Hoàng đế (Châu Nhuận Phát đóng) kê đơn thuốc. Có ai biết đằng sau sự quan tâm của người chồng là một âm mưu thâm độc nhằm giết vợ? Có ai biết đằng sau sự nhẫn nhịn của Hoàng hậu là một cuộc nổi loạn đoạt ngôi thoán vị? Câu chuyện loạn luân mẹ kế - con chồng, vẻ bạc nhược của Đại hoàng tử (Lưu Diệp đóng), sự phản trắc của Nhị hoàng tử (Châu Kiệt Luân) và âm mưu bức tử phụ hoàng của Tam hoàng tử (Tần Kiệt Tuấn) cùng được phơi bày trong đại lễ Hoàng hoa rực rỡ của tiết Trùng Dương.

Đánh giá phim hoàng kim giáp năm 2024

Lý Mạn (hàng đầu) trong phim. Ảnh: Sony Pictures Classics.

Không mượn ý tưởng từ kịch Hamlet như Phùng Tiểu Cương, Trương Nghệ Mưu đã thổi vương quyền vào vở kịch nổi tiếng Trung Quốc - Lôi vũ của Tào Ngu. Vì tương lai của bản thân, chẳng ai trong gia đình Hoàng đế nhà Đường thế kỷ 10 chịu ngồi yên làm tốt thí. Từ thiên tử bạc đầu đến hoàng tử út còn niên thiếu đều có âm mưu riêng, khiến cuộc hội ngộ của họ trở thành cuộc chiến máu đổ đầu rơi, nhuộm đỏ cả hoàng cung rực rỡ sắc hoa vàng.

Các diễn viên trong Hoàng kim giáp đều xuất thần khi nhập vai. Châu Nhuận Phát toát ánh hào quang của quyền lực, trở thành một vị vua xảo quyệt. Chỉ một cái nhìn sắc lẻm, dáng trầm ngâm ưu tư hay lạnh lùng không nói một lời, nhân vật của tài tử này cũng đủ khiến bầu không khí trở nên đặc quánh. Bên cạnh đó, Hoàng hậu của Củng Lợi nhẫn nhịn đến cùng cực, đắng cay trước mặt Hoàng đế, nhưng vẫn đầy kiêu kỳ và tự chủ. Lưu Diệp tạo ra hình ảnh đớn hèn cho Đại hoàng tử, khi từng cử động của anh đều mệt mỏi, rệu rã, bế tắc. Nhị hoàng tử của ca sĩ Đài Loan Châu Kiệt Luân lại bị giằng xé giữa tham vọng quyền lực với vai trò người con hiếu thảo, giữa sự an toàn của mẹ với tính mạng của cha. Tần Kiệt Tuấn khiến khán giả bất ngờ vì hóa thân thành Tam hoàng tử có vẻ ngoài trong sáng nhưng chẳng khác gì “ma xó” chốn cung đình, chẳng có gì anh không biết, không hay. Lý Mạn, ngôi sao mai của Trương Nghệ Mưu, được giao vai cô cung nữ xinh đẹp, ngây thơ, chỉ mơ một cuộc sống vô tư lự với người mình yêu, nhưng chẳng bao giờ được toại nguyện…

Thật không có gì khó hiểu khi Hoàng kim giáp trở thành bộ phim đạt mức kỷ lục doanh thu châu Á hiện nay. Bên cạnh sức thu hút bằng sự có mặt của hai ngôi sao điện ảnh tầm cỡ thế giới được chờ đợi là Củng Lợi (hoàng hậu) và Châu Nhuận Phát (hoàng đế) cùng siêu sao ca nhạc Đài Loan Châu Kiệt Luân (nhị hoàng tử Jai), Hoàng kim giáp đã rất hấp dẫn với nhiều đại cảnh hoành tráng, từ cảnh sinh hoạt thường ngày trong cung điện nguy nga tráng lệ cho đến các trận giao chiến được dàn dựng lạ mắt với sự tham gia của hàng hàng lớp lớp binh sĩ cùng những binh khí được sử dụng đẹp mắt tựa như những vũ khúc. Toàn bộ phim được “nhuộm” bởi một màu vàng chủ đạo, vừa thể hiện tính tuyệt đối của quyền uy vừa gợi lên ý nghĩa về lớp sóng ngầm của sự phản bội. Đẹp nhất và cũng mang theo thông điệp sâu sắc nhất là chiếc thảm hoa cúc vàng khổng lồ, hình thành từ những chậu hoa đơn lẻ được trải kín quảng trường mênh mông trước cung điện trong ngày Tết Trùng Dương. Cho dù chiếc thảm hoa cúc có bị âm mưu lật đổ nhuộm đỏ thì màu vàng cũng sẽ được tái lập khi sức mạnh quyền uy vẫn tồn tại. So với các phim “đồng dạng” của Trương Nghệ Mưu trước đó như Anh hùng, Thập diện mai phục thì không gian của Hoàng kim giáp không trải rộng, chỉ gói gọn trong một cung điện nhưng không kém phần ngoạn mục và hơn hẳn về tình tiết câu chuyện. Ở Hoàng kim giáp, sự hoành tráng mang tính bạo liệt được thể hiện như một thứ nghệ thuật sắp đặt, tưởng vô tình nhưng lại rất hữu ý.

Một Lôi Vũ cấp lũy tiến

Hẳn không phải tự nhiên mà Trương Nghệ Mưu đã muốn dựa vào cốt truyện Lôi Vũ nổi tiếng của kịch tác gia Tào Ngu để làm nên một Hoàng kim giáp. Bi kịch của Lôi Vũ là bi kịch của một gia đình bình thường, còn bi kịch của Hoàng kim giáp là bi kịch của một gia đình nắm trong tay sinh mệnh của thiên hạ. Vì vậy, tính cách của các nhân vật tương ứng cũng được tác giả Hoàng kim giáp làm đậm lên theo cấp... lũy tiến. Nếu như Chu Phác Viên trong Lôi Vũ chỉ là một người chồng nặng tính gia trưởng tỏ ra nghiêm khắc khi chăm lo cô vợ trẻ bằng việc bắt phải uống thuốc hằng ngày thì hoàng đế trong Hoàng kim giáp buộc hoàng hậu uống độc dược nhằm trừng phạt bà về tội loạn luân. Nếu như Chu Phác Viên phải ngậm ngùi quay lưng với Thị Bình vì sự khác biệt giai cấp thì ông vua đã đang tâm thảm sát cả gia đình vợ cũ chỉ vì muốn che giấu quá khứ của mình. Và nếu Phồn Y của Lôi Vũ chỉ là một phụ nữ đỏng đảnh, loay hoay với nỗi giày vò của mình một cách yếu đuối thì hoàng hậu của Hoàng kim giáp lại nuôi âm mưu lớn để trả thù. Và cuối cùng, nếu bi kịch ở Lôi Vũ chỉ làm chết vài ba người con của Chu Phác Viên thì ở Hoàng kim giáp, kéo theo đoạn kết thảm khốc của các hoàng tử là hàng vạn sinh linh binh sĩ vô tội cùng nỗi đau của gia đình họ. Là một bộ phim thể hiện những xung đột trong hoàng cung, nhưng khác với phần lớn những bộ phim trước đó, lấy việc tranh giành ngôi báu làm nguyên nhân chính, bi kịch của Hoàng kim giáp khởi đi từ sự bất hòa trong mối quan hệ thường tình trong gia đình. Một người chồng muốn trừng phạt người vợ loạn luân; một người vợ muốn tìm cách loại bỏ chồng để tự giải thoát; một người con dẫn quân về lật đổ cha không vì ngôi báu mà vì thương mẹ... Rõ ràng ở đây, cốt truyện Lôi Vũ được dùng như một tiền đề để Hoàng kim giáp hướng tới một lời cảnh báo: những việc xấu xa trong một gia đình bình thường có tác hại trong phạm vi nhỏ nhưng nếu nó diễn ra trong gia đình của kẻ nắm quyền sẽ dễ trở thành bi kịch của cả một xã hội.

Nhận định về Hoàng kim giáp, cũng như ít nhiều về phim Anh hùng, Thập diện mai phục trước đó, người ta cho rằng Trương Nghệ Mưu đã chạy theo cách làm điện ảnh phô trương hình thức, rời bỏ cách thể hiện tinh tế mang phong cách Á Đông qua việc khai thác những nét đặc thù của xã hội TQ, từng đưa tên tuổi ông đến với thế giới như các bộ phim Sống, Cao lương đỏ, Đèn lồng đỏ treo cao, Thu Cúc đi kiện,... Thiết nghĩ, với một người cỡ như Trương Nghệ Mưu, một bộ phim là một sự lựa chọn. Nghệ thuật luôn hướng tới sự sáng tạo và bản thân người làm nghệ thuật cũng luôn muốn được thử thách mình bằng cái mới. Sau khi đã đóng “mác” Trương Nghệ Mưu qua một loạt phim trên hẳn ông đang muốn chinh phục thị trường điện ảnh thế giới bằng những bộ phim mang tính hấp dẫn theo chiều hướng thương mại. Và rõ ràng là chưa mấy ai sánh kịp ông ở phạm vi châu lục khi những Anh hùng, Thập diện mai phục và bây giờ là Hoàng kim giáp đang trên đà chiếm lĩnh các kỷ lục doanh thu.